Bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán: Lan tỏa theo "Vết dầu loang"

GD&TĐ - Sáng nay (7/11),  Học viện Quản lý Giáo dục khai mạc Khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2 về quản trị nhân sự trong trường học - khu vực phía Nam.

Học viên tương tác trong buổi học đầu tiên của Khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2 (khu vực phía Nam) do PGS.TS Nguyễn Thành Vinh làm báo cáo viên
Học viên tương tác trong buổi học đầu tiên của Khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2 (khu vực phía Nam) do PGS.TS Nguyễn Thành Vinh làm báo cáo viên

Khóa bồi dưỡng, tập huấn nằm trong lộ trình bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Dự lễ khai mạc có TS Đặng Văn Huấn – Phó Giám đốc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT); GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục.

Quản trị nhân sự - nghệ thuật của nghệ thuật

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Trung nhắc lại kết quả buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Ban Giám sát của Chương trình ETEP và World Bank với Học viện Quản lý giáo dục ngày 5/11 vừa qua. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng và các chuyên gia ghi nhận, trong 8 trường triển khai Chương trình ETEP, Học viện là một trong những trường có chất lượng bồi dưỡng tốt nhất, cần được nhân rộng.

GS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng
GS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng

Theo GS Phạm Quang Trung, quản lý là một khoa học và để quản trị nhân sự trong nhà trường là “nghệ thuật của nghệ thuật”, đòi hỏi chuyên môn hóa và tính đặc thù cao. Vì thế đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có vai trò quan trọng và được ví như đầu tàu.

“Chúng ta khởi động tốt đầu tàu thì toàn bộ nhà trường chạy theo. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng không thông, không chạy thì cả đoàn tàu dừng lại hoặc chệch bánh” – GS Phạm Quang Trung nói.

Trao đổi về khóa bồi dưỡng tập huấn mô – đun 2 về quản trị nhân sự trong trường học, GS Phạm Quang Trung chia sẻ, đây là khóa bồi dưỡng, tập huấn đặc biệt: Bồi dưỡng cho những người đi bồi dưỡng. Sau khi kết thúc các mô – đun, các thầy cô sẽ trở về địa phương và trở thành báo cáo viên để lan toả, chia sẻ những kiến thức và kĩ năng đã học được từ khóa bồi dưỡng theo phương thức “vết dầu loang”. Vì thế nhiệm vụ của các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cốt cán là rất quan trọng nhưng cũng rất nặng nề.

“Trong thời gian 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp, các thầy, cô chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quản lý nhân sự trong trường tiểu học theo phương châm “học thầy không tày học bạn”. Đồng thời, nghiên cứu kỹ tài liệu đã được biên soạn, chắt lọc nhằm trang bị cho mình những kiến thức và năng lực cần thiết” – GS Phạm Quang Trung đề nghị.

TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại lễ khai mạc
TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại lễ khai mạc

3 điều kiện cần và đủ

Để khóa tập huấn, bồi dưỡng mô – đun 2 thành công, TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP nhấn mạnh 3 điều kiện cần và đủ. Cụ thể, 3 điều cần là:

Thứ nhất, tài liệu bồi dưỡng đã được các trường ĐH Sư phạm chủ chốt xây dựng, được góp ý bởi các chuyên gia trong và ngoài nước, được áp dụng thí điểm và đã thẩm định bởi hội đồng khoa học, nghiệm thu bởi Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, tài liệu phần “Tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, nhân viên” đã tiếp thu nhiều tư tưởng quản lý tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tài liệu vẫn tiếp tục được chỉnh sửa, để hoàn thiện.

Thứ hai, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt: năm 2019, các giảng viên sư phạm chủ chốt đã được đánh giá cao về sự tận tình, phương pháp sư phạm đổi mới, nắm chắc yêu cầu cần đạt của chương trình bồi dưỡng. Năm nay, các trường ĐH Sư phạm đã tổ chức chuyển giao tài liệu, thống nhất khung bài dạy.

Các học viên nghiên cứu tài liệu tập huấn
Các học viên nghiên cứu tài liệu tập huấn

Thứ ba, điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống LMS. Đặc biệt là hệ thống LMS của Viettel đã được Ban quản lý Chương trình ETEP và Viettel rà soát hoàn thiện; đến nay đã tốt hơn năm 2019 rất nhiều, đáp ứng yêu cầu học tập của học viên.

Nhấn mạnh về điều kiện đủ, TS Đặng Văn Huấn trao đổi, đó chính là sự tận tâm, tích cực và trách nhiệm của các thầy cô là cán bộ quản lý cốt cán tham gia chương trình bồi dưỡng. Các thầy cô là những cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán được các Sở GD&ĐT lựa chọn theo các tiêu chí, là lực lượng nòng cốt trong triển khai, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Nhân dịp này, Học viện Quản lý giáo dục đã trao chứng chỉ hoàn thành bồi dưỡng mô - đun 1 (năm 2019) cho đại diện học viên các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam
Nhân dịp này, Học viện Quản lý giáo dục đã trao chứng chỉ hoàn thành bồi dưỡng mô - đun 1 (năm 2019) cho đại diện học viên các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

“Đây là một nhiệm vụ cao cả và cũng là một điểm nhấn trong mô hình bồi dưỡng đổi mới trong Chương trình ETEP: cả trực tuyến, trực tiếp và thường xuyên, liên tục tại chỗ với sự hỗ trợ của đồng nghiệp” – TS Đặng Văn Huấn nhấn mạnh.

Ngay sau lễ khai mạc, 200 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán cấp tiểu học đến từ các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp (đợt 1 khu vực phía Nam), đã nghe chuyên đề “Những yêu cầu về đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý trong trường tiểu học nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Thành Vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