Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục

“Bình đẳng giới trong giáo dục” là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến do Báo GD&TĐ tổ chức được diễn ra lúc 15 giờ 30 phút ngày 20/10.

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục

Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời:

* Bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT.

* Thầy Hà Xuân Nhâm  - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội).

* Bà Ngô Thu Hà - Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW).

Ngành Giáo dục hiện có gần 1,6 triệu cán bộ nhà giáo người lao động (CBNGNLĐ); trong đó trên 80% là nữ. Việc triển khai có hiệu quả công tác vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành Giáo dục có tác động rất quan trọng, là tiền đề tốt nhất để xóa bỏ dần định kiến về giới, hướng tới bình đẳng giới trong cộng đồng.

Mỗi cá nhân, mỗi tập thể sư phạm sẽ là những đơn vị truyền thông hữu hiệu trong các tầng lớp nhân dân. Kết quả triển khai của các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục tiêu biểu sẽ là những điển hình để có thể nhân rộng tại địa phương và trong ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT, nữ CBNGNLĐ luôn tích cực học tập, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục; gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

Những đóng góp của đội ngũ nữ CBNGNLĐ có vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của nước nhà; đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế. 

Những vấn đề về bình đẳng giới trong giáo dục sẽ được các khách mời chia sẻ trong buổi GLTT do báo GD&TĐ tổ chức. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW)

Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội).

Bạn đọc

Bạn Thu Thủy, Nghệ An:

Vì sao càng học lên cao thì tỷ lệ nữ càng thấp ?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bạn thân mến, theo mình do Chính phủ đang thực hiện phổ cập cấp học mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học nên tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái theo học ở cấp học này là như nhau. Tuy nhiên, đối với những vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có một số huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An thì trẻ em gái bắt đầu bỏ học ở bậc trung học cơ sở và bậc trung học phổ thông để trông em, làm nương và kết hôn sớm. 

Ở bậc đại học, tỷ lệ nam nữ gần như ngang nhau về tổng thể nhưng thiên lệch ở một số ngành. Nữ theo học nhiều hơn ở các ngành sư phạm và khoa học xã hội. Nam giới theo học nhiều hơn ở các ngành thuộc khối khoa học tự nhiên và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp chuyên môn và có việc làm, nữ giới thường lập gia đình và sinh con nên ít có thời gian theo học ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ và phấn đấu để có học hàm phó giáo sư, giáo sư.  Chưa kể, nhiều người có mối lo về việc nữ giới có trình độ học vấn cao hơn nam giới sẽ không làm cho gia đình hạnh phúc. Điều đó cho thấy, gánh nặng công việc chăm sóc, nuôi dưỡng và định kiến xã hội đã hạn chế phụ nữ theo học ở các bậc học cao.

Bạn đọc

Bạn Trương Cẩm Vy, tỉnh Sóc Trăng.:

Công đoàn ngành Giáo dục có các chương trình, hoạt động gì để hỗ trợ các nữ nhà giáo phát triển năng lực sư phạm?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 9

 

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Nhiệm kỳ 2013 – 2018 và 2018 – 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai chương trình hành động toàn khóa về nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức và năng lực ứng xử của nhà giáo, trong đó có nữ giáo viên, giảng viên.

Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Chương trình “Đồng hành cùng nhà giáo”, trong đó có các chuyên gia giáo dục, tâm lý, pháp luật, các nhà giáo cốt cán… để hỗ trợ giáo viên trong việc đổi mới quản lý, tiếp cận phương pháp giảng dạy mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và một số kỹ năng mềm; đồng thời tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho giáo viên trong quá trình lao động nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, chỉ đạo các phong trào thi đua: “Dạy tốt –học tốt”; “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; xây dựng các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển để hỗ trợ nhau trong chuyên môn, nghiên cứu khoa học….;

Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm tạo động lực thi đua cho nhà giáo trong việc tự nâng cao trình độ và năng lực; đặc biệt là năng lực tự học và sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và công tác…

Bạn đọc

Bạn Bình Nguyên (Hải Phòng):

Theo bà việc giáo dục bình đẳng giới nên bắt đầu từ thời điểm nào? Bà đánh giá như thế nào về tình trạng hiện nay?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bạn thân mến, câu hỏi của bạn là một câu hỏi căn bản. Theo tôi, giáo dục về bình đẳng giới cần được thực hiện ngay với trẻ em lúc mới sinh ra và ở trong gia đình.

Ví dụ, việc cho con cái ăn mặc như thế nào để không mặc định con gái chỉ được mặc váy màu hồng, đeo nơ hồng, chơi đồ chơi nấu ăn hay chơi búp bê hay con trai thì mặc áo xanh, đi giày thể thao và chơi trò chơi xe pháo. Lớn lên chút, khi trẻ bắt đầu học và biết làm việc nhà thì không nên hướng dẫn và giao việc gắn liền với giới tính của con cái. Khi trường thành, bước đầu lựa chọn ngành học mang tính chuyên môn, chỉ thể hiện sự tôn trọng lựa chọn dựa trên khả năng mà sự yêu thích của con thay vì định hướng nghề nghiệp phù hợp với giới tính. 

Ở nhà trường, bên cạnh việc thay đổi nội dung và hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa, thầy cô giáo cũng cần có nhạy cảm giới khi trả lời các câu hỏi của con trẻ hay rút ra các bài học không củng cố khuôn mẫu giới hay vai trò giới truyền thống đối với cả nữ sinh và nam sinh. Do đó, việc giáo dục về bình đẳng giới ở nhà trường cần bắt đầu ở bậc mầm non cho đến bậc đại học và sau đại học. 

Từ đó cho thấy, nếu được học từ sớm với những thông điệp đúng đắn về giới sẽ giúp xóa bỏ định kiến, kì thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới cũng như xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và đạt được bình đẳng giới thực chất.

Bạn đọc

Bạn Thu Duyên tỉnh Cà Mau:

Giờ em mới biết, trong ngành Giáo dục có Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Không biết Ban này hoạt động như nào và hỗ trợ các nữ nhà giáo ra sao?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia VSTBPN, gần 20 năm qua, các địa phương, Bộ, ngành, trong đó có Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban VSTBPN. Theo đó, các đơn vị, trường học trong toàn ngành đã thành lập Ban VSTBPN của đơn vị, phân công nhiệm vụ, xây dựng quy chế hoạt động.

Hàng năm, Ban VSTBPN ngành Giáo dục xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, xác định rõ nội dung hoạt động và chỉ đạo toàn ngành thực hiện.

Trong các nội dung trọng tâm, Ban VSTBPN các đơn vị trong ngành đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nữ nhà giáo nâng cao trình độ, năng lực và các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nghiên cứu đề xuất với cấp ủy, chính quyền; với Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù đối với nhà giáo nói chung và nữ nhà giáo nói riêng.

Cụ thể như: Chế độ đãi ngộ, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên, chế độ với giáo viên mầm non, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc nội trú, bán trú… và các quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên; quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục;

Ở khối đại học, Ban VSTBPN còn hỗ trợ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, hoàn thành các đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ, viết bài báo quốc tế… nhăm nâng cao năng lực cho nữ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học.

