Thấy gì từ việc bồi dưỡng, phát triển giáo viên ở Mĩ

GD&TĐ - Các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo nhà trường, chuyên gia giáo dục ở Mĩ đã ngày càng nhận thấy ảnh hưởng to lớn của giáo viên như một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động học tập ở học sinh. Do đó, họ quan tâm ngày một nhiều đến việc nâng cao và phát triển chuyên môn cho giáo viên.

Thấy gì từ việc bồi dưỡng, phát triển giáo viên ở Mĩ

TS. Ngô Vũ Thu Hằng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết trong một tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm":

Yếu tố then chốt với hoạt động phát triển chuyên môn cho GV

Tại Mĩ, nhiều chính sách, dự án đã được phát triển để đáp ứng các yêu cầu về bồi dưỡng, phát triển chuyên môn ở giáo viên (GV), qua đó có thể giúp GV nâng cao kiến thức cũng như năng lực thực hành sư phạm.

Ví dụ như dự án “Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại” thực hiện vào năm 2001, đòi hỏi các bang phải đảm bảo việc phát triển chuyên môn trình độ cao cho tất cả các GV.

Tương tự, “Dạy học và nguy cơ: Lời kêu gọi hành động” (năm 2004) đã lưu ý các nhà giáo dục rằng, dạy học là một công việc giá trị nhất của quốc gia và khẩn thiết kêu gọi việc giúp đỡ các GV thực hiện hiệu quả công việc của mình và giúp những đứa trẻ học tập chính là sự đầu tư vào tiềm năng con người, là một trong những yếu tố thiết yếu đảm bảo sự tự do và thịnh vượng của Mĩ trong tương lai.

Dựa trên việc phân tích thực trạng còn có những bất cập của hoạt động học tập và phát triển chuyên môn của GV, các nhà nghiên cứu giáo dục ở Mĩ đã thiết kế một lộ trình nhằm có thể phát triển chuyên môn cho GV một cách hiệu quả.

Trong lộ trình ấy, các yếu tố sau được coi là những yếu tố then chốt đối với hoạt động phát triển chuyên môn cho GV: Chương trình phát triển chuyên môn; GV với tư cách là người học; Người bồi dưỡng, người trợ giúp GV - là những người giúp GV kiến tạo nên những tri thức mới và hình thành những năng lực thực hành sư phạm mới; Bối cảnh mà các hoạt động phát triển chuyên môn diễn ra.

Bồi dưỡng gắn với lộ trình phát triển cụ thể

Các giai đoạn trong lộ trình phát triển chuyên môn cho GV được TS. Ngô Vũ Thu Hằng chia sẻ như sau:

Giai đoạn 1: Xác minh sự tồn tại của những hoạt động phát triển chuyên môn có hiệu quả. Giai đoạn này tập trung vào những chương trình phát triển GV riêng lẻ.

Ở giai đoạn này, nghiên cứu cung cấp những bằng chứng cho thấy các chương trình phát triển chuyên môn chất lượng cao có thể giúp GV đào sâu tri thức và chuyển hóa các hoạt động dạy học một cách hiệu quả.

Các nhà thiết kế chương trình cũng đồng thời là những nhà nghiên cứu khoa học. Các GV được khuyến khích tham gia tự nguyện và nhiệt tình, mang sẵn trong mình những động cơ tích cực, là những người sẵn sàng thực hiện những sự thử nghiệm, đổi mới trong dạy và học.

Giai đoạn 2: Chi tiết hóa các chương trình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho giáo viên. Ở giai đoạn này, các nhà nghiên cứu giáo dục tập trung vào việc phát triển và thực hiện các chương trình cụ thể để giúp phát triển chuyên môn cho GV.

Cụ thể bao gồm: Phát triển chuyên môn dựa trên chương trình môn học; phát triển chuyên môn thông qua hoạt động GV tập huấn cho GV.

