Động lực thúc đẩy đội ngũ nhà giáo phấn đấu

GD&TĐ - “Chủ trương thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên sẽ là động lực lớn để giáo viên cố gắng, phấn đấu dạy thật tốt và ngành giáo dục sẽ chọn được đội ngũ nhà giáo giỏi, có năng lực…”, đó là chia sẻ của ông Đoàn Văn Trí - Phó Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). 

Thầy trò ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - nơi giáp biên giới Campuchia
Thầy trò ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - nơi giáp biên giới Campuchia

Ban đầu, khi mới nghe chủ trương thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên ở địa phương cũng lo lắng, băn khoăn. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, trao đổi và tìm hiểu kỹ thì đa số giáo viên, cán bộ quản lý đều đồng thuận và đang mong chờ Bộ có chủ trương hợp tình, hợp lý, giữ sự ổn định trong đội ngũ nhà giáo.

Sở dĩ giáo viên lo lắng vì trước giờ nghĩ rằng ở trong biên chế là ổn định, khi nghe tin không còn biên chế nữa thi họ không biết sẽ như thế nào? Chế độ chính sách, lương bổng ra sao? Tuy nhiên về mặt chủ trương đa số ủng hộ, nhất là khi được lãnh đạo ngành giải thích, từ đó mọi người an tâm. Chúng tôi cũng giải thích với giáo viên rằng, hãy yên tâm giảng dạy, khi triển khai các cấp, ngành sẽ xem xét chế độ chính sách và có lộ trình chứ không phải làm liền.

Ngay từ bây giờ, giáo viên phải cố gắng giảng dạy thật tốt để chứng minh năng lực của mình, có tinh thần trách nhiệm, tất cả vì học sinh thân yêu. Nếu làm được điều này, có tâm với nghề, yêu nghề thì có thay đổi gì cũng sẽ đáp ứng được. Đây là chủ trương lớn, cũng là động lực để ngay từ bây giờ thúc đẩy đội ngũ nhà giáo phải cố gắng phấn đấu hết sức mình, không chểnh mảng, không lơ là như trước.  

Nếu triển khai việc xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên thì tất cả giáo viên có tinh thần trách nhiệm và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không còn cảnh cứ vào được biên chế thì “tà tà cũng có lương”. Vì có người nghĩ rằng mình đã trong biên chế nên như vậy là được, không cần cố gắng gì thêm. Cũng chính vì lý do này mà tinh thần trách nhiệm không cao, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Khi thực hiện chế độ hợp đồng với giáo viên, người thủ trưởng có thể quyết định tuyển dụng và quyết số lượng giáo viên cho đơn vị mình, vì vậy ai cũng phải cố gắng. Lợi ích của chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên là khiến các thầy cô phải luôn nỗ lực để được tiếp tục ký hợp đồng, không được phép chểnh mảng.

Việc thực hiện xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên và chuyển sang chế độ hợp đồng trước hết cần giải quyết theo từng bước một, có lộ trình chứ không nên làm dứt điểm một lần sẽ gây sốc cho giáo viên. Hiện nay cũng có một số giáo viên có nguyện vọng được nghỉ sớm (giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu, giáo viên năng lực còn hạn chế…) nên việc tiến hành xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên sẽ là điều kiện tốt để đáp ứng nguyện vọng của những giáo viên này. Đối với đối tượng giáo viên mong muốn nghỉ hưu sớm cũng cần có những chế độ phù hợp, thoả đáng, giúp họ đảm bảo cuộc sống.

Nếu triển khai xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên, trước hết Bộ GD&ĐT phải có ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng lực giáo viên cụ thể, rõ ràng để giúp các trường có cơ sở đánh giá trong quá trình chuyển sang hợp đồng cho đội ngũ. Qua đó giúp giáo viên tự đánh giá năng lực bản thân, có hướng điều chỉnh phù hợp.

Khi triển khai xóa bỏ công chức, viên chức, tính đào thải và tự đào thải trong giáo viên sẽ rất cao, đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải nỗ lực vận động, đổi mới để đáp ứng. Trên cơ sở này, giáo viên nào đáp ứng đươc các tiêu chí sẽ tiếp tục công tác, giảng dạy, ai không đạt nhà trường sẽ có hướng giải quyết. Vì hiện nay có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Trong đó có nhiều sinh viên giỏi, năng lực tốt không tìm được nơi dạy do không có biên chế.

Chủ trương xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên cũng là bước tiến quan trọng trong giao quyền tự chủ cho nhà trường. Từ đó người hiệu trưởng sẽ tự chủ nhiều hơn về nhân sự, tài chính… Khi quyền tự chủ này được phát huy thì chính hiệu trưởng sẽ kiện toàn bộ máy, đội ngũ ở trường và sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về những quyết định đưa ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