Bạn đọc

Bạn Lê Hoàng Anh, Cà Mau:

Giới và vấn đề bình đẳng và phòng tránh bạo lực luôn cần được đặt ra. Vậy làm thế nào để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới trong thanh niên?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Cảm ơn bạn! Câu hỏi của bạn rất thú vị nhưng lại khó để giải quyết trong ngày một ngày hai. Vì như tôi đã trả lời ở một số câu hỏi ở trên, trong số những khuôn mẫu giới do thanh niên chỉ ra ở tên cho thấy có nhiều khuôn mẫu kép và rất khó có thể đáp ứng được, đặc biệt trong một xã hội bận rộn với những dự án học tập hay công việc, áp lực với thu nhập để trang trải cuộc sống cũng như áp lực hôn nhân và nuôi dạy con cái trong giới trẻ.

Nếu giới trẻ không tự cởi bỏ bớt những khuôn mẫu cho bản thân mình hay những người khác thì vô hình chung chúng ta dù là nam hay nữ hay mang trên mình xu hướng tính dục nào cũng đang tạo ra áp lực cho mình và cho người khác và đây là một trong những nguồn cơn của bạo lực giới.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta không coi các giới có giá trị và vị thế bình đẳng mà cho rằng một giới có giá trị và vị thế cao hơn và thường là giới nam trong khi coi giới còn lại có giá trị và vị thế thấp hơn thì sẽ ứng xử một cách không bình đẳng thậm chí tước đi cơ hội được sinh ra và sống hạnh phúc. Điều này tôi đang nói đến việc nạo phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi như là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới hay nạn kết hôn sớm ở trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc một số nhóm dân tộc thiểu số khác nhau. 

Do đó, để góp phần xoá bỏ bạo lực giới, chúng ta cần cởi bỏ và không áp đặt các khuôn mẫu giới cho bản thân và người khác, tôn trọng quyền và tự do của chính mình và của người khác cũng như ứng xử một cách bình đẳng, phi bạo lực dù người đó là ai, mang giới tính gì hay ở độ tuổi nào. Để làm được điều này, cần nỗ lực của nhiều bên, bao gồm giáo dục chính quy trong hệ thống nhà trường, giáo dục trong gia đình và các chương trình giáo dục phi chính quy khác cho thanh niên.

Hiện tại tổ chức CEPEW của chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai các chương trình này như tập huấn về các giá trị phổ quát cho thanh niên hay triển khai chương trình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với sinh viên và giảng viên tại Đại học Thái Nguyên. 

Bạn đọc

Bạn lemaianh@...:

Tôi là giáo viên THPT, có chồng công tác trong quân đội thường xuyên xa nhà. Tôi đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng. Vậy, theo các quy định, trong công việc tại trường, tôi có được ưu tiên về bồi dưỡng, giờ giảng,… hay không?.
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Chào bạn, theo quy định, với nữ giáo viên có con dưới 24 tháng tuổi sẽ được giảm trừ định biên theo quy định chung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (3 tiết/tuần với GV phổ thông; 4 tiết/tuần với GV tiểu học…).

Việc ưu tiên hoặc các chế độ liên quan đến việc có chồng công tác trong quân đội không liên quan đến nội dung về bình đẳng giới mà được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với gia đình quân nhân cũng như các hoạt động của các tổ chức Công đoàn về việc thực hiện nội dung “đền ơn đáp nghĩa”.

Theo nội dung bạn hỏi, hiện không có quy định nào về việc ưu tiên trong bồi dưỡng cũng như giờ dạy.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thu Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội):

Có cơ chế giám sát việc thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ đối với các địa phương, cơ sở giáo dục?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác VSTBPN, BĐG hàng năm, đều có nội dung về kiểm tra, giám sát. Định kỳ hàng năm, Bộ có tổ chức các đoàn kiểm tra đến các cơ sở giáo dục và đào tạo kiểm tra và đánh giá công tác bình đẳng giới và hoạt động của Ban VSTBPN tại cơ sở giáo dục và các sở giáo dục và đào tạo (Mỗi năm ít nhất 4 đợt kiểm tra là các sở GD&ĐT và các đơn vị trường học). Thời gian qua, ngành Giáo dục không có vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Bạn đọc

Bạn Hương Thảo – Ninh Bình:

Theo ông, cốt lõi của công cuộc xoá bỏ bất bình đẳng giới thuộc về đối tượng nào trong xã hội, phụ nữ, nam giới hay chính sách vĩ mô?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Theo tôi, xóa bỏ bất bình đẳng giới là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó các chính sách vĩ mô đóng vai trò quan trọng.

Là đối tượng dễ tổn thương và còn chịu nhiều thiệt thòi trong định kiến về giới, phụ nữ cần tự mình nỗ lực khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp của mình đối với sự phát triển của đơn vị công tác nói riêng và xã hội nói chung. Cùng với đó, cần cả việc nâng cao nhận thức và sự hỗ trợ thực tế của nam giới trong các công việc để giảm thiểu những gánh nặng nằm ngay trong ý thức hệ về vấn đề bình đẳng giới.

Bạn đọc

Bạn Ngô Thế Huynh (thehuynh***@gmail.com):

Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng về bình đẳng giới, vậy Công đoàn ngành và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT chú trọng vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Trước hết Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về BĐG, thông qua các hoạt động công đoàn, nữ công và hoạt động của Ban VSTBPN; đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt, chuyên viên các Vụ, Cục thuộc Bộ nội dung đảm bảo yếu tố về BĐG trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề về giới và lồng ghép giới trong công tác quản lý lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới trong giáo dục ở các cấp; Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Phối kết hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện sâu rộng tới các nhà trường thuộc các cấp học khác nhau.

Bộ GD&ĐT ban hành tài liệu hướng dẫn “Lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, cung cấp thông tin và trang bị một số kỹ năng cần thiết cho các cán bộ trong ngành Giáo dục nói chung và các thành viên Ban xây dựng chương trình, Ban biên soạn sách giáo khoa, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa, nhằm tăng cường bình đẳng giới trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Xây dựng “Khóa học về nhận thức giới và đáp ứng giới trong các hoạt động giảng dạy tại các trường phổ thông” (dành cho giáo viên, hiệu trưởng và phó hiệu trường phổ thông).

Ban VSTBPN ngành Giáo dục đã tổ chức tập huấn về Kế hoạch hành động bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách VSTBPN/BĐG của các sở GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT. 

Bạn đọc

Bạn Phương Anh – Thái Bình:

Tại nhiều vùng quê, con gái học cao hoặc có vị trí xã hội cũng khó lấy chồng. Định kiến xã hội vẫn cho rằng, phụ nữ dù thành đạt đến mấy mà chưa có một gia đình hạnh phúc thì cũng chưa được coi là thành công. Thầy ngĩ sao về điều này?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 26

 

Thực ra, điều mà tất cả mọi người đều theo đuổi đó là có một cuộc sống hạnh phúc. Cá nhân tôi nghĩ rằng, không kể nam hay nữ nếu không có hạnh phúc thì cũng không thể coi là thành công trong cuộc sống.

