Khắc phục tình trạng “sống lâu lên lão làng”

GD&TĐ - Trao đổi về quan điểm bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ  nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cho rằng, biên chế cũng chỉ là một hình thức sử dụng lao động, vì vậy nếu chuyển sang chế độ hợp đồng mà vẫn đảm bảo thu nhập, có chế độ đãi ngộ hợp lý và người tài được trọng dụng thì quá tốt.

ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ  nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh Minh Phong
ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh Minh Phong

Ông Hùng trao đổi: Thực tế hiện nay, nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng họ không cần vào biên chế Nhà nước và thu nhập của họ vẫn rất cao vì họ giỏi, họ có năng lực thực sự nên họ vẫn tham gia gia giảng dạy ở các trường ngoài công lập, các trung tâm và các bậc phụ huynh, học sinh tin tưởng đăng ký theo học.

Cũng có những người chuyển hẳn sang làm việc ở môi trường ngoài sư phạm. “Tôi không muốn bàn đến câu chuyện vì sao họ không muốn vào Nhà nước nhưng rõ ràng hiện nay, các trường công lập đang rất cần những người như thế và chúng ta đã để họ “tuột khỏi tay” – ông Hùng chia sẻ.

“Nếu giả sử bỏ chính sách biên chế giáo viên thì cũng cần đảm bảo chính sách thỏa đáng cho các thầy, cô giáo. Mặt khác khâu tuyển chọn giáo viên cũng phải đặt ra những yêu cầu cao hơn. Tức là không chỉ là người có đức, có tài mà còn phải có cả hình thức. Ngoài ra, phải tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá và sát hạch theo định kỳ” – ông Vũ Quốc Hùng.

Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, vấn đề đặt ra là, chúng ta đang cần thu hút được những người tài giỏi và giữ chân được họ. Và nếu cứ nhất định phải biên chế thì tôi không dám chắc sẽ không còn có những câu chuyện người tài bị loại mà người kém được chọn hoặc người giỏi thì không được đề bạt, cất nhắc nhưng người không có năng lực lại được làm quản lý, lãnh đạo. Như vậy là bất hợp lý, thiếu công bằng và không “sòng phẳng”.

“Còn nếu như chuyển sang chế độ hợp đồng mà vẫn đảm bảo các chế độ đãi ngộ, người tài giỏi có đất dụng võ, rồi được trọng dụng thì sẽ rất tốt. Làm được điều này thì chúng ta đã tạo ra“sân chơi” lành mạnh, anh nào yếu kém sẽ tự mình loại mình chứ không cần ai phải loại – tức là sẽ có sự sàng lọc tự nhiên. Điều này cũng khắc phục được tình trạng “sống lâu lên lão làng” – ông Hùng thẳng thắn nêu quan điểm.

Ông Hùng phân tích thêm, cần xác định đội ngũ giáo viên là đội ngũ “trồng người”. Họ là những nhà giáo dục và là những người trồng cây, cho nên cần có chính sách đặc biệt, và họ cần được Nhà nước công nhận vị thế của mình trong xã hội.  “Song theo tôi, việc trước tiên cần làm đó là khảo sát lại đội ngũ nhà giáo, và đánh giá xem ai đủ tiêu chuẩn, chất lượng và ai chưa đủ. Những thầy, cô có đủ năng lực thì quan tâm, bồi dưỡng để phát huy, còn những thầy, cô chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra sẽ phải tính đến phương án khác: Hoặc là tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho họ; hoặc là để họ sang làm việc khác phù hợp với năng lực của họ” - Ông Hùng nêu vấn đề.

Minh Phong (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.