Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp bất động sản rà soát, bán bớt dự án

GD&TĐ - Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp BĐS tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.

Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp bất động sản rà soát, bán bớt dự án

Rà soát, bán bớt dự án

Thị trường bất động sản hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có vướng mắc về tín dụng. Phát biểu tại Hội nghị Tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong 3 năm gần đây dư nợ tín dụng bất động sản tăng liên tục. Cụ thể, đến ngày 31/12/2020 dư nợ tín dụng bất động sản là 633.700 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2021 con số này tăng lên 726.800 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng lên xấp xỉ 800.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN cũng không yêu cầu siết tín dụng bất động sản mà NHNN chỉ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với lĩnh vực này.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn những tháng cuối năm 2022, NHNN cũng đã đề xuất nới room tín dụng để hỗ trợ cho vay. Mặc dù vậy, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân liên quan đến thể chế, pháp lý.

Để tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay, có tài sản đảm bảo, dự án đủ pháp lý. Có như vậy, ngân hàng mới yên tâm giải ngân cho vay.

Hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.

“Tránh tình trạng nguồn lực chỉ có 1 nhưng thực hiện đến 5-7 dự án, vượt quá khả năng và dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp

Thống kê của NHNN cho thấy, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 05 năm qua), tỷ lệ nợ xấu là 1,81%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, bất động sản là lĩnh vực đặc thù, cần nhiều thời gian và nguồn vốn lớn để thực hiện một dự án.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vay vốn, đặc biệt là cố gắng giải ngân tiếp cho các dự án đang thực hiện dở dang, các dự án có đầy đủ pháp lý chiếm số lượng lớn hiện nay.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng NHNN tìm cách tháo gỡ theo hướng cơ cấu lại các khoản nợ xấu, giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hoạt động. Thời gian tới, NHNN ưu tiên tập trung cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho người dân.

Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp bất động sản tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.

Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp bất động sản tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng lưu ý, bản thân doanh nghiệp bất động sản cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu, có phương án thanh toán trái phiếu đến hạn, chủ động đàm phán với trái chủ để giãn nợ, thậm chí hoán đổi trái phiếu sang bất động sản.

Liên quan đến đề xuất cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp sản bất động sản, lãnh đạo VietinBank cho rằng đây là vấn đề của thị trường, nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề. “Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", Phó Tổng giám đốc Vietinbank nêu ý kiến.

Bất động sản không thiếu room tín dụng

Liên quan tới vấn đề room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, không có quy định room riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho biết sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, bởi lẽ tình trạng này thường rơi vào cuối năm. Do đó, lúc này không thể nói là không vay được do room không có.

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết tín dụng cho bất động sản của ngân hàng này tăng 17% trong năm trước, cao hơn mức tăng bình quân. Trong đó, một số lĩnh vực, như khu công nghiệp, chế xuất, có dư nợ tăng tính bằng lần.

“Cho đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực bất động sản thiếu room.

Không chỉ Vietcombank, những nhà băng trong top đầu thị trường đều khẳng định vẫn luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho bất động sản và đây là lĩnh vực không bị hạn chế.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại luôn mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Theo đó, cho vay bất động sản tại VietinBank chiếm khoảng 21% tập trung cho các mảng: Khu công nghiệp, nhà ở, kinh doanh tiêu dùng… Cũng như các ngân hàng thương mại khác, ngoài dư nợ cho vay trực tiếp các doanh nghiệp bất động sản ra thì ngân hàng cũng còn rất nhiều khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản (chiếm khoảng 50% dư nợ).

"Như vậy, tổng dư nợ cho vay có liên quan tới bất động sản chiếm tỷ lệ rất lớn trên 70%. Do đó, nếu thị trường bất động sản khó khăn thì các ngân hàng cũng khó khăn", ông Dũng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