Tất nhiên, định kiến như bạn nêu vẫn tồn tại đâu đó trong xã hội mà tất cả chúng ta phải dần dần thay đổi nó để thực hiện tốt những nội dung về bình đẳng giới, tiến tới những nấc thang mới về công bằng xã hội.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thanh Sơn, Trà Vinh:

Là cán bộ làm công tác Đoàn thanh niên tôi xin được hỏi về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới thường xảy ra ở độ tuổi nào và trong nhóm công chúng nào?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bạn thân mến. Bạo lực trên cơ sở giới (hay còn gọi là GBV) là bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở phân biệt đối xử dựa trên giới hoặc giới tính. Nó bao gồm các hành động gây hại hoặc gây đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình dục, gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi này, sự cưỡng bức và tước đoạt quyền và tự do dưới các hình thức khác nhau. GBV có thể xẩy ra và gây hại cho cả nữ giới và nam giới ở mọi độ tuổi và mọi tầng lớp, với cả trẻ em gái và trẻ em trai.

Thực tế, có rất nhiều nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ như bạo lực gia đình đối với phụ nữ, quấy rối tình dục đối với phụ nữ ở nơi làm việc, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện công cộng…. Báo cáo về bạo lực giới đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ đã trải nghiệm bạo lực về thể xác, tinh thần và tình dục bởi bạn tình hay chồng; cứ 3 phụ nữ thì có 1 phụ nữ đã từng bị bạo lực tình dục và thể xác bởi chồng hay bạn tình hay có nghiên cứu chỉ ra rằng 87% phụ nữ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có trải nghiệm với quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Nghiên cứu về bạo lực trên cơ sở giới đối với nam giới ít được thực hiện. Một nghiên cứu về bạo lực tình dục trong các cặp đôi hẹn hò do UN Women và Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, nam giới cũng bị bạo lực tình dục bởi người yêu. Cụ thể, trong gần 1,000 thanh niên trả lời bảng hỏi thì có 72,5% người cho rằng đã từng quan hệ tình dục với một trong những người yêu của mình. Trong đó, 37,7% người cho rằng đã từng chịu ít nhất một hành vi tình dục không mong muốn bởi người yêu của mình. Trong các hành vi tình dục không mong muốn dẫn đến quan hệ tình dục, 27,6% người đã từng chịu ít nhất một trong những hành vi bạo lực tình dục dẫn đến quan hệ tình dục do người yêu gây ra. Trong đó tỷ lệ nữ giới bị người yêu gây ra những hành vi này cao hơn so với nam giới (32,2% so với 19,5%).

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, trẻ em trai, trẻ em gái, người đồng tính, song tính, chuyển giới cũng đã từng có trải nghiệm bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó cho thấy, GBV xẩy ra với bất kỳ độ tuổi nào và với bất kì giới tính hay xu hướng tính dục hay bản dạng giới nào. 

Bạn đọc

Bạn duonghuyen81@...:

Nhiều người cho rằng, bình đẳng giới là thực hiện sự bình quân, ngang bằng giữa hai giới, nghĩa là phụ nữ có thể và có quyền làm tất cả những điều nam giới có thể và có quyền làm. Cách hiểu này có đúng không, thưa thầy?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Cách hiểu như vậy chưa thật sự đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít người chưa hiểu đúng và đủ về khái niệm bình đẳng giới. Theo Điều 5 - Luật Bình đẳng giới 2006 "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Như vậy, chúng ta cần phân biệt các khái niệm về vai trò và vị thế. Vai trò của người phụ nữ là người sản xuất, người vợ, người mẹ trong gia đình; còn nam giới có vai trò là người sản xuất, người chồng, người cha. Còn vị thế liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong xã hội. Bình đẳng giới thiên về việc quan tâm đến vị thế nhiều hơn.

Bạn đọc

Bạn Vuhoangngan...@yahoo.com:

Tôi thấy chính sách nhà giáo vẫn còn bất cập, nhất là với giáo viên nữ. Vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến góp ý về tuổi nghỉ hưu đối với nữ giáo viên mầm non và giáo viên giáo dục thể chất. Vậy kết quả này như thế nào thưa bà, có chuyển biến gì không?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 33

 

Thực tế cũng còn có một số chính sách đối với nhà giáo cần được điều chỉnh cho hợp lý, nhất là tuổi nghỉ hưu. 
Vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức khảo sát; tọa đàm, lấy ý kiến góp ý về tuổi nghỉ hưu đối với nữ giáo viên mầm non và giáo viên giáo dục thể chất. Hầu hết ý kiến đều mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 55.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi tham mưu xây dựng nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cho nữ giáo viên mầm non và giáo viên thể chất.

Vừa rồi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tổ chức một số hội thảo về vấn đề này, từ đó cũng đề xuất kiến nghị với Chính phủ trong việc xây dựng Nghị định thi hành Luật Lao động (sửa đổi) trong đó có tuổi nghỉ hưu của GV đảm bảo phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp. Hiện nay đang trong quá trình tiếp thu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật  và chờ, nên chưa có kết quả cụ thể.   

Bạn đọc

Bạn lelunglinh@...:

Theo thầy, so với các ngành nghề khác, việc thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục có những thuận lợi và khó khăn cụ thể gì?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Chào bạn, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng và tuỳ theo đặc thù ngành sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng việc thực hiện công tác bình đẳng giới.

Đối với ngành giáo dục, thuận lợi là: Tỉ lệ người lao động nữ trong giáo dục cao hơn, đặc biệt là ở khối THPT trở xuống. Khó khăn là: Trong xã hội nói chung và trong giáo dục nói riêng, đâu đó vẫn còn có những định kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Bởi vậy, để thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới, ngành giáo dục đã đưa ra những kế hoạch cụ thể để thực hiện những mục tiêu riêng, phù hợp với những khó khăn và thuận lợi đặc thù ngành.

Bạn đọc

Bạn Hương Lan – Yên Bái:

Trong giáo dục và đào tạo, sự bất bình đẳng biểu hiện ở tỷ lệ học sinh nữ theo học cấp tiểu học và THCS thấp hơn tỷ lệ học sinh nam, nhất là ở các vùng nghèo và vùng dân tộc thiểu số. Vậy, điều này có xảy ra ở các trường học tại các đô thị không, thưa thầy?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 38

 

Chào bạn, tôi không nắm rõ được tỉ lệ đi học của học sinh năm – nữ ở các tỉnh miền núi nhưng với các số liệu ở trường chúng tôi – một trường học tại Hà Nội thì không thấy thể hiện điều này. Cụ thể, năm học này trường có 1049 học sinh thì có 512 nữ (tương đối trùng khớp với tỉ lệ giới tính khi sinh: 100 bé trai – 111 bé gái).

