Hôm 28/3, truyền thông Israel cho biết, chính quyền Tel Aviv đang thúc đẩy việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza, với sự tham dự của 3 quốc gia Ả rập thân thiện với Israel, trong đó có Ai Cập và UAE.
Theo giới phân tích, bước đi này này có thể là một phần trong bản kế hoạch lớn của Israel mang tên “Kế hoạch Ngày hôm sau” (“Day After plan”) mà chính quyền Tel Aviv đã công bố hồi tháng 1 năm nay và chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Mỹ và các đồng minh. Vậy nội dung chính của nó là như thế nào?
Nội dung chính của “Kế hoạch Ngày hôm sau”
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hồi cuối tháng 1 đã trình bày “Day After plan” một kế hoạch bốn hướng về cách xử lý Dải Gaza sau khi cuộc chiến đang với nhóm khủng bố Hamas kết thúc.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã không nhận được sự đồng thuận của các đồng minh.
Đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Israel gồm 4 nội dung chính như sau: Israel tiếp tục kiểm soát quân sự đối với dải Gaza; người Israel quản lý dân sự ở vùng đất này; không có khu định cư của người Do Thái trong khu vực; Mỹ, Ai Cập, các nước Ả Rập ôn hòa dẫn đầu quá trình tái thiết.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là trong bản kế hoạch này là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vẫn hiện diện quân sự ở dải Gaza, nhưng không có sự hiện diện dân sự của chính quyền Israel và chính quyền địa phương của người Palestine ở đây (không phải là Chính quyền Palestine) sẽ đóng vai trò trung tâm.
Tel Aviv tuyên bố, cư dân Gaza là người Palestine, do đó các cơ quan của người Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý vùng đất này và họ lập kế hoạch chỉ nhằm loại bỏ sự kiểm soát Dải Gaza của Hamas, loại bỏ các hành động thù địch hoặc mối đe dọa chống lại Nhà nước Israel.
Hàng viện trợ nhân đạo được thả dù xuống cho người Palestine ở Thành phố Gaza, Dải Gaza, ngày 25 tháng 3 năm 2024 |
Chính quyền phi Hamas sẽ tập trung vào quản lý dân sự của dải đất này, trong đó Israel duy trì quyền kiểm soát quân sự ở biên giới và quyền thực hiện bất kỳ hành động quân sự và an ninh cần thiết của khu vực lãnh thổ Palestine.
4 trụ cột chính đối với chính quyền Gaza
Kế hoạch “Day After plan” của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, đã được trình lên chính quyền Hoa Kỳ và thảo luận với các đồng minh khác, cũng sẽ hoạch định những chức năng và nhiệm vụ chính cho chính quyền dân sự Gaza ở Gaza thời hậu chiến, gồm có bốn “trụ cột” chính như sau:
Đầu tiên, Israel sẽ chịu trách nhiệm “điều phối và lên kế hoạch thực hiện vai trò giám sát trong quản lý dân sự và chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa nhập vào”.
Thứ hai, một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia, do Mỹ dẫn đầu với sự hợp tác của các quốc gia châu Âu và Ả Rập ôn hòa, sẽ chịu trách nhiệm điều hành các vấn đề dân sự, cung cấp viện trợ nhân đạo và phục hồi kinh tế của Dải Gaza.
Thứ ba, Ai Cập - quốc gia láng giềng được coi là “nhân tố chính” trong kế hoạch, sẽ chịu trách nhiệm về việc quản lý biên giới dân sự chính vào Dải Gaza, với sự phối hợp của Israel.
Thứ tư, các cơ chế hành chính hiện tại của Palestine sẽ được duy trì với điều kiện các quan chức liên quan không có liên kết với Hamas. Chính quyền địa phương hiện đang xử lý nước thải, điện, nước và phân phối viện trợ nhân đạo sẽ tiếp tục hoạt động với sự cộng tác của lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia.
Điểm mấu chốt trong “Kế hoạch Ngày hôm sau” là Israel vẫn duy trì hiện diện quân sự ở Dải Gaza |
Vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn về quản lý và bảo vệ Gaza
Những nội dung này cho thấy rằng, Gallant dự tính chuyển giao trách nhiệm cứu trợ và phúc lợi khỏi UNRWA (Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine), tổ chức mà Israel coi là “thù địch”, nhưng việc này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên “Kế hoạch Ngày hôm sau” không cung cấp điều gì về việc thành lập cơ quan giám sát luật pháp và trật tự ở Dải Gaza thời hậu chiến và vấn đề đó đến nay vẫn chưa được đề cập đến.
Các quan chức an ninh hàng đầu nói với The Times of Israel rằng việc chuyển giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương theo kế hoạch sẽ cần được thực hiện dần dần chứ không phải tất cả cùng một lúc, dựa trên cơ sở hạ tầng và cơ cấu nhân sự hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu là Israel đã loại bỏ vai trò của Chính quyền Palestine (PA) trong việc quản lý hành chính đối với dải Gaza, điều mà thế giới Ả rập không chấp nhận vì nó bị coi là đi ngược với sáng kiến về “Giải pháp hai Nhà nước”, được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Tổng thống Netanyahu nhấn mạnh rằng PA, với hình thức hiện tại dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmud Abbas, không thể được giao nhiệm vụ tiếp quản Gaza sau chiến tranh; trong khi Bộ trưởng Gallant nói rằng, việc Chính quyền Palestine tham gia vào Gaza thời hậu chiến là không phù hợp ở giai đoạn này, vì “PA chưa trải qua những cải cách cần thiết”.
Như vậy, việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ở Gaza mới chỉ giải quyết được phần nhỏ nhất trong bản “Kế hoạch Ngày hôm sau” là việc bảo đảm an ninh cho công tác viện trợ nhân đạo, chứ chưa hề có bất cứ bước đi nào liên quan tới việc thiết lập các cơ cấu quản lý, bảo vệ và tái thiết dải đất này.