Bồi đắp thế hệ trẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường Xanh

GD&TĐ - Những “giảng đường xanh”, “kí túc xanh” được tạo dựng từ chính ý thức, bàn tay của học sinh, sinh viên góp phần bồi đắp một thế hệ trẻ có trách nhiệm với bảo vệ môi trường trong tương lai.

Bồi đắp thế hệ trẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường Xanh

Tạo lập ý thức

Chị Hoàng Phương Quỳnh - Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường ĐH Thủ đô - chia sẻ câu chuyện: “Cuối tháng 8/2015, Hà Nội có tổ chức một hoạt động huy động hơn 10.000 SV tham gia tại Sân vận động Mỹ Đình. Trong thời gian diễn ra hoạt động, các bạn SV xả ra một lượng rác thải tương đối lớn.

Khi đó, mình nhắc nhở khối SV Trường ĐH Thủ đô (500 bạn) tự dọn vệ sinh tại khoảng không gian mình đang đứng. Như một phản ứng dây chuyền, các khối SV của các trường khác cũng tự động thu dọn rác của cả quảng trường. Chỉ trong 10 phút, toàn bộ không gian sân vận động được dọn sạch sẽ”. 

Qua câu chuyện của chị Quỳnh cho thấy, việc giữ gìn vệ sinh không hề khó khăn hay phức tạp mà vấn đề ở chỗ làm sao xây dựng ý thức cá nhân rồi nhân rộng thành ý thức tập thể.

Ở các trường phổ thông, đại học, các cán bộ Đoàn, Hội sinh viên, giáo viên có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền và xây dựng nhận thức đúng đắn đối với bảo vệ môi trường.

Cán bộ Đoàn, Hội là những người truyền lửa, truyền nhiệt huyết tới học sinh sinh sinh viên bằng những hành động cụ thể như: trực tiếp tham gia các buổi lao động; thường xuyên xắn tay cùng sinh viên vệ sinh lớp học; đầu và cuối mỗi tiết học, giáo viên chính là người kiểm tra điều phối công tác vệ sinh trong lớp; giáo viên cũng là người phát hiện gương điển hình trong công tác lao động vệ sinh để kịp thời tuyên dương khen thưởng.

Việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cũng sẽ hiệu quả hơn nếu được làm đều đặn, thường xuyên qua các hoạt động trong năm học. Có thể là Tết trồng cây vào đầu năm âm lịch, hay các lễ ra quân làm sạch trường học, khu vực cổng trường. Những hoạt động này nên được thực hiện linh hoạt tuỳ thuộc vào đặc điểm, tình hình của mỗi trường. 

Chẳng hạn với các trường ĐH, thời gian sinh viên nghỉ tết dài, sinh viên nghỉ tết rải rác ở nhiều địa phương thường đã tham gia hoạt động tết trồng cây tại địa phương. Vì thế tết trồng cây sẽ hiệu quả hơn nếu đẩy mạnh ở nhà trường phổ thông.

Chuyển hoá kiến thức từ “học” sang “hành”

 Đồng chí Hoàng Phương Quỳnh, Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường ĐH Thủ đô

Vấn đề bảo vệ môi trường đã được chú trọng đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều cấp, bậc học. Hiện trong các trường đại học, kiến thức về nước sạch vệ sinh môi trường được dạy lồng ghép trong các môn học Tự nhiên – Xã hội (Sinh học, Địa lý, Công nghệ môi trường) và môn Giáo dục công dân. 

Kiến thức thu nạp được sẽ được chuyển hoá mềm mại, “thấm” vào học sinh sinh viên khi các bạn được tham gia các hoạt động đoàn thể ngoại khoá, tham quan thực tế để hiểu rõ hơn vấn đề vệ sinh môi trường.

Tại Trường ĐH Thủ đô, sinh viên được đi thực tế và trải nghiệm theo chương trình học bộ môn chuyên ngành Sinh học, Địa lý. Với 2 bộ môn này, SV được đến những địa phương: Cát Bà, Đồ Sơn, Lạng Sơn, Thái Nguyên… Các bạn được tìm hiểu về môi trường và các vấn đề tại địa phương, từ đó tìm ra giải pháp. Đây được tính là một môn học có tính điểm. Chính vì vậy mà SV hào hứng và mong muốn tham gia… Ngoài ra, SV còn được trải nghiệm Mùa hè tình nguyện.

Muốn bảo vệ, vệ sinh tốt môi trường ở tầm địa phương, quốc gia và quốc tế - thì trước hết phải làm tốt việc này tại môi trường sống và học tập. Đảng uỷ, Ban giám hiệu Trường ĐH Thủ đô chú trọng GD nền nếp vệ sinh môi trường hàng ngày.

Hiện giờ nhà trường cắt giảm tối đa nhân viên vệ sinh và chuyển đổi dần phương thức HSSV là chủ thể thực hiện chính, cán bộ giảng viên là người giám sát thực hiện. Tuy nhiên, do khối lượng học tập lớn, thời gian liên tục thay đổi do học chế tín chỉ nên việc thực hiện gặp không ít khó khăn.

Nhà trường đang xây dựng những phương án mới để tuyên truyền và tiếp tục giáo dục nền nếp cho SV trong khi không gây ảnh hưởng đến quỹ thời gian học tập của các em. Việc giữ vệ sinh môi trường kí túc xá cũng được lưu tâm. Đoàn trường phát động mô hình “Ký túc xá xanh” và thành lập đội Tự quản kí túc xá trong sinh viên. Sau một thời gian thực hiện, kí túc xá của trường đã có sự chuyển biến về vệ sinh. Sinh viên được sống trong môi trường Xanh bằng chính ý thức tự gìn giữ, bảo vệ của mình.

Thành Đoàn Hà Nội có hơn 60 trường ĐH, CĐ và nhiều quận huyện và đơn vị Đoàn khác. Việc liên kết các cơ sở trong hoạt động chung diễn ra thường xuyên, đặc biệt đối với vấn đề vệ sinh môi trường. Trong toàn thành phố, tất cả các đơn vị đoàn thể đều có các đội hình “Hà Nội xanh” phối hợp cùng nhau để xây dựng một Hà Nội xanh – sạch – đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