Có thể ở một số địa phương miền núi, điều kiện kinh tế và tiếp cận giáo dục còn những khó khăn nhất định, cũng có thể do phong tục tập quán còn lạc hậu mà bình đẳng giới trong giáo dục chưa được thực hiện triệt để. Tuy nhiên, hi vọng điều này sẽ được điều chỉnh và giảm thiểu dần nhờ những chỉ đạo và chính sách vĩ mô.

Bạn đọc

Bạn danggiang***@gmail.com:

Em thấy, các trường tiểu học và mầm non ngày càng ít giáo viên nam, có trường 100% giáo viên nữ. Có phải đối với bậc học này, địa phương và nhà trương không thích giáo viên nam bằng giáo viên nữ?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Điều này không đúng, vì hiện nay ngày càng có nhiều nam giới tham gia đăng ký xét tuyển vào các khoa, trường đào tạo giáo viên mầm non, thực tế ngành rất khuyến khích nam giới tham gia vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên hiện nay chưa thể xóa nhòa được định kiến, quan niệm cho rằng trông trẻ, chăm trẻ mầm non là việc của phụ nữ, và một bộ phận người dân xem giáo viên nam dạy mầm non là điều gì đó lạ, chưa cho đó là điều bình thường.

Nhiều nhà trường sư phạm cũng muốn tuyển sinh viên nam vào bậc mầm non; nhiều trường mầm non cũng muốn tuyển giáo viên là nam giới nhưng nguồn không nhiều nên hiện nay tỷ lệ nam ở bậc mầm non rất ít.

Chúng ta muốn con trẻ có sự bình đẳng và điều điều kiện phát triển toàn diện thì cần phải xóa bỏ rào cản này từ trong suy nghĩ của tất cả mọi người, cũng ngay chính từ mỗi học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường và các bậc phụ huynh. Cùng với đó, cần có những giải pháp truyền thông tốt hơn để khuyến khích thêm nam giới vào bậc học mầm non.

Bạn đọc

Bạn Quế Anh – Nghệ An:

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của bình đẳng giới trong giáo dục?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Chào bạn, Theo tôi, bình đẳng giới trong giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng, nó ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai và có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.

Bạn đọc

Bạn La Thu Hiền, Nghệ An:

Hiện có nhiều tuyên truyền về bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ. Xin chuyên gia cho biết vậy thanh niên hiều như thế nào về định kiến, kì thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 45

Cảm ơn chị cho câu hỏi rất căn bản này. Chính phủ đã và đang phân bổ một số nguồn lực nhất định cho truyền thông về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam cũng có chức năng, nhiệm vụ trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các tổ chức xã hội cũng đang nỗ lực để truyền thông tới thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, nghiên cứu do tổ chức OXFAM và CISDOMA thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ thanh niên đang theo học ở các trường đại học và đã đi làm chưa từng nghe về kì thị và phân biệt đối xử về giới còn cao. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vẫn còn khoảng 50% thanh niên được phỏng vấn vẫn đồng ý với quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hay gần 60% không cho rằng một doanh nghiệp cơ khí đăng tuyển “lao động nam, từ 18-35 tuổi và có bằng tốt nghiệp phù hợp với công việc được tuyển” là“phân biệt đối xử trên cơ sở giới.

Do đó, cần tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông hay giáo dục cho thanh niên về khuôn mẫu, định kiến và nhận diện sự kì thị và  phân biệt đối xử trên cơ sở giới và giới tính cũng như cơ sở tuổi tác, dân tộc, chủng tộc, màu da, xuất thân gia đình và xã hội, xu hướng tính dục và bản dạng giới cũng như tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử.

Bạn đọc

Bạn tiengquang***@gmail.com:

Không phải tôi phân biệt nam – nữ đâu, nhưng quả thật ở các cơ sở giáo dục, tôi thấy nam giới làm lãnh đạo có chất lượng và hiệu quả hơn các cô! Bà làm trong ngành Giáo dục và đi đến mọi miền của đất nước, có thấy như vậy không?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 48

 

Tôi không cho là như vậy! Phụ nữ ngành Giáo dục có phẩm chất tận tuy, tỷ mỉ, chi tiết và cầu toàn. Ngành Giáo dục có khoảng 80% nữ CBNGNLĐ, trong đó tỷ lệ giáo viên, giảng viên nữ chiếm trên 80%, cán bộ quản lý (CBQL) trên 63%, chất lượng hiệu quả của GD-ĐT phần lớn là nhờ sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục, trong đó số đông CBQL chịu trách nhiệm chính về việc triển khai các nhiệm vụ của đơn vị mình.

Đặc biệt, ở khối phổ thông, hầu hết các trường đạt Chuẩn quốc gia đều do nữ làm hiệu trưởng. Nếu có điều kiện thì bạn có thể thăm quan một số trường học này.

Vì vậy phải khẳng định rằng, nữ làm CBQL không thua kém, thậm chí có nơi còn tốt hơn nam giới. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận vẫn còn có nơi CBQL có những sai phạm, gây bức xúc, nhưng đó là số rất ít, không đáng kể.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Trọng Nghĩa, Quảng Ninh:

Tôi là cán bộ trong ngành GD, xin được hỏi định kiến giới hay khuôn mẫu giới có còn tồn tại trong thanh niên không?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bạn thân mến, hiện tại ở Việt Nam, định kiến giới đang tồn tại trong mọi tầng lớp xã hội, bao gồm thanh niên. Quá trình thực hiện các nghiên cứu hay thảo luận với thanh niên về bình đẳng giới trong thời gian gần đây cho thấy, cả nam và nữ thanh niên đang tự áp đặt các khuôn mẫu giới vào bản thân mình hay với giới còn lại.

Cụ thể, những khuôn mẫu giới như là nam giới thì phải cao trên 1,7m, cơ thể 6 múi, gương mặt đẹp trai, ga-lăng, lãng mạn và hào phóng nhưng phải chung thuỷ hay có điểm dừng trong các mối quan hệ với người khác giới, có sinh lý tốt, có công việc ổn định và kiếm được nhiều tiền, quyết đoán nhưng không gia trưởng, có chí tiến thủ, biết nấu ăn, có gu ăn mặc, có sức khoẻ, giao tiếp tốt… Hay là nữ giới thì phải dịu dàng, có ngũ quan đoan trang, ưa nhìn, tự tin, biết giao tiếp, thông minhgiỏi việc nước và đảm việc nhà, có công việc ổn định và độc lập, có cá tính, biết điều, chăm chỉ, biết nấu ăn, xinh đẹp, yêu chồng thương con.

Các bạn khẳng định rằng, mình học được những điều này từ gia đình, nhà trường, nơi làm việc và qua các kênh truyền thông và nỗ lực đạt được các khuôn mẫu kể trên mặc dù một số khuôn mẫu mang tính bẩm sinh, khó có thể thay đổi được như ngoại hình, khuôn mặt, màu da. 

