Kết thúc “cuộc đua” vào biên chế bằng mọi giá
Biên chế tuy tạo tính ổn định trong nghề nghiệp đối với giáo viên, nhưng mặt khác, nó tạo nên “bức bình phong” án ngữ, cố thủ trong nghề giáo. Với tâm lý dựa dẫm vào biên chế mà lâu nay trong giáo dục có một “cuộc đua ngầm” vào biên chế bằng mọi giá.
Xin đơn cử một số “chiêu” chạy biên chế: một số trường đại học sư phạm địa phương đang trong xu hướng “thổi phồng” chất lượng đầu ra để sinh viên mình ra trường có “lợi thế” cho trong xét tuyển viên chức; một số cán bộ cấp trên áp đặt hiệu trưởng phải nhận con em mình vào dạy hợp đồng, ngay cả khi môn đó trường đã đủ hoặc đang thừa giáo viên, nhằm để lấy số năm công tác (được ưu tiên trong tuyển dụng sau này); cũng vì sợ mất các suất biên chế cho con em mình mới ra trường mà có Sở GD&ĐT tỉnh X đã không xét đặc cách vào biên chế cho những giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội liên tục trên 36 tháng (theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ).
Ngay cả khi đã vào biên chế rồi, muốn chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn, nhiều giáo viên không thể “tay trắng” “nước bọt” mà thực hiện được. Chưa hết, cũng vì biên chế mà hàng nghìn giáo viên THPT phải chấp nhận bị chuyển xuống dạy tiểu học, mầm non.
Vậy rõ ràng, bỏ biên chế sẽ khép lại cuộc đua vào biên chế thiếu khách quan, minh bạch, không hồi kết bấy lâu nay.
Tinh gọn và nâng cao chất lượng đội ngũ
Hệ quả của cuộc đua chen cho bằng được vào biên chế thời gian qua đã tạo nên hiện tượng “lạm phát” thừa giáo viên ở mức báo động. Số liệu báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho thấy, tình trạng dôi dư giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.
Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TPHCM 1.195. Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).
Một thực trạng đáng lo ngại lâu nay là một bộ phận giáo viên khi được vào biên chế đã tạo cho mình một “lớp bảo vệ” an toàn. Không ít giáo viên rất trì trệ, họ không chịu tự học nâng cao trình độ chuyên môn, rất hạn chế về học ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Hiện nay có một bộ phận giáo viên không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về nhà, không có trách nhiệm mà vẫn nhận đủ lương. Điều đó sẽ khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn. Nay chúng ta thay bằng chế độ hợp đồng, buộc giáo viên phải “vận động” để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo”.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra một so sánh khá sinh động: “Việc ta bỏ công chức thực chất giống như cơ chế khoán trong nông nghiệp trước đây, khoán để người ta được làm chủ và người ta phải cố gắng. Ví dụ, trước khi có cơ chế khoán trong nông nghiệp, sáng mặt trời lên mới đi làm, chưa chiều đã về nên năng suất lao động thấp. Nhưng khi thực hiện hình thức khoán, mọi người đều ra sức làm và năng suất lao động cao hơn rất nhiều. Tôi nghĩ ý tưởng của Bộ GD&ĐT là từ cơ chế như thế”.
Đúng như thế, đổi mới giáo dục bắt đầu từ nhân tố con người, từ đội ngũ nhà giáo. Xóa bỏ biên chế sẽ không còn môi trường cho sự chây ì, trì trệ, đối phó, dạy qua loa trên lớp, còn để về nhà dạy thêm. Xóa bỏ biên chế sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tích cực trong đội ngũ giáo viên. Sự đánh giá cào bằng trong giáo dục sẽ không còn lý do để tồn tại.
Nhiều giáo viên đánh giá chủ trương bỏ biên chế giáo dục sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, tạo khoảng trống để nhân tài có cơ hội vào ngành, tránh tình trạng người tài thi biên chế nhưng không dễ gì được vào vì “con ông cháu cha” đã chiếm hết phần.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề giáo là cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Chuyển chế độ biên chế sang chế độ hợp đồng làm việc sẽ tạo động lực để nhà giáo đổi mới, sáng tạo, không ngừng tu dưỡng phẩm chất và năng lực, xứng đáng với vai trò, thiên chức của mình.
