Tổng thống Mỹ Donald Trump đang liên tục thay đổi quan điểm đối với Nga và cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi đó Moscow vẫn kiên định bất chấp mọi sức ép.
Ngày 15/7, ông Trump tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày gần đây khi khẳng định “vẫn chưa xong” với Tổng thống Nga, hàm ý ông còn tung ra những quyết định nghiêm khắc mới. Trước đó một ngày, ông đã ra tuyên bố được đánh giá là cụ thể và cứng rắn nhất nhằm vào Nga kể từ khi quay lại nắm quyền hồi đầu năm.
Theo đó, Tổng thống Trump công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa đắt đỏ Patriot, loại khí tài mà Kiev đang khát khao để đối phó với các cuộc không kích của Nga. Đặc biệt, ông Trump tuyên bố như một “tối hậu thư” dành cho Nga khi dọa sẽ áp thuế 100% trừng phạt Nga và các đối tác của Nga nếu trong vòng 50 ngày tới Nga không chịu đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định ủng hộ với NATO trong vấn đề Ukraine, đánh dấu sự thay đổi chính sách lớn của Washington đối với cuộc xung đột. Các động thái mới của Mỹ tất nhiên nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh của Ukraine và các đồng minh NATO, nhưng gần như tiếp tục va phải “hòn đá tảng” từ phía Nga như thường lệ.
Một loạt quan chức Nga ngay lập tức đã lên tiếng thể hiện quan điểm cứng rắn đối với “tối hậu thư” 50 ngày của Mỹ. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 15/7 tuyên bố Moscow “không mảy may quan tâm” đến tuyên bố này của Mỹ. Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev thì cho rằng tối hậu thư trừng phạt của Tổng thống Mỹ sẽ không gây tác động nào đến lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Alexei Zhuravlev thì cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ chỉ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ chứ không phải nước Nga. Lý do ông đưa ra là Nga gần như không có hoạt động thương mại nào lớn với Mỹ, khi kim ngạch thương mại song phương hiện chỉ khiêm tốn ở mức 8 tỷ USD.
Một trong những lý do khác khiến Nga vẫn “bình chân như vại” trước đe dọa trừng phạt kinh tế của Mỹ là việc Washington đang nhập khẩu từ Nga những mặt hàng quan trọng như uranium, titan, palladium. Do đó, theo giới chức Nga, việc tăng giá những mặt hàng này thông qua việc tăng thuế trừng phạt trước tiên sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, không phải Nga.
Trong khi đó, Moscow vẫn tiếp tục các quyết định cứng rắn liên quan đến tài sản của doanh nghiệp Mỹ tại Nga. Trong phán quyết mới nhất, một tòa án ở Moscow hôm 15/7 đã yêu cầu chuyển giao tài sản của Công ty Thực phẩm đóng hộp Glavproduct do Mỹ sở hữu cho nhà nước Nga, chấm dứt tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua về vấn đề này.
Glavproduct và các tài sản khác thuộc sở hữu của Công ty Universal Beverage có đăng ký tại Mỹ và đến nay đây là công ty Mỹ duy nhất bị phía Nga tịch thu bằng hình thức quốc hữu hóa. Quy mô tài sản của công ty này không quá lớn nhưng diễn ra trong bối cảnh những nỗ lực khôi phục quan hệ Nga - Mỹ đang đình trệ đã phần nào phản ánh rõ nét quan điểm cứng rắn của Moscow.
Sau khi chịu hàng chục nghìn lệnh trừng phạt từ phương Tây trong suốt hơn 3 năm qua do xung đột tại Ukraine, dường như các biện pháp gây sức ép mới nhất từ Mỹ về thương mại đối với Nga sẽ khó có khả năng làm thay đổi tình hình. Do đó cuộc xung đột tại Ukraine cũng ít có khả năng được giải quyết chỉ thông qua các công cụ kinh tế đơn thuần.