Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy Nga quay trở lại là “Big Seven” (G7, một liên minh 7 nước phương Tây gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada), định dạng mà Nga đã bị phương Tây “khai trừ” vao năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ nước mình.
Tiếp theo, đã có sự thay đổi lớn trong cách diễn đạt của chính quyền mới ở Hoa Kỳ khi đánh giá về cuộc xung đột ở Ukraine.
Hiện vẫn chưa biết liệu đây có phải là kết quả của các cuộc đàm phán ở Riyadh hay chỉ đơn giản là sự đáp trả của ông Trump đối với ông Zelensky vì những lời lẽ không thân thiện của ông này, nhưng truyền thông châu Âu đang đánh giá những thay đổi như vậy theo chiều hướng “đáng báo động”.
Tờ báo Anh The Financial Times đưa tin, Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối việc gọi Nga là “kẻ xâm lược” trong thông cáo mới của G7 nhân kỷ niệm 3 năm ngày bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ngoài ra, chính quyền Trump đang yêu cầu các đồng minh phương Tây phải thay đổi cách nhận diện về những gì đang xảy ra ở Ukraine, đó không phải là một “cuộc xâm lược quy mô lớn” mà là một “cuộc xung đột ở Ukraine”.
“Người Mỹ đang ngăn chặn ngôn ngữ này, nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực giải quyết và hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về giữ nguyên cách gọi trên” - FT trích lời một quan chức châu Âu giấu tên.
Ngoài ra, giới truyền thông hôm nay thông báo rằng, lần đầu tiên sau 3 năm, Hoa Kỳ không đứng tên tác giả soạn thảo một dự thảo nghị quyết chống Nga của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine.
Tài liệu này cũng đang được chuẩn bị để ban hành nhân ngày 24 tháng 2 (kỷ niệm 3 năm bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine) và kêu gọi Liên bang Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ.
Các tác giả của dự thảo nghị quyết năm nay là Anh, Pháp, Đức, Canada, Thụy Sĩ, Ba Lan và các nước vùng Baltic có thái độ bài Nga. FT cho biết, Hoa Kỳ không tham gia vào quá trình xây dựng văn bản này.
Tờ Financial Times tin rằng, sự thay đổi của Nhà Trắng diễn ra ngay sau khi Tổng thống đã mãn nhiệm Volodymyr Zelensky chỉ trích Tổng thống Donald Trump tại hội nghị an ninh ở Munich.
Các nguồn tin của tờ báo cho rằng, yêu cầu nới lỏng từ ngữ của chính quyền mới của Hoa Kỳ cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Washington, đồng thời đây là một động thái mở đường cho quá trình Nga quay trở lại G7.