Phù hợp quy luật thời hội nhập
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, gánh nặng bao cấp trong giáo dục là quá lớn. Xã hội hóa giáo dục là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Xã hội hóa giáo dục tất yếu phải đi đôi với tiết kiệm chi phí, nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao xã hội về chất lượng giáo dục. Vậy nên xã hội hóa giáo dục thì không thể để bộ máy biên chế càng ngày càng phình to, trong khi năng suất và chất lượng không tăng, thậm chí ì ạch, trì trệ, “cá mè một lứa”.
Bên cạnh kinh phí đầu tư của nhà nước, phụ huynh cũng phải đóng học phí, ủng hộ nhiều khoản đối với nhà trường, vì vậy họ có quyền lựa chọn và đòi hỏi chất lượng dịch vụ giáo dục tối ưu nhất. Điều đó dẫn đến xu thế tất yếu là sự cạnh tranh, mỗi trường sẽ tự xây dựng thương hiệu cho mình bằng chất lượng thực sự.
Muốn vậy đội ngũ giáo viên sẽ tận tâm tận lực, gắn mình với tập thể mà phấn đấu, tạo uy tín cho bản thân. Bệnh thành tích khi đó mới thực sự được đẩy lùi. Những sản phẩm kém chất lượng sẽ bị đào thải theo quy luật cung cầu. Công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên sẽ công khai và minh bạch hơn, không có chỗ cho “cơ chế xin - cho” tồn tại, thay vào đó là cơ chế tự chủ, năng động.
Theo xu thế hội nhập, các trường sẽ dần dần tiến đến tự chủ về tuyển sinh, nhân sự và tài chính. Hiệu trưởng muốn xây dựng uy tín, thương hiệu, phải tuyển chọn những giáo viên thực sự đủ phẩm chất và năng lực. Và muốn thu hút hoặc giữ chân họ được họ, nhà trường phải có một chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng với năng lực lao động của họ.
Việc phân hạng giáo viên tất yếu sẽ được tiến hành và áp dụng đối với tất cả nhà giáo. Không nhất thiết phải chờ 3 năm để tăng một bậc lương, những giáo viên có năng lực, biết phấn đấu sẽ có cơ hội để được xét thăng hạng. Nhờ đó mức thu nhập của họ sẽ cao hơn, tăng nhanh hơn.
Đừng hoài nghi thái quá
Xóa bỏ biên chế giáo viên là một chủ trương đúng đắn, tạo “cú hích” để giáo dục có những bước đột phá. Những nhà giáo thực sự có phẩm chất và năng lực, dù trong chế độ làm việc nào, họ cũng khẳng định được uy tín, vị trí của bản thân. Vậy xin đừng hoài nghi thái quá.
Chủ trương này tuy được đại đa số nhà giáo tán thành, tuy nhiên vẫn có không ít người băn khoăn, lo lắng, thậm chí phản đối. Họ sợ rằng, cơ chế hợp đồng sẽ dễ dẫn đến sự lạm quyền của hiệu trưởng, tiếng nói dân chủ sẽ bị triệt tiêu. Họ lo rằng nhà trường sẽ biến thành doanh nghiệp, sẽ “thương mại hóa” giáo dục, thầy cô không khác gì “người làm thuê”, rồi đây người giỏi theo ngành sư phạm sẽ giảm nhiều.
Bỏ biên chế giáo viên chính sách đụng chạm đến quyền lợi của hàng triệu giáo viên trên cả nước nên nhiều người băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này đã được lãnh đạo ngành trả lời khá rõ ràng trong nghị trường và trên diễn đàn giáo dục, báo chí.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ rằng: “Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra. Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành giáo dục”.
Về vấn đề “vướng” Luật Lao động, Luật Viên chức, Nghị định hiện hành của Chính phủ, Bộ trưởng Nhạ cũng đã trả lời: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hữu quan và các địa phương để cụ thể hóa chủ trương này trong thời gian tới”.
Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS Trần Xuân Nhĩ chân thành nói rằng: “Giáo viên không có gì phải hoang mang, lo lắng mà nên cùng đồng lòng phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục. Ông cho rằng, giáo viên có năng lực, ý chí phấn đấu, khẳng định được mình, sẵn sàng học tập vươn lên, hết lòng vì học sinh thậm chí sẽ vui vẻ đón nhận chủ trương này”.
Đổi mới giáo dục cốt lõi là đổi mới tư duy. Dù việc xóa bỏ biên chế trong đội ngũ giáo viên không phải là chuyện trong một sớm một chiều, nhưng nói như Bộ trưởng Nhạ, “chúng ta phải hình thành một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định mình, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm”.