Bỏ biên chế giáo viên: Không “rung” đến mức phải hoang mang, lo sợ

GD&TĐ - Theo PGS. NGƯT Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng: “Bỏ biên chế giáo viên không chỉ là ý tưởng tốt mà còn là cuộc cách mạng trong suy nghĩ, rộng hơn chính là cách mạng giáo dục”.

PGS. NGƯT Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng (ảnh minh họa, Theo báo mới.com)
PGS. NGƯT Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng (ảnh minh họa, Theo báo mới.com)

PGS phân tích: Thực tế, xưa nay đại bộ phận giáo viên sau khi vào biên chế rồi thường “yên vị” và cứ thế và an tâm làm việc. Có những giáo viên dạy 3-5 năm vậy mà giáo án vẫn không có gì mới, trong khi đó cuộc sống thì luôn luôn vận động, đòi hỏi  phải có những bài giảng sinh động, thực tiễn.

Hơn nữa, giáo dục hiện nay là dạy những thứ học sinh cần chứ không phải dạy những cái mà giáo viên có. Vì thế chủ trương bỏ biên chế là một ý tưởng hay, tạo động lực để giáo viên luôn luôn có ý thức phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt.

“Thiết nghĩ, bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên là một hướng đi đúng, mang lại sự vận động không ngừng cho các nhà giáo và sẽ có sự chọn lọc tự nhiên trong đội ngũ các thầy, cô giáo như nhiều người vẫn nói” - PGS. NGƯT Trần Hữu Nghị.

Cũng theo PGS Trần Hữu Nghị, bỏ biên chế giáo viên cũng là giải pháp để thu hút và giữ chân người tài, mà điều này rất cần trong ngành Giáo dục. Mà muốn thu hút và giữ chân người tài thì cơ chế  và môi trường làm việc phải thông thoáng.

“Nhiều người băn khoăn, nếu không còn biên chế thì các trường công lập sẽ hoạt động giống trường như tư thục. Quan điểm của tôi là: Chúng ta vẫn có ký hợp đồng, nhà trường và giáo viên vẫn được bảo hộ bởi các Luật Lao động. Các  trường có thể có từ 60% đến 70% giáo viên cơ hữu, còn lại là để mời các thầy, cô giỏi về dạy. Nếu làm được điều này, chắc chắn sản phẩm giáo dục của các trường phổ thông sẽ đi lên.

Hơn nữa, chúng ta vẫn khẳng định: Lấy chất lượng giáo dục là mục tiêu sống còn của các trường. Vậy tại sao chúng ta không chọn giải pháp thu hút những người giỏi, người có năng lực cho sự nghiệp “trồng người” để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục” – PGS Trần Hữu Nghị nêu quan điểm.

“Nhiều giáo viên có suy nghĩ: Vào biên chế rồi thì mới yên tâm công tác và cống hiến. Tôi không phủ nhận điều này. Song cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, nhiều giáo viên chỉ là “cống hiến” những cái đã có sẵn, chưa tìm tòi, sáng tạo và tự vận động phát triển. Nếu cống hiến thực sự thì sau 2 năm giáo viên sẽ có những biến đổi trong giảng dạy chứ không thể bê nguyên giáo án của năm này sang năm khác để lên lớp giảng bài cho học sinh” - PGS Trần Hữu Nghị nêu vấn đề.

Theo PGS , chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được chủ trương bỏ biên chế giáo viên. Nhưng nếu thực hiện thì cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, có lộ trình khoa học và làm thận trọng từng bước.

“Như tôi đã nói: Bỏ biên chế giáo viên là cuộc cách mạng, vì thế khâu tuyên truyền cần đặc biệt được coi trọng. Tuyên truyền để đội ngũ nhà giáo và các tầng lớp nhân dân hiểu và nhận thức đầy đủ về mục tiêu giáo dục mà mình đang hướng tới. Tuyên truyền để mọi người hiểu được bản chất của vấn đề và để thấy rằng, tuy là cuộc cách mạng nhưng nó không “rung” đến mức mọi người phải hoang mang, lo sợ” -PGS Trần Hữu Nghị khuyến nghị.

Minh Phong (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