Xu thế đổi mới tất yếu tạo động lực cho những người giỏi và tâm huyết.
PV: Thưa GS, vừa qua Bộ GD&ĐT thông tin, sẽ thí điểm từng bước bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên. Xin GS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
GS.TS Phạm Quang Trung : Theo tôi, chất lượng của con người, chất lượng nguồn nhân lực luôn quyết định tất cả các hệ thống, không riêng gì ngành GD đào tạo,mà đối với các ngành khác cũng vậy.
Ở Việt Nam và các nước trên thế giới đều hướng tới các giải pháp làm sao tạo ra được động lực thi đua, sự phấn đấu vươn lên của người lao động. Đối với ngành GD, số lượng giảng viên, GV ở tất cả các bậc học là rất lớn, do đó, để cả hệ thống này chuyển động đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phải có những giải pháp mang tính chiến lược, hết sức căn bản, phù hợp với quy luật. Đất nước muốn phát triển tốt thì phải có một hệ thống giáo dục tốt!
Chính vì thế, muốn tạo được động lực phát triển lâu dài bền vững giống như các nước công nghiệp phát triển, phải tạo ra được động lực từ chính cán bộ, giảng viên, GV trong ngành. Việc tiến tới thí điểm từng bước bỏ dần chế độ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên là xu hướng phát triển chung của nhiều nước trên thế giới.
“Lúc đó chính người hiệu trưởng sẽ được kiểm soát bởi những hệ thống quy định, bởi chính cán bộ GV trong các trường. Người ta sẽ đánh giá một cơ sở GD, một trường học có tốt hay không, Hiệu trưởng có hoàn thành nhiệm vụ hay không, cán bộ GV của trường đó như thế nào, học sinh và sinh viên trường đó ra sao? Như thế chính người Hiệu trưởng sẽ phải chịu sức ép lớn hơn. Khi chúng ta tiến đến cơ chế sàng lọc, có kiểm soát và thực hành dân chủ thì chắc chắn không có chuyện hiệu trưởng lạm quyền”, GS.TS Phạm Quang Trung.
Mục đích của ngành giáo dục khi đưa ra ý tưởng thí điểm thay công chức, viên chức bằng chế độ hợp đồng là nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ, trên cơ sở đãi ngộ để chọn được người tài. Nếu cứ giữ định biên như hiện nay sẽ khó tạo động lực cho những người giỏi, tâm huyết và khó tạo được sự đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục của đất nước.
Ở các nước trên thế giới, có nhiều hệ thống giáo dục khác nhau nhưng bao giờ người giáo viên cũng phải đảm bảo chất lượng đào tạo của mình, ai không đáp ứng yêu cầu sẽ phải thay đổi công việc hoặc phải đào tạo lại. Sự cạnh tranh và thi đua mới nâng cao được chất lượng và từ đó thiết lập được chế độ đãi ngộ tương xứng. Những cán bộ, GV giỏi sẽ được tôn vinh, được hưởng lương và phụ cấp tốt hơn những người kém năng lực, không tích cực làm việc. Đó là quy luật rất rõ ràng!
Cần có lộ trình và bước đi thích hợp, thấu đáo
Thưa GS, để thực hiện được vấn đề này, cần có những giải pháp như thế nào để đạt hiệu quả, không gây tâm lý hoang mang trong đội ngũ GV?
Theo tôi, vấn đề quan trọng là chúng ta có lộ trình và bước đi thích hợp, cân nhắc rất căn cơ chứ không phải làm ào ào. Trong chiến lược phát triển, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đặt ra một lộ trình dài hạn có nghiên cứu rất kỹ. Bộ sẽ có những giải pháp đồng bộ, chuyển động hợp lý với khoảng thời gian đủ dài, ban đầu sẽ thí điểm ở diện hẹp tại nơi có đủ điều kiện, sau đó nếu kết quả tốt sẽ mở rộng thêm, khi đạt kết quả tốt, vững chắc thì sẽ nhân rộng.
Chúng ta nên có sự nghiên cứu đầy đủ, hoạch định ra từng lộ trình cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm vì hệ thống GD&ĐT cũng phải chuyển động đồng bộ song hành với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế rất sâu rộng, đòi hỏi GD phải có sự đồng hành đổi mới tương ứng. Ví dụ như sự đổi mới giáo dục của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển rất mạnh mẽ.
Trong quá trình đổi mới này, không chỉ riêng ngành GD mà cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó có những cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy ở mức cao, kể cả hệ thống luật phải được cải tổ và hoàn thiện để tạo ra các khung pháp lý cần thiết cho đổi mới giáo dục.
Chúng ta thử hình dung nếu một giảng viên nào đó, năng lực kém, không tâm huyết với nghề, nếu cứ mãi ngồi yên ở một vị trí GV của một trường hay cơ sở GD nào đó thì rõ ràng là một sự bất lợi. Nếu bản thân GV đó không thay đổi để thích ứng với quá trình đổi mới GD thì bắt buộc họ phải nhường chỗ để người khác tích cực hơn đứng vào vị trí đó. Như thế sẽ có một đội ngũ tốt hơn và chúng ta dần dần sẽ có những trường học rất uy tín.
