Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi công tôn tạo khu di tích Bộ Quốc gia Giáo dục

GD&TĐ - Ngày 24/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ khởi công công trình nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục tại thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.

Dự buổi lễ có ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, bà Đặng Hoàng Anh- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa cùng đông đảo nhân dân thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên.

Ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Ngay sau khi thành lập, cùng với các bộ khác, Bộ Quốc gia Giáo dục sơ tán lên chiến khu Việt Bắc và đóng trụ sở ở Chiêm Hoá từ 1951-1954 dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn và Tổng thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Cát Tường.

Ông Nguyễn Ngọc Ân phát biểu.

Ông Nguyễn Ngọc Ân phát biểu.

4 năm làm việc tại thôn Khuôn Trú là khoảng thời gian chứng kiến những bước trưởng thành của ngành giáo dục. Từ đây, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có những chỉ đạo quan trọng đối với toàn ngành, cán bộ và nhân viên. Những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với giá trị tiêu biểu trên, địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục tại thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 8/2006/QĐ-BVHTT ngày 17/01/2006.

Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư xây dựng công trình di tích Bộ Quốc gia Giáo dục với tổng diện tích 3.864 m2, bao gồm bậc tam cấp, văn bia bằng đá, sân cỏ và 2 công trình phụ trợ là lớp mẫu giáo và nhà văn hóa thôn Khuôn Trú. Công trình thể hiện sự tri ân, ghi nhận của Đảng và Nhà nước, của ngành giáo dục đối với các thế hệ cán bộ của Bộ Quốc gia Giáo dục thời kỳ kháng chiến cũng như ngành Giáo dục- Đào tạo hôm nay.

Tuy nhiên sau hơn 10 năm xây dựng, một số hạng mục đã xuống cấp, giá trị của di tích chưa được phát huy. Do đó trong năm 2022, giáo viên cả nước đã chung tay tôn tạo khu di tích để xứng với tầm vóc của ngành, thoả nỗi khát khao hướng về cội nguồn của tất cả những ai đã từng là học sinh, những người làm nghề dạy học.

Phối cảnh công trình.

Phối cảnh công trình.

Công trình nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: Đổ mới sân bê tông, sân lát gạch, xây phù điêu sau văn bia, xây cổng, hàng rào và trồng cây xanh, với tổng mức kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Dự kiến công trình sẽ được hoàn thiện sau 3 tháng và là một trong những sự kiện đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