Đó là tinh thần xuyên suốt cuộc trao đổi giữa thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội với Báo Giáo dục & Thời đại quanh chủ đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian gần đây - Chủ trương thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên.
Hiệu trưởng không có cơ hội thành “vua một cõi”
Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, Hà Nội những năm gần đây được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục khẳng định được vị thế, uy tín tại Hà Nội, là địa chỉ tin cậy đối với phụ huynh và học sinh, được công nhận là trường Chất lượng cao của thủ đô Hà Nội. Điều đặc biệt là nhà trường hiện chỉ có 40% giáo viên biên chế, còn lại 60% giáo viên trong diện hợp đồng.
Với vấn đề nêu trong Dự thảo thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức trong giáo dục của Bộ GD&ĐT, thầy Hà Xuân Nhâm chia sẻ: Đây là một định hướng rất tốt cho sự phát triển của mỗi nhà trường nói riêng và của ngành giáo dục nói chung. Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa phát triển trên cơ sở một trường Công lập tự chủ tài chính. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Ban Giám hiệu nhà trường phấn đấu khẳng định vai trò lãnh đạo, tạo niềm tin, động lực cho đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường cùng phấn đấu vì mục tiêu chung.
Một nhà trường “không biên chế” sẽ tạo rất nhiều áp lực và trách nhiệm cho Hiệu trưởng. Họ sẽ không thể thiên vị cho bất cứ đối tượng nào ngoài việc phải tạo ra cơ chế tốt nhất để giữ chân và phát huy hết khả năng của các giáo viên giỏi nghề và tâm huyết. Uy tín và chất lượng giáo dục của nhà trường là yếu tố “sống còn” để duy trì và phát triển nhà trường.
Từ thực tiễn hoạt động của nhà trường, thầy Hà Xuân Nhâm khẳng định, với đặc thù của tự chủ, Lãnh đạo nhà trường mà cương vị được nhắc đến với cụm từ đầy lo ngại của dư luận thời gian gần đây – “vua một cõi” hoàn toàn không tồn tại mà ngược lại, vị “vua” đó phải ra sức trao niềm tin, tạo động lực để có thể “lấy lòng” các “thần dân”.
Về bí quyết giữ chân giáo viên hợp đồng và tạo động lực để giáo viên gắn bó lâu dài với nhà trường, thầy Hà Xuân Nhâm cho biết: "Nhà trường có một bộ tiêu chí gồm 25 tiêu chí, áp dụng cho tất cả các thầy cô giáo, không phân biệt biên chế hay hợp đồng, mỗi thầy cô giáo trước khi vào trường, trước thềm mỗi năm học đều được tiếp cận và thấm nhuần. Bộ tiêu chí này sẽ được điều chỉnh theo từng năm học để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Mỗi tháng, mỗi kỳ, mỗi năm được đưa ra để bình xét thi đua và các thầy cô đều tâm phục, khẩu phục".
Thầy Nhâm nhấn mạnh rằng, để vận hành và phát triển tốt với một lực lượng đông đảo giáo viên không biên chế, thực ra chẳng có bí quyết gì gì to tát, vấn đề cốt lõi làm nên thành công là sự công tâm, công bằng, minh bạch trong đánh giá đối với mỗi giáo viên. Người đứng đầu nhà trường phải luôn ý thức rằng, mọi nỗ lực đều phải hướng tới một mục đích cao nhất đó là lợi ích của học sinh. Người tác động trực tiếp đến lợi ích đó là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp và gián tiếp là Ban Giám hiệu. Bởi vậy, ngược trở lại quá trình đó, chính Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường phải tạo được niềm tin, khơi dậy đam mê cống hiến, sáng tạo trong mỗi thầy cô giáo, tạo nên khối đoàn kết thống nhất và cùng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
Một nhà trường “không biên chế” sẽ tạo rất nhiều áp lực và trách nhiệm cho Hiệu trưởng. Họ sẽ không thể thiên vị cho bất cứ đối tượng nào ngoài việc phải tạo ra cơ chế tốt nhất để giữ chân và phát huy hết khả năng của các giáo viên giỏi nghề và tâm huyết. Uy tín và chất lượng giáo dục của nhà trường là yếu tố “sống còn” để duy trì và phát triển nhà trường.
Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường tổ chức lấy ý kiến học sinh ít nhất 2 lần. Học sinh có quyền đánh giá đến mọi đối tượng trong nhà trường từ hiệu trưởng đến các bác lao công. Dựa vào các thông tin thu thập được, nhà trường và mỗi giáo viên sẽ có điều chỉnh phù hợp để đem đến cho học sinh những gì tốt nhất.
