Niềm tin lớn về Luật Nhà giáo sẽ phát huy giá trị trong thực tiễn

GD&TĐ - Chiều 17/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội: Nguyễn Thị Mai Hoa, Đinh Công Sỹ; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, một số bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế; đại diện một số Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học; thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và các chuyên gia tham gia soạn thảo Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo là sản phẩm kết tinh tâm huyết, trí tuệ tập thể

Ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 Điều. Đây là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành Giáo dục, mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng khẳng định Luật Nhà giáo được thông qua là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với ngành Giáo dục nói riêng, với đất nước nói chung.

hoi-nghi.jpg
Đại biểu dự hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.

Quá trình xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc đầy tâm huyết, trách nhiệm và sâu sát của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp cùng các Ủy ban khác; sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ nhiệt tình từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; sự đóng góp toàn diện, chia sẻ trách nhiệm từ UBND các tỉnh, thành phố và các Sở GD&ĐT;

Cùng với đó là sự đồng hành tích cực của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các cơ sở giáo dục đại học; đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ, tận tâm của Ban soạn thảo, Tổ biên tập - nhất là bộ phận thường trực, cùng các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục; sự chung tay góp sức quý báu của tất cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đã đồng lòng vào cuộc để ngành Giáo dục có được một đạo luật riêng, điều chỉnh đầy đủ về nhà giáo - qua đó mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, bền vững cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, với chủ trương sớm, việc biên soạn và trình Luật Nhà giáo đã được ghi rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 91-KL/TW, tạo căn cứ chính trị vô cùng quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị và trình Luật này.

Trong các buổi thảo luận ở Tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những ý kiến quan trọng liên quan đến Luật Nhà giáo; trong đó khẳng định, Luật Nhà giáo ban hành phải đem lại niềm vui, sự động viên, hứng khởi đối với đội ngũ nhà giáo. Đây là sự động viên, khích lệ to lớn đối với những người có trách nhiệm xây dựng Luật Nhà giáo.

ong-nguyen-dac-vinh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội nghị.
ong-duc-cuc-nha-giao.jpg
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo tổng kết quá trình xây dựng Luật Nhà giáo và triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Quá trình chuẩn bị để xây dựng dự án Luật Nhà giáo đã được Bộ GD&ĐT tiến hành từ lâu và đạt được những bước tiến quan trọng chủ yếu từ năm 2018 và có thể chia thành 4 giai đoạn chính.

Giai đoạn 1: Nghiên cứu phục vụ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, từ năm 2018 đến 2021.

Giai đoạn 2: Lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo từ 2021 đến tháng 6/2024. Theo đó, tháng 6/2024, Quốc hội chính thức có Nghị quyết số 129/2024/QH15 về việc bổ sung Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg giao Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo Luật Nhà giáo.

Giai đoạn 3: Soạn thảo Luật Nhà giáo và trình Quốc hội. Trong thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các bước trong quy trình soạn thảo Luật Nhà giáo.

Giai đoạn 4: Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo (từ tháng 11/2024 đến tháng 6/2025). Theo đó, ngày 16/6/2025, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV chính thức thông qua Luật Nhà giáo với tỷ lệ ấn tượng 94,35% đại biểu có mặt tán thành.

Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15 với 9 chương 42 điều.

Trong quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, theo ông Vũ Minh Đức, Bộ GD&ĐT nhận được sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng các cách thức khác nhau, với từng giai đoạn cụ thể trong quy trình xây dựng Luật.

Trong báo cáo, ông Vũ Minh Đức cũng chia sẻ 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại Luật Nhà giáo, cụ thể: Khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ - nâng cao chất lượng giáo dục; tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.

“Luật Nhà giáo là sản phẩm kết tinh của trí tuệ tập thể, được vun đắp từ công sức, tâm huyết và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia. Luật thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn về phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự thống nhất, đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương; từ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà giáo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; và sự đồng tình, ủng hộ của các Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đối với vai trò, vị trí của nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục”, ông Vũ Minh Đức bày tỏ.

luat-nha-giao.jpg
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Vai trò lãnh đạo, sự kiên định với chính sách phát triển nhà giáo

Phát biểu tại hội nghị, ông Carlos Vargas - Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 - thay mặt UNESCO chúc mừng Việt Nam đã đạt được một thành tựu ấn tượng, mang tính bước ngoặt, đột phá, đó là ban hành Luật Nhà giáo - khung pháp lý toàn diện, ghi nhận vai trò thiết yếu của đội ngũ nhà giáo trong giáo dục.

Ông Carlos Varga cho rằng, Luật Nhà giáo có ý nghĩa vô cùng to lớn, cụ thể: Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ nhà giáo phát triển; giáo viên có được sự hỗ trợ cần thiết để liên tục phát triển chuyên môn, sự nghiệp; khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm thời gian, nguồn lực tài chính, để các chính sách có thể được triển khai hiệu quả.