Bạn đọc

Bạn Bùi Tuấn Phong, TP Hà Nội:

Mọi người cứ kêu gọi bình đẳng cho nữ giới, mà ít ai để ý đến đàn ông chúng tôi. VD: Ngay trong giáo dục mầm non, tôi chưa thấy ai là nam hiệu trưởng. Như thế có phải là bất bình đẳng giới không ạ?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 53

 

Đây không phải là bất bình đẳng mà là do đặc thù của bậc học này, trước nay chủ yếu do nữ tham gia. Nay Bộ GD&ĐT khuyến khích động viên nhưng số lượng nam tham gia bậc học mầm non (chưa đến 1%) rất ít, do đó không có nguồn cán bộ.

Bạn đọc

Bạn Trần Nam, tỉnh Nam Định.:

Thời gian qua, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT đã có những hỗ trợ gì đối với các nữ nhà giáo, người lao động, để nam – nữ thực sự bình đẳng trong tất cả mọi hoạt động của ngành?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 56

Ban VSTBPN ngành đã tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT triển khai Kế hoạch hành động về BĐG giai đoạn 2011-2015, tổng kết rút kinh nghiệm và xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện KH BĐG giai đoạn 2016-2020 theo Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020; trong đó xác định 6 nhóm mục tiêu chính, bao gồm:

1. Tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo.

2. Thu hẹp khoảng cách giưa trẻ em trai và trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục,  trong đó có chỉ tiêu tăng tỷ lệ nam bậc mầm non, tiểu học; tăng nhà giáo nữ THPT, đại học.

3. Đảm bảo các vấn đề về giới, BĐG trong chương trình, SGK, trong đó loại bỏ nội dung, hình ảnh có định kiến giới.

4. Nâng cao công tác truyền thông về BĐG

5-. Phòng chống bạo lực học đường

6- Tăng cường công tác thống kê có trách nhiệm giới, lồng ghép giới vào hoạch định chính sách, lập kế hoạch và quản lý ngành giáo dục.

Theo đó, các đơn vị trong toàn ngành đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu trên.

Bạn đọc

Bạn Lê Ngọc Anh, Trường Đại học Mở Hà Nội:

Em là nam giới thì có cần nghiên cứu về bình đẳng giới không?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Nhiều thông tin hữu ích được các khách mời chia sẻ cùng độc giả Báo GD&TĐ
Nhiều thông tin hữu ích được các khách mời chia sẻ cùng độc giả Báo GD&TĐ

 

Rất vui khi nhận được sự quan tâm của bạn về bình đẳng giới. Thông thường, các chương trình truyền thông hay giáo dục về bình đẳng giới là do nữ giới tổ chức, triển khai hay số lượng nữ giới tham gia nhiều hơn so với nam giới. 

Theo tôi, giới đề cập đến mối quan hệ giữa hai giới nam và nữ cũng như những người thiểu số về xu hướng tính dục và bản dạng giới thuộc các độ tuổi, dân tộc, nghề nghiệp khác nhau hay có mức thu nhập khác nhau. Do đó, nam giới hay những người đồng tính nam hay nam chuyển giới, nữ chuyển giới cũng nên có kiến thức về khuôn mẫu, định kiến, kì thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới hay bình đẳng giới thực chất, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới để lên tiếng cho những bất công trong cuộc sống và đóng góp vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Hiện tại, kì thị hay phân biệt đối xử trên cơ sở giới không chỉ xảy ra đối với nữ giới mà cả đối với nam giới cả trong cuộc sống gia đình, ở nơi làm việc, ngoài xã hội và trên truyền thông, trong chính sách. Việc nam giới hiều và lên tiếng cho những bất công của mình cũng là cần thiết để xã hội biết đến và các nhà hoạch định chính sách xây dựng và ban hành những chính sách có nhạy cảm giới hơn thay vì chỉ ban hành chính sách bảo vệ nữ giới.

Bạn đọc

Bạn bichthu***@gmail.com:

Chúng ta đang kêu gọi đàn ông, mà cụ thể là người chồng cần chia sẻ việc nhà với vợ; thế nhưng trong ngành Giáo dục lại có phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, điều này liệu có mâu thuẫn không thưa bà? Bởi nếu như vậy thì phụ nữ vẫn bị bất bình đẳng, vì vừa phải hoàn thành công tác xã hội, nhưng vẫn phải đảm đang việc nhà?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong suốt gần 30 năm qua đã tạo động lực tích cực đối với nữ cán bộ nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ); giúp chị em hăng hái thi đua lao động giỏi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời thực hiện thiên chức của người phụ nữ: là người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Nuôi dạy con ngoan, học giỏi, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn đã cố gắng vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi con học giỏi, làm tốt nghĩa vụ với gia đình, động viên chồng con cùng chia sẻ công việc gia đình để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và học tập nâng cao trình độ.

Đây là phong trào thi đua phù hợp tính chất về giới, mang đặc thù cho phụ nữ góp phần cho phụ nữ phát huy phẩm chất và năng lực của mình, là môi trường tốt để nữ CBNGNLĐ không ngừng phấn đấu vươn lên. 

Song song với việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác, phong trào còn giúp chị em thi đua tổ chức, sắp xếp các hoạt động gia đình một cách khoa học, để gia đình thực sự là tổ ấm bình yên cho các thành viên trong gia đình trở về sau những giờ lao động, làm việc vất vả. Việc triển khai phong trào thi đua này không làm mất bình đẳng giới, nhất là với nữ trong ngành Giáo dục.

Bạn đọc

Bạn honghoa***@gmail.com:

Muốn dần xóa bỏ định kiến về giới trong ngành Giáo dục thì cần làm tốt công tác vì sự tiến bộ phụ nữ. Vậy thời gian qua, công tác này đã được triển khai thực hiện như thế nào – thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Công tác VSTBPN của ngành Giáo dục được triển khai thường xuyên, tích cực, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia VSTBPN; bám sát nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các kết luận của Ban Bí thư.

Hàng năm, Ban VSTBPN đều xây dựng kế hoạch; chỉ đạo Ban VSTBPN trong các đơn vị trường học trong toàn ngành tổ chức thực hiện; trong đó xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu đảm bảo sự tiến bộ cho phụ nữ ngành Giáo dục; đặc biệt các nội dung liên quan đến việc quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý; nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; những nội dung liên quan đến giảm khoảng cách giữa nam và nữ trong tiếp cận giáo dục hiện đại; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ….

Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác VSTBPN. Tỷ lệ nữ tham gia làm lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Hiện tại đạt trên 63%.

Bạn đọc

Bạn Minh Hoà, phụ huynh – Bắc Giang:

Nhà trường có vai trò không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong giáo dục. Ở đó, vấn đề bạo lực học đường rất cần được chú trọng. Vậy thực tế tại cơ sở, ông chỉ đạo thực hiện việc này thế nào để mang lại hiệu quả cao?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Vấn đề bạo lực học đường đúng là có liên quan rất nhiều đến nội dung bình đẳng giới. Chúng ta cũng biết, đa số các vụ việc về bạo lực học đường thì nạn nhân là các nữ sinh.