Các giáo viên phấn khởi nhận phần thưởng danh dự “nhà giáo được học sinh tin yêu” |
Công tâm, minh bạch, khách quan luôn là tiêu chí của tất cả các hoạt động này. Mọi phản hồi, đánh giá của học sinh hoặc giáo viên đánh giá lẫn nhau đều được sử dụng triệt để và linh hoạt, song vẫn giữ được tính bảo mật, riêng tư. Dựa vào những thông tin phản hồi, nếu có những tiêu chí nào chưa đạt yêu cầu, các thầy cô giáo sẽ được trao đổi riêng và được tạo điều kiện để tự điều chỉnh mình hoặc học hỏi thêm các đồng nghiệp để khắc phục. Bên cạnh đó, những thầy cô được đánh giá hoàn thành tốt trên 75% các tiêu chí thì sẽ được nhận phần thưởng danh dự là “nhà giáo được học sinh tin yêu”, phần thưởng này không có giá trị về mặt vật chất nhưng là sự vinh danh, sự tin tưởng của học trò đối với thầy cô giáo của mình. Tất cả góp phần tạo cho giáo viên tâm lý yên tâm cống hiến hết khả năng của mình cho công việc.
Đào thải tự nhiên là tất yếu của phát triển
Thầy Hà Xuân Nhâm tự hào chia sẻ rằng, tại trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú - Đống Đa gần như không có sự phân biệt giáo viên biên chế hay hợp đồng. Tất cả các thầy cô giáo đều được bình đẳng như nhau trong đánh giá, trong thu nhập và khi lên lớp thì đều hết mình với mỗi bài giảng, hết mình vì học sinh.
“Chúng tôi cẩn trọng từ khâu tuyển chọn, tôn trọng và tạo điều kiện tối đa để giáo viên cống hiến và phát huy năng lực của mình khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ 25 tiêu chí được đội ngũ cán bộ chủ chốt cùng nhau nghiên cứu, góp ý và xây dựng, có chỉnh sửa và bổ sung hàng năm là “bộ lọc” ban đầu. Nhiều ứng viên khi tham khảo bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đã không đủ can đảm để tham gia các bước tiếp theo. Vậy nên, mỗi giáo viên của trường đều xác định, nếu đứng yên là đồng nghĩa với tụt hậu nên đều chung ý thức phấn đấu để khẳng định giá trị bản thân” - thầy Nhâm nói.
Trăn trở về những bất cập còn tồn tại nhiều năm trong các nhà trường công lập hiện nay – nơi mà phần lớn là giáo viên biên chế, thầy Nhâm cho rằng: Lâu nay chúng ta đang ngủ quên trong sự trì trệ mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất là học trò. Sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người thầy không những đem lại cho học trò những kiến thức của từng bộ môn mà học trò còn học được ở đó sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô giáo, từ đó có một thái độ sống tích cực, tinh thần làm việc nghiêm túc và nhiều hơn thế nữa...
Bên cạnh đó, chủ trương xóa bỏ biên chế nếu được thực hiện sẽ tác động ngược trở lại chính quá trình đào tạo từ các trường Sư phạm. Vận mệnh mỗi người là do chính họ tạo nên. Sinh viên muốn có việc làm tốt và cuộc sống đảm bảo thì phải trau dồi kiến thức, kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phấn đấu không chỉ để có kiến thức toàn diện, tấm bằng đẹp mà phải có kỹ năng thực sự, có thể lan tỏa đam mê tới các học sinh.
Vấn đề dư luận đặt câu hỏi, nếu xóa bỏ công chức, viên chức thì các giáo viên đã trong biên chế, cống hiến nhiều năm thì ra sao?
Thầy Hà Xuân Nhâm cho rằng, được tạo điều kiện làm việc như nhau, cùng môi trường cống hiến thì vấn đề là mỗi cá nhân phải tự khẳng định được thương hiệu và giá trị riêng để chứng minh vai trò của mình, bắt kịp xu thế phát triển chung để không bị tụt hậu. Quá trình này tự nhiên sẽ giữ lại và nhân lên những nhân tố tích cực và sự đào thải là tất yếu, điều đó đúng ở tất cả các ngành nghề, không riêng gì trong giáo dục.
Quá trình công tác tại một ngôi trường tự chủ tài chính, thầy Nhâm tự hào khi nghe các giáo viên chia sẻ, họ rất mãn nguyện với công việc hiện tại. Quá trình thi đua giảng dạy, cạnh tranh công bằng, sự gắn bó và ổn định, thành quả được thể hiện ở chất lượng học sinh đầu ra,… tất cả đủ để chứng minh với gia đình và bạn bè rằng mình hoàn toàn có một công việc ổn định, hoàn toàn sống được bằng năng lực của mình khi bản thân luôn luôn cố gắng và nỗ lực.
KIM THOA