Bộ GD&ĐT làm việc với Tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 20/7, Đoàn công tác của Tổ chức mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và Tổ chức mạng lưới bảo đảm chất lượng của các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) do TS. Choltis Dhirathiti - Giám đốc điều hành AUNlàm Trưởng đoàn đến thăm, làm việc tại Bộ GD&ĐT.

Đoàn công tác của Tổ chức mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và Tổ chức mạng lưới bảo đảm chất lượng của các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) thăm, làm việc tại Bộ GD&ĐT.
Đoàn công tác của Tổ chức mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và Tổ chức mạng lưới bảo đảm chất lượng của các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) thăm, làm việc tại Bộ GD&ĐT.

Tiếp đoàn có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cùng đại diện một số cục, vụ liên quan thuộc Bộ.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, AUN-QA đã thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục cấp chương trình đào tạo lần đầu tiên vào năm 2007; cấp cơ sở giáo dục lần đầu tiên vào năm 2017. Tính đến nay, AUN-QA đã đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục cho 836 chương trình đào tạo của các trường ĐH ở 7 nước ASEAN.

Tại Việt Nam, từ năm 2009 đến 30/6/2022, AUN-QA đã thực hiện đánh giá ngoài và cấp chứng nhận cho 250 chương trình đào tạo tại Việt Nam (trong đó có 3 chương trình đào tạo đã thực hiện đánh giá ngoài bởi AUN-QA chu kỳ 2), chiếm tỉ lệ 81,2 % các chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thực hiện tại Việt Nam và chiếm 32,1% tổng số chương trình đào tạo đã được đánh giá và công nhận chất lượng tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đánh giá cấp cơ sở giáo dục: AUN-QA thực hiện đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục cho 3 cơ sở giáo dục Việt Nam. Việc đánh giá và công nhận đạt chuẩn chất lượng đối với Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội là dấu mốc đầu tiên của AUN-QA CSGD trong khu vực ASEAN.

Về đào tạo, tập huấn: Tại Việt Nam, AUN đã tập huấn, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 249 người (khóa 1), 52 người (khóa 2), 35 người (khóa 3) và 14 người (OBE). AUN-QA có 14 đánh giá viên người Việt Nam, trong đó có 5 người là đánh giá viên chính.

Năm 2020, AUN-QA đã phối hợp với Bộ GD&ĐT (Cục Quản lý chất lượng và Ban Quản lý Dự án SAHEP) tập huấn Pha 1 cho 30 cán bộ nòng cốt về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục KĐCLGD ĐH.

Như vậy, có thể thấy AUN-QA là tổ chức nước ngoài có hoạt động đánh giá chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục nhiều nhất tại Việt Nam. Việt Nam là một trong các quốc gia có số chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục ĐH đã được AUN-QA đánh giá nhiều nhất trong khu vực ASEAN.

TS. Choltis Dhirathiti - Giám đốc điều hành AUN phát biểu tại buổi làm việc.

TS. Choltis Dhirathiti - Giám đốc điều hành AUN phát biểu tại buổi làm việc.

Đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của việc hợp tác giữa AUN, AUN-QA với Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn AUN-QA cung cấp bản báo cáo tổng hợp phân tích số liệu từ chính các báo cáo đánh giá ngoài của AUN-QA đối với các cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đại học Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng chính sách.

Cùng với đó, Thứ trưởng cũng khuyến khích AUN-QA chia sẻ tích cực những kinh nghiệm trong nâng cao năng lực đội ngũ kiểm định viên, đội ngũ làm công tác bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam.--

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến các thông tin AUN-QA chia sẻ ban đầu thông qua kết quả đánh giá chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục của AUN-QA tại Việt Nam; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đội ngũ kiểm định viên; đội ngũ bảo đảm chất lượng trường ĐH.

Hai bên cũng cùng trao đổi liên quan đến chính sách hợp tác của AUN-QA với các quốc gia trong khu vực và dự kiến đối với Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn đến năm 2030 để hỗ trợ Việt Nam trong viêc thực hiện các nhiệm vụ liên quan mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt tại Quyết định số 78/QĐ-TTg về phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm Việt Nam giai đoạn 2022-2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