Giai đoạn 3: Tổ chức và thực hiện các chương trình phát triển chuyên môn GV đa tác dụng. Mục tiêu chính của giai đoạn này đó là nhằm cung cấp những thông tin có thể so sánh về quá trình thực hiện, kết quả và những yêu cầu đối với nguồn học liệu cần thiết đối với những chương trình phát triển chuyên môn được xác lập rõ ràng.

Các bằng chứng nghiên cứu đã củng cố những nhận định cho rằng việc đầu tư vào các hoạt động phát triển GV có tính chiến lược, chuyên sâu, kết nối với thực tế nhà trường và sáng kiến giáo dục, giúp GV phát triển về kiến thức chuyên môn, tạo nên mối quan hệ công việc tốt giữa các GV, qua đó, đạt được những thay đổi tích cực trong thành tích học tập của HS.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố then chốt đối với hoạt động bồi dưỡng, phát triển GV hiệu quả. Cụ thể, đó là:

Quan điểm/tầm nhìn về hoạt động phát triển chuyên môn GV cần được thể hiện rõ ràng, khúc triết, dễ hiểu, được thẩm thấu, lan tỏa trong các chính sách và thực tế giáo dục;

Điều hành có hiệu quả về chất lượng của các hoạt động phát triển chuyên môn cho GV. Các hoạt động hướng dẫn, giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng cần được kết nối và tạo nên nền tảng cho hoạt động phát triển chuyên môn liên tục cho GV;

Cơ sở vật chất của tổ chức cần hỗ trợ cho hoạt động phát triển chuyên môn; sự ổn định của các nguồn quỹ được sử dụng cho các hoạt động phát triển chuyên môn; hoạt động quản lí, lãnh đạo; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận trong hệ thống; các nhà cung cấp trung gian và bên ngoài đối với các chương trình bồi dưỡng, phát triển GV;

Sự phối kết hợp với các tổ chức phát triển chuyên môn; việc tạo ra một mạng lưới các tổ chức trung gian; thiết lập và điều chỉnh mô hình cộng đồng học tập chuyên môn linh hoạt và phù hợp với thực tế’ hướng đến cách giải quyết vấn đề mang tính xây dựng, kiến tạo.

Bài học cho Việt Nam

TS. Ngô Vũ Thu Hằng nhấn mạnh: Các quốc gia hiện nay đều coi trọng hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho GV và gắn hoạt động này với công cuộc đổi mới giáo dục không ngừng diễn ra.

Các hoạt động phát triển chuyên môn cho GV được thực hiện ngày càng có tính thực tiễn cao, gắn liền với các hoạt động nhà trường đồng thời dựa trên cách tiếp cận nghiên cứu khoa học mà ở đó có các hoạt động phân tích lí luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong nhiều hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn, GV được làm việc trực tiếp và tương tác sâu với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục và những người đào tạo GV.

Ở đấy, vai trò của họ là những người học tích cực đồng thời là những người hợp tác, đồng thiết kế và là những người thực hiện, triển khai các ý tưởng từ chương trình vào trong thực tế lớp học.

Họ được tham gia vào một cộng đồng học tập chuyên nghiệp giúp họ có thể có những biến chuyển sâu sắc trong nhận thức cũng như trong các hoạt động thực hành dạy học ở trên lớp, từ đó dần phát triển chuyên môn và năng lực nghề nghiệp của mình.

“Trong công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như hiện nay, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, học hỏi, kế thừa kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, phát triển GV ở các nước trên thế giới bên cạnh việc tính đến những yếu tố văn hóa, xã hội riêng của đất nước để có thể xây dựng được những chương trình phát triển GV phù hợp.

Qua đó, giúp đào tạo ra những thế hệ GV có năng lực, có chất lượng để có thể thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, dạy học tại nhà trường phổ thông theo định hướng đổi mới đã đề ra” - TS. Ngô Vũ Thu Hằng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.