Ở trường chúng tôi, ngoài việc thực hiện các giải pháp chung để hạn chế tối đa bạo lực học đường: tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các nội quy, quy định; kí cam kết thực hiện về an toàn trường học… thì nhà trường còn rất chú trọng đến việc xây dựng Trường học hạnh phúc - ở đó bình đẳng giới cũng là một thành tố quan trọng.

Song song với việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, các quy định về bình đẳng giới, nhà trường đẩy mạnh việc tập huấn sâu vào các nội dung: Xây dựng mối quan hệ tích cực trong lớp học; mối quan hệ tích cực trong cơ quan; mối quan hệ tích cực với CMHS… góp phần nâng cao nhận thức cũng như cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện nội dung bình đẳng giới cũng như xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, dân chủ, lành mạnh.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Anh Vinh, Điện Biên:

Tại sao điểm đầu vào của một số trường như an ninh, cảnh sát đối với nữ sinh lại cao hơn nam sinh?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bạn thân mến. Hiện tại, công chúng vẫn cho rằng những ngành thuộc lực lượng vũ trang là nguy hiểm và vất vả do đó chỉ phù hợp với nam giới. Từ đó, không định hướng và khuyến khích con gái ứng tuyển vào ngành này. Mặt khác, đề án tuyển sinh thuộc các trường này đưa ra chỉ tiêu rất thấp, khoảng 10 - 15% dành cho nữ giới trong một số ngành. Do đó, để trúng tuyển, điểm của nữ sinh vào ngành này thường cao hơn nam sinh. Do đó, việc nâng chỉ tiêu cao hơn dành cho nữ sinh và hướng đến xoá bỏ chỉ tiêu giới trong những ngành này là cần thiết để thu hút những nữ sinh giỏi, tâm huyết ứng tuyển vào các trường này.

Bạn đọc

Bạn Đào Thanh Loan, Thái Bình:

Em rất muốn học chuyên ngành khoa học tự nhiên, kiến trúc, xây dựng nhưng sợ mọi người dị nghị là những ngành này không phù hợp với phụ nữ?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Cảm ơn bạn! Mình vẫn thường nhận được câu hỏi như thế này đối với những bạn đang ở ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Theo mình, ngành nghề không mang giới tính để cho rằng nghề này phù hợp với nam giới hay nghề kia phù hợp với nữ giới mà đó là định kiến của gia đình và xã hội. Theo tôi, ngành nghề sẽ phù hợp với những người có đam mê và yêu nghề, tận tâm cống hiến và sống được bằng nghề. Do đó, nếu bất kỳ ai yêu thích và nghĩ rằng mình phù hợp thì cứ thử sức mà không kể mình mang giới tính nào.

Bạn đọc

Bạn (Lê Tuyết Nhung, Sơn La:

Hiện tại, ở Việt Nam có những trường đại học nào có ngành học về giới. Các nội dung dạy học đã đủ chưa?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà chia sẻ thông tin đến bạn đọc báo GD&TĐ trong buổi GLTT
Bà Ngô Thị Thu Hà chia sẻ thông tin đến bạn đọc báo GD&TĐ trong buổi GLTT

 

Chào bạn. Bộ môn giới hiện tại được giảng dạy ở một số khoa, ngành như quốc tế học, xã hội học, tâm lý học và công tác xã hội thuộc Đại học Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công đoàn, Đại học Lao động, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên…

Tuy nhiên, thời lượng dành cho môn giới ở các trường này không nhiều. Để học nhiều hơn, Chuyên ngành Giới và phát triển thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện nay có hơn 80 tín chỉ về nhập môn cơ bản về giới, giới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, lồng ghép giới… được giảng dạy trong 4 năm thuộc bậc cử nhân. Ngoài ra, nếu muốn nghiên cứu sâu hơn, các bạn có thể lựa chọn chủ đề về giới khi học ở các bậc học sau đại học ở các trường này.

Hiện nay, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam đang có nhiều sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học chuyên ngành giới và Phát triển. Trong những năm gần đây, lãnh đạo và giảng viên Đại học Tây Bắc cũng đang nỗ lực lồng ghép giới vào trong một số môn học và tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng đẳng giới và duy trì văn hóa của các dân tộc nhìn dưới góc độ giới.

Bạn đọc

Bạn lanlan**@gmail.com:

Em thấy nhiều người vẫn còn định kiến về giới. Chẳng hạn, một số người cứ nghĩ nam giới là giáo viên mầm non không “Pê đê” thì cũng có vấn đề về giới tính. Làm trong tổ chức công đoàn của ngành Giáo dục. Cô có chia sẻ gì về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Theo tôi, thực tế vẫn còn có hiện tượng định kiến về giới trong một bộ phận người dân, kể cả cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Tuy nhiên, nếu nói: “Nam giới là giáo viên mầm non  không “Pê đê” thì cũng có vấn đề về giới tính” là không được.

Hiện nay, nhiều sinh viên nam bình thường cũng đã có hiểu biết sâu sắc về ngành này; nhiều bạn có năng khiếu đặc biệt và cũng có mong muốn được làm giáo viên mầm non. Một số bạn nhận thấy việc chăm sóc, giáo dục trẻ có nhiều điều lý thú và rất tâm huyết trong việc dạy con trẻ các bộ môn như: Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, dạy chữ, tổ chức hoạt động giáo dục và các kỹ năng khác.

Tôi cho là, việc này rất đáng hoan nghênh và trân trọng! Ngành Giáo dục đang khuyến khích giáo viên nam tham gia vào làm giáo viên bậc mầm non; điều này đã được cụ thể hóa trong kế hoạch BĐG của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020.

Bạn đọc

Bạn Thanh Xuân – TP. HCM:

Bình đẳng giới là vấn đề được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, ngay cả cán bộ, giáo viên cũng không phải ai cũng nhận thức đúng và đủ về nó. Tại trường mình, xin thầy cho biết, vai trò tuyên truyền kiến thức mảng này thuộc về tổ chức đoàn thể thể nào? Cách thức và hiệu quả ra sao?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú trong buổi GLTT

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú trong buổi GLTT

 

Đúng là vẫn còn có những cá nhân chưa thực sự nắm rõ cũng như nhận thức đúng đắn về vấn đề bình đẳng giới. Đâu đó vẫn còn có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.

Trường chúng tôi, việc tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới sẽ do 3 bộ phận chính đảm nhận: Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Ban Truyền thông của trường. Ngoài ra, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ chịu trách nhiệm tìm hiểu, tham gia tập huấn cũng như tham mưu các nội dung, đề xuất các hoạt động để nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết về bình đẳng giới trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động về bình đẳng giới để từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục những hạn chế, phát huy điểm mạnh và tham mưu các nội dung mới để nâng cao chất lượng triển khai các nội dung về bình đẳng giới.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hải Sơn, Nam Định:

Tôi muốn biết hiện nay, những ngành học nào đang thu hút phụ nữ và nam giới theo học ở các trường đại học trong nước?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bạn thân mến! Do định kiến giới và khuôn mẫu giới vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội nên công chúng vẫn quan niệm rằng nam giới phù hợp hơn với những ngành học thuộc khoa học tự nhiên như bách khoa, kiến trúc, xây dựng, công nghệ hàng không, kỹ thuật công nghiệp hay những ngành thuộc lực lượng vũ trang. Ngược lại, công chúng cho rằng những ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn như báo chí và truyền thông, ngoại ngữ, xã hội học, tâm lý học, quốc tế học hay sư phạm phù hợp hơn với nữ giới.

Do đó, trong thực tế, nam giới đang học nhiều hơn ở trong các trường thuộc khoa học tự nhiên và lực lượng vũ trang và nữ giới đang học nhiều hơn ở những trường sư phạm hay khoa học xã hội.

Ví dụ, Khoa báo chí và truyền thông thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 70% sinh viên là nữ hay Khoa Quốc tế học thuộc Đại học Thái Nguyên chỉ có 5% nam sinh. Nếu thực tế này vẫn tồn tại, vô hình chung dẫn đến mất cân bằng giới tính trong các ngành nghề, củng cố thêm định kiến giới về nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới, thậm chí một số ngành thiếu hụt nữ giới để hỗ trợ bản thân nữ giới như trong lực lượng vũ trang, vấn cần nữ giới để làm việc với những bị can, bị cáo hay tù nhân nữ. 

Bạn đọc

Bạn Trần Thị Hoa (tranhoa***@gmail.com):

Theo bà đâu là rào cản đối với các nữ nhà giáo trong phát triển nghề nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Theo tôi, một số rào cản đối với nữ nhà giáo hiện nay là:

- Trách nhiệm đối với gia đình, con cái
- Yêu cầu cao của xã hội, của phụ huynh
- Tác động từ cơ chế thị trường đến đời sống giáo viên, trong khi chế độ chính sách, lương và thu nhập còn chưa đáp ứng   
- Cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị trường học còn chưa đáp ứng yêu cầu; sư quan tâm, đánh giá, ghi nhận của lãnh đạo quản lý chưa đúng mức…
- Kỹ năng của một bộ phận giáo viên còn chưa cập nhật được với những yêu cầu của sự vận động biến đổi liên tục trong đời sống, khoa học và công nghệ…
- Một số quy định liên quan đến chế độ chính sách, việc làm, quy hoạch bổ nhiệm đối với nữ, nhất là nữ giáo viên còn bất cập…

Bạn đọc

Bạn menhimkem@...:

Xin thầy Nhâm cho biết, tại các trường phổ thông hiện nay, các vấn đề về giới, bình đẳng giới được có được lồng ghép trong chương trình hay môn học nào hay không? Cụ thể tại trường thầy, nội dung này được triển khai như thế nào tới các học sinh?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Giao lưu trực tuyến: Bình đẳng giới trong giáo dục ảnh 84

 

Cụ thể ở trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội): Nội dung về bình đẳng giới ở trường chúng tôi được lồng ghép ở nhiều bộ môn và hoạt động giáo dục. Ví dụ: môn GDCD, môn Ngữ Văn, môn Văn hóa đọc, môn GDQP; Các nội dung và hoạt động giáo dục: Kỹ năng sống, giá trị sống; các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa...

Học sinh được tiếp cận với nhiều nội dung về bình đẳng giới qua các giờ học ở các bộ môn cũng như các hoạt động giáo dục kể trên. Bên cạnh đó, những nội dung về bình đẳng giới còn thể hiện trong việc tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ hoặc nghe chuyên gia trao đổi về giáo dục giới tính, bình đẳng giới.

Bạn đọc

Bạn lehuyen***@gmail.com:

Bà có cho rằng, một số địa phương, đơn vị vẫn chưa làm tốt công tác bình đẳng giới trong ngành Giáo dục?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Đúng là vẫn còn có những hạn chế nhất định. Một số đơn vị chưa bám sát Kế hoạch chung của ngành theo Quyết định 4996/QĐ-BGD ĐT; Một số cán bộ quản lý, kể cả người đứng đầu đơn vị, trường học chưa thật sự quan tâm đến công tác BĐG và VSTBPN, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa dành nguồn lực thỏa đáng. Các đơn vị, đặc biệt là khối mầm non, phổ thông còn phụ thuộc vào việc chỉ đạo của Ban VSTBPN ở địa phương.

Vì vậy, việc triển khai công tác BĐG tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn. Đây đó vẫn còn có hiện tượng định kiến giới, chưa thực sự quan tâm, chú trọng, đề cao đối với vai trò của phụ nữ.

Một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đã có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống, việc làm, hiện tượng bạo lực đường, vi phạm danh dự, nhân phẩm đối với nữ nhà giáo, xâm hại đối với trẻ em; hiện tượng chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt đối với nữ giáo viên ở một số đơn vị, địa phương gây tâm tư lo lắng và khó khăn trong đời sống của đội ngũ nhà giáo.

Bạn đọc

Bạn Nguyệt Hà – Hải Phòng:

Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch này đưa ra 6 mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục. Với mục tiêu “tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học”, trường Phan Huy Chú đã thực hiện như thế nào và có gặp khó khăn gì không?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Nhìn chung là chúng tôi không gặp khó khăn gì khi thực hiện 6 mục tiêu trong kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Riêng mục tiêu “tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học” lại là mục tiêu thuận lợi nhất, bởi vì ở trường chúng tôi tỉ lệ người lao động là nữ chiếm 70%. Hiện nay trong Ban Giám hiệu có 2/3 là nữ; đội ngũ tổ trưởng bộ môn có 6/7 là nữ.

Bạn đọc

Bạn (halantuyengiao@...:

Bình đẳng giới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững của xã hội, là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia. Để góp phần thực hiện mục tiêu chung đó, theo ông, trong lĩnh vực giáo dục cần chú trọng vấn đề gì?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Theo tôi, để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần mạnh dạn trao quyền cho lao động nữ nắm những vị trí chủ chốt;

Thực hiện bình đẳng trong việc tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa người lao động nam và nữ.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đối với tất cả nhân sự trong đơn vị.

Bạn đọc

Bạn Đặng Thị Tuyết Anh, Hà Nội:

Vấn đề về giới đã được quan tâm nhiều năm nay. Tôi muốn hỏi Nhà nước đã và đang làm gì để thúc đẩy bình đẳng giới?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Quang cảnh buổi GLTT: Bình đẳng giới trong giáo dục
Quang cảnh buổi GLTT: Bình đẳng giới trong giáo dục

 

Hiện nay, các bước phân tích giới và lồng ghép giới được nhiều quốc gia đưa vào quy trình xây dựng luật pháp và chính sách cũng như phân bổ các nguồn lực công hay ngân sách nhà nước. Việt Nam cũng là một quốc gia trong số những quốc gia này. Việc phân tích và lồng ghép giới được đưa vào Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hay nguyên tắc công bằng trong đó có công bằng giới và dành ngân sách cho công tác bình đẳng giới hay bình đẳng giới là một trong những yêu cầu của lập dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Hay các chỉ tiêu giới cũng được đặt ra trong một số lĩnh vực như lãnh đạo và quản lý, giáo dục hay y tế. Kiểm toán giới chưa được thực hiện nhiều ở VIệt Nam nhưng đã được nhiều tổ chức trên thế giới thực hiện.