Thông thường, chủ trương nào cũng có những ý kiến không đồng thuận, chúng ta phải thông tin và trao đổi để tạo ra sự nhất trí cao, có sự đồng thuận trong toàn hệ thống, để các thầy cô giáo các cấp hiểu rõ, yên tâm, cùng suy nghĩ hướng theo chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT. Tôi nghĩ rằng mọi người hãy yên tâm, quá trình này không phải làm trong ngày một, ngày hai, những vấn đề phát sinh sẽ có những nghiên cứu cụ thể, tránh suy nghĩ cực đoan, thái quá.
Tiến đến cơ chế sàng lọc không có chuyện hiệu trưởng lạm quyền
-Thưa GS, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại về việc nếu chuyển từ biên chế sang hợp đồng và giao toàn quyền cho hiệu trưởng thì có thể sẽ dẫn tới chuyện lạm quyền của người đứng đầu nhà trường?
Một chủ trương khi được ban hành sẽ được vận hành đồng bộ cùng với một loạt các quy định, chế độ đi theo, vì thế không nên lo sợ hiệu trưởng sẽ lạm quyền. Tất nhiên theo xu hướng chung, các hiệu trưởng sẽ được trao nhiều quyền hơn, và cũng chịu trách nhiệm ngày càng lớn hơn với cơ sở, với trường lớp của mình, trong đó có đội ngũ giáo viên của chính mình.
Chính người hiệu trưởng sẽ được kiểm soát bởi những hệ thống quy định, bởi chính cán bộ GV trong các trường. Người ta sẽ đánh giá một cơ sở GD, một trường học có tốt hay không, Hiệu trưởng có hoàn thành nhiệm vụ hay không, cán bộ GV của trường đó như thế nào, học sinh và sinh viên trường đó ra sao? Như thế chính người Hiệu trưởng sẽ phải chịu sức ép lớn hơn. Khi chúng ta tiến đến cơ chế sàng lọc, có kiểm soát và thực hành dân chủ thì chắc chắn không có chuyện hiệu trưởng lạm quyền.
-GS có cho rằng bỏ chế độ công chức sẽ loại bỏ được tiêu cực trong việc “chạy” viên chức?
Khi chúng ta thực hiện điều này, chúng ta sẽ hạn chế được hiện tượng tiêu cực trong việc “chạy” công chức. Tất nhiên, chúng ta còn phải tiến hành nhiều giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Còn nhớ cách đây gần 20 năm, trong khu vực sự nghiệp công lập, khi chúng ta bắt đầu dịch chuyển từ khái niệm biên chế sang khái niệm hợp đồng, (và hiện nay trong các trường đại học đã thực hiện phổ biến), lúc đó nhiều người cũng rất lo lắng. Nhưng sau đó mọi việc đã diễn ra bình thường, chúng ta quen dần; những người được hợp đồng vẫn có đầy đủ quyền lợi, được xã hội tôn trọng, được bổ nhiệm vào những vị trí, chức vụ quan trọng. Đó chỉ là sự cản trở về tâm lý ban đầu mà thôi, khi họ thấy cái mới và có tâm lý lo lắng.
Trong tương lai tôi tin tưởng rằng, khi chúng ta làm một cách đồng bộ về hệ thống văn bản pháp quy, về lộ trình, về các bước đi cụ thể... thì không có chuyện lo lắng về tiêu cực phát sinh, về lạm quyền của hiệu trưởng, ngược lại sẽ phát huy tốt hơn vai trò, nghĩa vụ của hiệu trưởng, của từng CB, GV. Khi đó các thầy, các cô sẽ làm việc tích cực hơn, trách nhiệm hơn và đươc đãi ngộ xứng đáng hơn. Mà năng lực “nội sinh” thì bao giờ cũng bền vững, tốt hơn rất nhiều. Xã hội luôn giành sự tôn vinh cho những thầy giáo, cô giáo giỏi và tâm huyết vì sự nghiệp trồng người và vì đất nước!
-Nhiều giáo viên lo lắng, nếu chuyển sang chế độ hợp đồng, họ sẽ mất đi những khoản thu nhập ổn, GS suy nghĩ sao về điều này?
Ai cũng quan tâm đến đời sống của mình, hiện nay mức thù lao, phụ cấp, đãi ngộ cho GV chưa thật hấp dẫn lắm. Trong xã hội, các nhà giáo hiếm khi được coi là những người giàu mạnh về kinh tế. Cho nên, để thực hiện hệ thống mới thì cần có sự đồng bộ trong đánh giá, khuyến khích, để trả lương và phụ cấp xứng đáng với cống hiến của thầy, cô giáo.
Tất nhiên, khi chúng ta tinh lọc được hệ thống, đánh giá đúng những người làm việc tốt, năng lực, tâm huyết với nghề thì chắc chắn giáo viên, giảng viên sẽ được trả lương xứng đáng hơn.Tôi tin rằng, với sự cải cách và đổi mới, thu nhập của GV sẽ thay đổi, chắc chắc mọi người sẽ ủng hộ. Chính sách mới thì bao giờ cũng có những hiệu ứng ban đầu, vì từ trước tới giờ, mọi người đã quen với khái niệm biên chế và coi đó như ngôi nhà rất an toàn khi đã vào được đó.
Dù muốn hay không muốn, sắp tới chúng ta sẽ hạn chế dần “biên chế cứng”, và tăng dần số lượng lao động hợp đồng. Đây là một quy luật. Không chỉ riêng ngành GD nước ta mà trên thế giới điều đó là cũng là xu thế tất yếu tạo động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và của nền kinh tế - xã hội.
Trịnh Huyền thực hiện