Nhà giáo Vũ Hoàng Sơn cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ với chủ trương này. Bỏ biên chế chuyển sang hợp đồng là phù hợp với nhu cầu tất yếu của xã hội, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa nhà trường với nhà trường, GV với GV, giữa cán bộ quản lý với nhau.Mỗi cán bộ quản lý và GV phải nỗ lực để khẳng định “vị thế” và “thương hiệu” góp phần phát triển ngành giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng .
Nghề giáo và môi trường học đường có những đặc thù, những quy định riêng. Nghề giáo đòi hỏi các thầy cô giáo phải tận tâm, phải chủ động, sáng tạo, vì sản phẩm tạo ra là sản phẩm đặc biệt - con người. Con người có kiến thức, vốn sống, được hình thành nhân cách qua từng bài học, từng lời giảng của thầy, được hun đúc và uốn nắn để trở thành con người luôn biết hướng về chân - thiện - mĩ.
Công việc thực sự của các thầy cô giáo không chấm dứt sau những giờ dạy trên lớp mà còn kéo dài với những công việc không tên khác như soạn bài, đồ dùng dạy học, trao đổi với phụ huynh, trò chuyện với các em,… Vì thế, nếu thầy cô giáo lao động giống như một cái máy với chức năng lên lớp giảng bài, chấm bài, hết giờ là về, thì kết quả giáo dục sẽ được dự báo là con số 0.
Hiện nay, không ít GV, thậm chí là cả nhà quản lý đã quá quen thuộc và chấp nhận với hai chữ “biên chế” vì đó là “lá bùa hộ mệnh”, nơi đây họ được đảm bảo lương hàng tháng, các khoản phụ cấp, tới tháng tới ngày thì nhận quyết định nâng lương,… không có sự cạnh tranh và chịu sự đào thải gay gắt từ môi trường làm việc.
Vì vậy, một khi bỏ biên chế, sẽ không GV nào có thể chây ỳ, coi việc lên lớp cho xong nghĩa vụ được nữa. Ai cũng phải ra sức phấn đấu để nâng cao năng lực của mình. Đó là cái lợi trước mắt có thể nhìn thấy, mỗi cá nhân phải tự khẳng định được thương hiệu và giá trị riêng để chứng minh vai trò của mình, bắt kịp xu thế phát triển chung để không bị tụt hậu.
Đó là lý do vì sao tôi luôn ủng hộ việc bãi bỏ biên chế, bãi bỏ chế độ làm việc không thời hạn để chuyển qua chế độ hợp đồng nhằm tăng sức cạnh tranh. Chỉ những GV và cán bộ quản lý “yêu nghề” thực sự, toàn tâm, toàn lực và phấn đấu không ngừng mới có thể tồn tại và đứng vững trong môi trường giáo dục.
Những góp ý
Khi xóa bỏ chế độ công chức thì việc hợp đồng tuyển dụng sẽ do hiệu trưởng là người quyết định. Như vậy, hiệu trưởng sẽ có “quyền lực” rất lớn đối với GV, công nhân viên của nhà trường.
Câu hỏi đặt ra “liệu khi đã có quyền tuyển dụng thì hiệu trưởng có trở thành “ông vua con” hay không? Ai đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm trong việc lựa chọn? Ai chắc chắn được hiệu trưởng không vì người thân, thậm chí vì tiền, vì các mối quan hệ mà nhận, sử dụng GV yếu kém, loại bỏ những người có năng lực? Đó là những câu hỏi mà hầu hết GV rất quan tâm và lo lắng.
Chính vì vậy, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần đưa ra những ràng buộc, những quy định để tránh tình trạng “lạm quyền” trong suốt quá trình điều hành nhà trường. Nếu không có cơ chế giám sát hữu hiệu, các trường học sẽ dễ dàng hình thành một nhóm lợi ích gồm người thân, những GV khác muốn yên thân để tiếp tục hợp đồng cũng sẽ là những “thợ dạy” bảo sao nghe vậy. Dẫn đến chất lượng giáo dục và tập thể nhà trường sẽ như thế nào?
Cho dù cấp nào đứng ra tuyển dụng, kí hợp đồng thì hiệu trưởng nhà trường vẫn có một vai trò cực kì quan trọng. Nếu cấp trên tuyển dụng thì hiệu trưởng là người tiếp nhận và quản lí trực tiếp trong quá trình giảng dạy. Nếu khi tiếp nhận mà GV về trường không thể hiện “tấm lòng” biết ơn với hiệu trưởng thì việc gây khó dễ sau này rất dễ xảy ra.
Theo tôi, Bộ cần mở rộng cơ chế bổ nhiệm, tuyển chọn đội ngũ quản lý để những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử phù hợp. Nếu đã bỏ biên chế thì khâu tuyển chọn đội ngũ quản lý cũng phải có những thay đổi, không thể giống như trước đây.
Có thể nhận thấy, không ít GV khi làm cán bộ quản lý thì công việc đứng lớp giảng dạy, phương pháp và kĩ thuật dạy học cũng như việc nắm nội dung, chương trình của từng môn học, từng khối lớp đều chưa có sự quan tâm đúng mực, đôi khi có sự lơ là. Do đó, cũng nên xem xét việc hết nhiệm kỳ quản lý, trở về làm công tác giảng dạy để nắm được nội dung, chương trình cũng là chuyện rất bình thường. Chỉ có sự “đổi ngôi” mới giúp các nhà quản lý thay đổi suy nghĩ, cách làm việc
Ngoài ra, tôi cũng bày tỏ mong muốn Bộ có những tính toán kĩ lưỡng về những quy chế, quy định về chế độ chính sách về tiền lương và các khoản thu nhập khác cho phù hợp với từng trình độ, năng lực của mỗi cá nhân GV nếu như bỏ biên chế.
Chất lượng giáo dục không phải hoàn toàn do GV quyết định mà một phần từ đội ngũ quản lý. Do đó rất cần ở đội ngũ quản lý có “tâm, tầm, tài”, biết trọng dụng những người có năng lực, mạnh dạn loại bỏ những GV ham lợi, lấy lợi ích của tập thể để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Việc xóa bỏ biên chế là phù hợp không chỉ với ngành giáo dục mà đối với các ngành khác cũng cần thực hiện. Tuy nhiên, cần phải được tính toán kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp để thử nghiệm điều chỉnh hợp lý nhất.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn