Bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán: Giải quyết vấn đề thực tiễn của nhà trường

Bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán: Giải quyết vấn đề thực tiễn của nhà trường

Có sự phân hóa nhất định

- Là báo cáo viên trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, xin Tiến sĩ cho biết về những điểm mới của đợt tập huấn này?

- Nét mới rõ nhất là ở hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng. Đó là sự kết hợp giữa bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp. Hình thức này nếu như được khai thác tốt thì sẽ tác động tích cực đến quá trình tập huấn. Minh chứng cho thấy, những học viên nào đã đăng nhập được vào tài khoản cá nhân, họ đã đọc, nghiên cứu trước tài liệu và trả lời những câu hỏi trong hệ thống học tập online thì khi đến lớp học, họ thường chủ động và tự chủ với các hoạt động bồi dưỡng trên lớp. Cùng với đó, báo cáo viên cũng sẽ giảm bớt thời gian nói về lý thuyết và có thể tăng cường thời gian cho phần thực hành, trải nghiệm.

- Đây là khóa tập huấn rất quan trọng, đòi hỏi tính hiệu quả cao, vậy báo cáo viên có chịu nhiều áp lực không, thưa Tiến sĩ?

- Khóa tập huấn, bồi dưỡng lần này dành cho hơn 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, ở phương diện cá nhân, tôi nhận thấy rõ trách nhiệm như thế nào. Nếu mình không làm tốt nhiệm vụ của một báo cáo viên thì những cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán có thể hiểu không đầy đủ, hoặc không đúng về quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cho nên bản thân tôi và các đồng nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt, nhất là phần liên hệ thực tiễn.

Cô Hạnh trực tiếp là báo cáo viên tại một lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở TP Đà Nẵng
Cô Hạnh trực tiếp là báo cáo viên tại một lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở TP Đà Nẵng 

- Về phía học viên, Tiến sĩ có nhận xét gì về thái độ, tinh thần học tập của họ?

- Khi tiếp xúc với học viên tôi nhận thấy, họ nghiêm túc và rất cầu thị. Khi chúng tôi yêu cầu học viên tham gia trải nghiệm, thực hành, làm việc nhóm thì họ hợp tác rất tốt, có tinh thần trách nhiệm và thực sự nghiêm túc.

Tuy nhiên, cũng có sự phân hóa nhất định giữa ba cấp học. Cụ thể, đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán cấp tiểu học, họ tỏ ra lo lắng và say mê hơn trong quá trình học tập. Đến bậc THCS và THPT, chúng tôi cũng nhận thấy điều đó nhưng dường như họ an tâm hơn cấp tiểu học. Cũng có thể là thời gian chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của họ còn nhiều hơn so với cấp tiểu học.

Hơn nữa, hiện nay các trường khối THCS và THPT đã chú trọng dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, các hoạt động giáo dục cũng tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới nên bước đầu, các trường ở bậc học này cơ bản đã tự chủ về kế hoạch giáo dục. Vì vậy, trong quá trình tập huấn, họ có thể thuyết trình ngay kế hoạch giáo dục của trường mình trước lớp học. Trong khi đó, ở nội dung này thì cấp tiểu học vẫn còn một chút bỡ ngỡ.

- Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng, khó khăn lớn nhất mà các báo cáo viên gặp phải là gì, thưa Tiến sĩ?

- Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng chúng tôi gặp phải một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn như: Đối với cấp THCS và THPT mới có văn bản hướng dẫn chung, chưa có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể như ở cấp tiểu học. Vì thế, khi tập huấn, bồi dưỡng cho học viên ở cấp THPT, có những câu hỏi của học viên chúng tôi phải liên hệ với Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) để có câu trả lời nhất quán, không thể tự ý trả lời theo quan điểm cá nhân. Điều này khiến chúng tôi khá bị động trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng.

Yên tâm về độ bền vững của khóa tập huấn

- Một trong những yêu cầu đối với khóa tập huấn, bồi dưỡng lần này là tăng cường thực hành. Điều này đòi hỏi báo cáo viên cũng phải có kiến thức từ thực tiễn giáo dục ở các địa phương?

- Đúng vậy! Bản thân báo cáo viên cũng phải tự bồi dưỡng và cập nhật thực tiễn giáo dục ở các địa phương. Trước khi có chương trình bồi dưỡng cho tỉnh, thành nào, chúng tôi có thói quen vào mạng để tìm hiểu địa phương đó. Sau đó, nghiên cứu sâu hơn về quá trình phát triển giáo dục của từng địa phương. Khi xác định đối tượng học viên của mình, tôi sẽ trực tiếp vào website của các trường mà học viên đang công tác để biết những thuận lợi, khó khăn của họ.

Ngoài ra, sau mỗi lần đến các địa phương để tập huấn là một lần tôi được trải nghiệm và học hỏi được rất nhiều từ thực tiễn sinh động. Từ đó, tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân để có thêm nhiều kiến thức thực tế.

- Vấn đề dư luận quan tâm là sau khi kết thúc khóa tập huấn, bồi dưỡng, làm thế nào để có thể kiểm tra việc ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn của các học viên?

- Riêng với nội dung này, tôi không cảm thấy lo lắng và khá yên tâm về độ bền vững của khóa tập huấn, bồi dưỡng. Kết thúc khóa học, Ban tổ chức yêu cầu, học viên phải có sản phẩm đầu ra là bản kế hoạch giáo dục của nhà trường nộp qua hệ thống online. Báo cáo viên phụ trách lớp nào sẽ đánh giá, góp ý cho sản phẩm của học viên lớp đó. Mục đích là để sản phẩm của học viên có thể triển khai vào thực tế nhà trường ngay trong năm học 2020 - 2021.

Còn việc có ứng ứng dụng thực tiễn hay không và ứng dụng như thế nào rất cần sự giám sát của mạng lưới từ phòng GD&ĐT cho đến sở GD&ĐT các địa phương. Trước mắt là kiểm tra cấp tiểu học, nếu họ ứng dụng tốt, phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì sẽ tạo tiền đề để chúng ta triển khai thực hiện ở cấp THCS và THPT. Còn nếu họ làm đối phó thì sẽ phải có giải pháp khác.

- Theo Tiến sĩ, điều gì còn băn khoăn cần phải tháo gỡ trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán trước khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới?

- Thực ra trong những năm gần đây, các trường học đã đổi mới rất nhiều, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Cách dạy học như vậy đã tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là cơ sở thực tiễn để chúng ta có niềm tin vào lần đổi mới này. Với tư cách báo cáo viên, tôi tin đổi mới giáo dục lần này là đúng hướng. Chủ trương đã có, vấn đề còn lại là hành động của các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, các nhà trường, đội ngũ nhà giáo cùng tất cả chúng ta.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.