“Chúng tôi rất vui khi Luật đã đưa ra một khuôn khổ phản ánh tầm nhìn toàn cầu về nghề giáo trong tương lai”, ông Carlos Vargas bày tỏ.

ba-mai-hoa.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội gửi lời chúc mừng đến Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục và 1,6 triệu nhà giáo vì đã có một dự án Luật đúng như mong đợi, từ đó triển khai được những điều tốt đẹp cho nhà giáo, phát huy đóng góp của nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục.

Chia sẻ quá trình xây dựng thành công Luật Nhà giáo là quãng thời gian rất dài, với nhiều thách thức, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: Đây là dự án Luật khó, tác động tới gần 1,6 triệu nhà giáo và trên 20 triệu người học, học sinh, sinh viên cả nước; nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội và cử tri. Do đó, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã xác định tinh thần xây dựng luật là quyết tâm cao nhưng thận trọng, lắng nghe nhiều bên.

Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định. Nội dung hướng dẫn chi tiết được cụ thể hóa trong các dự thảo nghị định, thông tư gửi kèm trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.

“Trong quá trình thẩm tra, chúng tôi rút ra cho mình rất nhiều bài học, trong đó quá trình phối hợp xây dựng Luật. Hai bên đã tham dự các cuộc làm việc, hội nghị, hội thảo, trao đổi, góp ý các nội dung liên quan; trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, đồng thuận cao các vấn đề cần thống nhất giữa hai cơ quan”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ.

pham-do-nhat-tien.jpg
TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến phát biểu tại hội nghị.

Là người tham gia vào quá trình xây dựng Luật Nhà giáo suốt 4 năm, TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ nhiều kinh nghiệm, trong đó để lại nhiều cảm xúc nhất là kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo.

“Là người tham gia trong Tổ Biên soạn Luật Nhà giáo, tôi nhìn vai trò lãnh đạo giới hạn ở Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. Tôi đánh giá rất cao tinh thần lãnh đạo của Bộ trưởng và Chủ nhiệm Ủy ban. Nếu không có vai trò lãnh đạo đó, chúng ta khó đi được chặng đường hôm nay.

Chủ trương “những gì tốt nhất cho nhà giáo thì cố gắng đưa vào Luật” được Bộ trưởng nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp. Nhiều hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Nhà giáo đều có sự tham dự của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng với tinh thần chỉ đạo, điều hướng, dẫn dắt cũng xoay quanh quan điểm cốt lõi như trên. Khi đưa sang Ủy ban Văn hóa và Xã hội, các ý kiến cũng nhấn mạnh việc cố gắng bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo”, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ.

o-son-dhsp.jpg
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại hội nghị.

Xây dựng Luật khó, nhưng khó hơn là đưa được Luật vào cuộc sống

Cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo đã khó, nhưng hành trình đưa Luật vào cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều, khi các tư tưởng trong Luật sẽ đụng chạm với thực tế gai góc, TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Cần phải bảo đảm tất cả tuân theo một hạt nhân cơ bản, đó là bảo quyền quản lý thống nhất của ngành Giáo dục đối với nhà giáo.

Bày tỏ vinh dự khi đồng hành cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cũng đồng quan điểm khi nói về tổ chức thực hiện Luật. Ông cho rằng, điều quan trọng là sau khi ban hành Luật thì sẽ kiến tạo được những gì mới hơn, tốt hơn cho sự phát triển của nhà giáo, tạo thêm bước tiến gì cho nền giáo dục, cho sự nghiệp phát triển con người của đất nước. Đó mới là đích cuối cùng.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng trong phát biểu tại hội nghị đã khẳng định các dấu ấn và những bài học trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo đó, 4 dấu ấn lớn được Thứ trưởng nhấn mạnh. Thứ nhất, lần đầu tiên có một luật riêng dành cho đội ngũ nhà giáo, đây là đỉnh cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo.

Thứ hai, Luật đáp ứng được mục tiêu của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm: Khi Luật Nhà giáo được ban hành, đội ngũ nhà giáo sẽ vui mừng đón nhận.

Thứ ba, đây là một luật mẫu về đổi mới tư duy xây dựng luật. Cuối cùng, Luật Nhà giáo là căn cứ pháp lý cao nhất, đủ mạnh, tổng thể để xây dựng các văn bản dưới luật về nhà giáo.

oquochcm.jpg
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

6 bài học được Thứ trưởng chia sẻ, bao gồm: Xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phạm vi đối tượng áp dụng của Luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán và thông suốt; công tác phối hợp phải chủ động, chia sẻ và hết sức thấu hiểu; phát huy trí tuệ tập thể, tham khảo đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng; cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, giải trình một cách thuyết phục, có thực tiễn, có lý luận; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông.

Nhấn mạnh quyết tâm cao trong quá trình xây dựng Luật với tinh thần xuyên suốt: xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có niềm tin to lớn với việc Luật sẽ phát huy giá trị trong thực tiễn. Theo Bộ trưởng, Luật là công cụ, không phải là đích đến và chúng ta đã có một công cụ sắc bén, chắc chắn để phát triển lực lượng nhà giáo. Đây là công việc liên tục, không ngừng nghỉ.

Tại hội nghị, 2 tập thể và 63 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng Luật Nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