Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán: Lớp học ảo… kết quả thật

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên phổ thông cốt cán được tổ chức theo hình thức lớp học ảo.

Thầy Nguyễn Sinh Hiệp (thứ hai từ phải qua trái – hàng trên cùng) trong khóa tập huấn, bồi dưỡng mô-đun 4 qua hình thức lớp học ảo. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Sinh Hiệp (thứ hai từ phải qua trái – hàng trên cùng) trong khóa tập huấn, bồi dưỡng mô-đun 4 qua hình thức lớp học ảo. Ảnh: NVCC

Đạt mục tiêu số lượng và chất lượng

Vừa hoàn thành xong khóa tập huấn, bồi dưỡng mô-đun 4 về quản trị cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Nguyễn Sinh Hiệp – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) - chia sẻ, đây là lần đầu tiên mọi người được tập huấn trực tiếp thông qua lớp học ảo.

Theo thầy Hiệp, 2 ngày tham gia lớp học, là những trải nghiệm mới mẻ và thú vị của học viên. Theo đó, học viên vẫn tương tác với nhau và giảng viên vẫn có thể hỗ trợ học viên kịp thời khi cần. Vì thế, lớp học diễn ra bình thường, không khác nhiều so với lớp học truyền thống. Bằng phương thức này, việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng sẽ đạt được mục tiêu về tiến độ và chất lượng.

“Chúng tôi làm việc theo nhóm tương đồng. Các nhóm sẽ có thời gian nhất định để hoàn thành nhiệm vụ, đăng tải sản phẩm lên padlet. Rồi nhóm này nhận xét, góp ý cho nhóm kia. Sau đó, giảng viên sư phạm đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm và chốt lại những vẫn đề cốt lõi” – thầy Nguyễn Sinh Hiệp chia sẻ.

Minh chứng cho nhận định của mình, thầy Hiệp dẫn giải, lớp học diễn ra nghiêm túc. Đơn cử như: Giờ vào học, giải lao và kết thúc buổi học được quy định chặt chẽ. Hay như việc điểm danh học viên cũng diễn ra nghiêm ngặt, không chỉ thông qua cách vào lớp, bật camera, mà còn qua các bài khảo sát. Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng, giảng viên sư phạm cốt cán là người tổ chức hướng dẫn các hoạt động. 

Hài lòng với nội dung, hình thức và chất lượng của khóa tập huấn, lãnh đạo Trường THCS Thanh Hồng cho hay, cả lớp có 49/50 người tự đánh giá là: Hoàn toàn hiểu và hiểu; 1 người chọn phương án “hiểu 1 phần”.

Qua đó cho thấy, học viên nắm chắc những vấn đề cốt lõi của mô-đun và biết cách làm 3 việc quan trọng nhất, gồm: Các văn bản chỉ đạo, văn bản pháp lý về mô-đun 4; biết cách xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp; quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức; đồng thời có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ cho nhà trường.

“Điều này đồng nghĩa với việc năng lực quản trị cơ sở vật chất được nâng lên cả về nhận thức cũng như kỹ năng, thái độ” – thầy Hiệp nhấn mạnh, đồng thời chốt lại: Mặc dù tập huấn online nhưng kết quả tương đương như tập huấn, bồi dưỡng theo hình thức trực tiếp. Có thể nói, lớp học ảo nhưng kết quả thật.

Học viện Quản lý Giáo dục khai mạc khóa bồi dưỡng, tập huấn mô-đun 4 cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Học viện Quản lý Giáo dục khai mạc khóa bồi dưỡng, tập huấn mô-đun 4 cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Nhiều trải nghiệm mới

Là giáo viên cốt cán của tỉnh Quảng Trị, cô Bùi Thị Phương – giáo viên Trường Tiểu học Phong Bình (Gio Linh) đã hoàn thành bồi dưỡng mô-đun 4 về xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo đó, cô và các đồng nghiệp đã có 2 ngày tập huấn trực tiếp qua lớp học ảo. Phương thức này đã hỗ trợ đắc lực cho giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà trong quá trình tự bồi dưỡng. Giáo viên có thể sử dụng tài khoản của mình hoặc mượn tài khoản của đồng nghiệp để vào LMS tra cứu tài liệu và làm các bài tập trên hệ thống.

“Sau tập huấn, bồi dưỡng, chúng tôi tiếp tục chia sẻ với giáo viên đại trà; qua đó tạo ra cộng đồng giáo viên cùng học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi” – cô Phương chia sẻ.

Là đơn vị chịu trách nhiệm tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán của 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; đến thời điểm này, Trường ĐH Vinh đã hoàn thành bồi dưỡng mô-đun 4 cho gần 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán trong khuôn khổ của dự án ETEP. TS Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Quản lý Chương trình ETEP Trường ĐH Vinh - cho biết: Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giảng viên, học viên; nhà trường đã triển khai bồi dưỡng theo phương thức hoàn toàn mới.

Theo đó, giáo viên phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng theo công thức 7 – 2 - 7, theo quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Ban Quản lý Chương trình ETEP - Bộ GD&ĐT ban hành, gồm: 7 ngày tự học trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS) với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt trước khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp; 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống SmartLMS của Viettel, 7 ngày nghiên cứu và tự học để làm bài tập cuối khóa, hoàn thành nội dung học tập mô-đun 4.

“Khóa bồi dưỡng diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, nhưng vượt lên khó khăn, các giáo viên phổ thông cốt cán của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã hoàn thành đợt bồi dưỡng với nhiều trải nghiệm mới” - TS Trần Bá Tiến nói.

Mới đây, Học viện Quản lý Giáo dục đã chính thức khởi động khóa tập huấn, bồi dưỡng mô-đun 4 về quản trị cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh cho hơn 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện – cho hay: Đây là lớp bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo và áp dụng phương thức 7 – 2 - 7. Toàn bộ khóa học sẽ được ghi hình qua hệ thống LMS. Trong quá trình tập huấn, học viên có thể tương tác hoặc trao đổi những khó khăn, vướng mắc để cùng giảng viên tháo gỡ. Điều quan trọng là, sau khóa học, các học viên cần bắt tay ngay vào bồi dưỡng, hướng dẫn cho cán bộ đại trà ở cơ sở.

Theo thầy Nguyễn Sinh Hiệp, tập huấn, bồi dưỡng qua lớp học ảo vừa bảo đảm số lượng học viên tham gia, vừa đạt tiến độ về khung thời gian tập huấn; đồng thời chất lượng khóa học vẫn ổn định. Với phương thức này, việc tập huấn có thể tổ chức thường xuyên, liên tục, không bị giới hạn bởi không gian và khoảng cách về địa lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lạc quan trong thận trọng

GD&TĐ - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố dự báo mới về tình hình và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cùng những nền kinh tế lớn cho năm 2024, 2025.

Số lượng du học sinh tại Hà Lan tăng đột biến.

Hà Lan tăng cường kiểm soát du học sinh

GD&TĐ - Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ tiếp tục giảm số chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm tăng cường kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế.