Tôi cũng đã biết đến ý tưởng bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Khách quan mà nói, ý tưởng này sẽ làm tăng động lực dạy học cho tất cả đội ngũ các thầy, cô giáo, tạo nên phong trào thi đua trong dạy học.
Trong môi trường giáo dục, tôi không muốn sử dụng từ “cạnh tranh” như nhiều người vẫn nói, mà tôi muốn nhấn mạnh đến 2 chữ thi đua. Thi đua ngay từ trong bản thân mỗi thầy, cô giáo để ngày càng có nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”.
Cụ thể, giáo viên tích cực dạy học và dạy học có chất lượng, có hiệu quả. Tức là tinh thần trách nhiệm thể hiện ra công việc được nâng cao. Hướng phát triển này rất tốt. Có thể nói, Bộ trưởng là người đứng đầu Ngành GD-ĐT; trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông từ bậc tiểu học đến đến THPT, Bộ trưởng có quyền hạn, trách nhiệm và biết phải làm gì để đội ngũ các thầy, cô giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực thực hiện công việc dạy học của mình, đồng thời tích cực thực hiện có hiệu quả công việc giáo dục của mình.
Tôi muốn nhấn mạnh hai ý là dạy học và giáo dục, bởi giáo viên không chỉ dạy học kiến thức mà còn có nhiệm vụ giáo dục con người. Vì thế ý tưởng bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên là một hướng rất đúng và chúng ta hoan nghênh, vui mừng đón chào ý tưởng đó.
Sự lo lắng và quan tâm của Bộ trưởng cũng xuất phát từ tình hình là đội ngũ thầy cô giáo ở phổ thông rất đông, tới hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, tôi cũng xin được góp ý như sau: Mặc dù ý tưởng tốt nhưng việc áp dụng vào thực tế cần một lộ trình cụ thể, thí điểm và đánh giá từng giai đoạn. Vì thế cần phải có quá trình nghiên cứu, khảo sát thật nghiêm túc, bài bản, đúng và trúng. Đấy mới là điều quan trọng, bởi khi đã có ý tưởng tốt và điều kiện thực hiện tốt, quá trình triển khai thực hiện cũng tốt thì mọi việc sẽ tốt. Ý tôi muốn nói phải thực hiện có tính đồng bộ và nghiêm túc. Vì thầy giỏi mới có trò giỏi được.
Minh Phong (ghi)