Nhà nước vẫn thường xuyên rà soát luật pháp, chính sách để bảo đảm không có nhạy cảm giới và cũng đang có lộ trình để sửa đổi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình để đáp ứng những yêu cầu mới trong hội nhập quốc tế và thực hiện những cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ. Việt Nam cũng tham gia đối thoại với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc để chia sẻ những thành tựu và những thách thức trong lĩnh vực này.

Bạn đọc

Bạn Đỗ Thị Phương Nga, tỉnh Quảng Bình:

Theo bà, thời gian qua, ngành Giáo dục có làm tốt công tác bình đẳng giới?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) của ngành Giáo dục tiếp tục được triển khai nghiêm túc. Nội dung này, được Ban VSTBPN ngành chỉ đạo tích cực Ban VSTBPN các cấp thực hiện, cùng với các nội dung chỉ đạo của Ban VSTBPN các địa phương.

Bộ đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 với 6 nhóm mục tiêu cụ thể; đồng thời triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình công tác liên quan tới hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, tham mưu với lãnh đạo Bộ rà soát kỹ các yếu tố về giới, không để có nội dung bất bình đẳng về giới trong các văn bản được ban hành theo thẩm quyền của Bộ hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; kể cả chương trình- SGK 2018 cũng đã được rà soát, xóa bỏ những nội dung, hình ảnh liên quan đến định kiến giới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn có các văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành, các quy định về quyền được học tập, được nâng cao trình độ; quyền tham gia học tập và đạt được bằng cấp, ở các vùng miền khác nhau, ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, loại hình, phương thức đào tạo đều không có sự phân biệt nam, nữ và được quy định ổn định, thống nhất ở tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GD-ĐT.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục còn được thể hiện rõ ở khía cạnh học sinh nam và nữ được hưởng như nhau về học bổng và các trợ cấp học tập khác. Các quy định về bình đẳng nam nữ về quyền được học tập được quy định ổn định và thống nhất ở tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục.

Các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành thông qua việc rà soát kỹ để không có nội dung phân biệt giới trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, hầu hết các đơn vị trường học trong toàn ngành đều đang triển khai kế hoạch bình đẳng giới của ngành.

Bạn đọc

Bạn bichhop7x@...:

Trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhà trường bố trí và phân bổ nhân sự tham gia theo nguyên tắc nào để đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng cho tất cả giáo viên?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Với trường chúng tôi, nếu hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trùng với các giờ giảng dạy thì không tính là giờ nghỉ mà vẫn coi như hoàn thành nhiệm vụ. Với giáo viên dạy thay sẽ được tính bồi dưỡng theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Bạn đọc

Bạn Thanh Thuỷ - Lai Châu:

Tôi là một đồng nghiệp miền núi, xin hỏi thầy Nhâm, nếu trong trường có nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì sẽ được hỗ trợ như thế nào?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Chào bạn, theo quy định, đối với giáo viên nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được giảm trừ định mức 3 tiết/tuần (với giáo viên trung học), 4 tiết/tuần với giáo viên tiểu học.

Không có quy định nào liên quan tới việc hỗ trợ giáo viên nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Tùy từng trường và kế hoạch, định hướng phát triển mà mỗi nhà trường sẽ đưa vào quy chế để hỗ trợ chung với cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn. Ở trường chúng tôi hiện đang thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ: hỗ trợ kinh phí hơn 2tr/tháng; tính thời gian đi học đưa vào thời gian định biên.

Bạn đọc

Bạn nguyetminh@...:

Trường tôi, tỷ lệ cán bộ giáo viên nữ chiếm đến 90%, vậy thầy Nhâm có thể gợi ý gì trong thực hiện bình đẳng giới ở những đơn vị có cơ cấu lao động “đặc thù” về giới như trường tôi?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Với các nhà trường, đặc biệt là từ cấp THPT trở xuống thì tỉ lệ lao động nữ chiếm tỉ lệ lớn hơn. Với trường mà tỉ lệ nữ chiếm 90% để thực hiện bình đẳng giới theo ý kiến cá nhân tôi nên thực hiện các giải pháp:

  • Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới trong cơ quan.
  • Mạnh dạn trao quyền cho cán bộ nữ nắm giữ những vị trí chủ chốt trong nhà trường.
  • Tổ chức các cuộc giao lưu, hội thảo giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường với vợ, chồng của cán bộ, giáo viên để gia đình và người thân của cán bộ giáo viên cũng được biết, hiểu, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và từ đó có những hành động, cách ứng xử ủng hộ luật bình đẳng giới.
Bạn đọc

Bạn Nhà giáo Liễu Anh Cường, HT Trường TH&THCS Hồng Ca 2, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái:

Vấn đề chống kì thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới được xem xét như thế nào trong lĩnh vực giáo dục?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW)

Bà Ngô Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW)

Trong lĩnh vực giáo dục và việc làm, nguyên tắc không kì thị phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và giới cũng như những cơ sở khác được quy định ở cả luật pháp và yêu cầu thực hiện trong thực tế. Nếu bình đẳng giới và không phân biệt đối xử trên cơ sở giới không được xem xét - sẽ hạn chế hay loại trừ nhiều nữ giới và kể cả nam giới tham gia một cách bình đẳng ở các cấp học và các ngành học, đặc biệt những ngành học được công chúng cho rằng chỉ phù hợp với con trai hay con gái, hay sẽ không dành cơ hội cho những em gái dân tộc thiểu số các cơ hội học ở bậc học cao hơn khi phải bỏ học ở cấp trung học để lấy chồng, sinh con hay chăm em bé.

Bạn đọc

Bạn Bích Hà – Phú Thọ:

Xin thầy cho biết, ở trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, lãnh đạo nhà trường thực hiện chủ trương bình đẳng giới thế nào trong công tác ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo giáo viên?
Thầy Hà Xuân Nhâm

Thầy Hà Xuân Nhâm

Chào bạn, ở trường chúng tôi, trong công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên không phân biệt về giới tính nên không có chủ trương về ưu tiên cho giáo viên nam cũng như giáo viên nữ. Chúng tôi chỉ chú trọng vào việc bồi dưỡng theo nhu cầu cá nhân, nhu cầu của nhà trường đáp ứng cho từng vị trí việc làm.

Bạn đọc

Bạn Nguyền Lan Hương, ĐHQG Hà Nội:

Tại sao bình đẳng giới lại được xem là quan trọng. Nó có ý nghĩa thế nào trong xã hội hiện đại?
Bà Ngô Thị Thu Hà

Bà Ngô Thị Thu Hà

BÌnh đẳng giới nói đến mối quan hệ bình đẳng giữa nam giới và nữ giới thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, xuất thân gia đình và xuất thân xã hội. Theo đó, dù ở độ tuổi nào hay có xuất thân như thế nào thì nữ giới và nam giới đều có giá trị như nhau và có vị thế bình đẳng. Bình đẳng giới được xem xét đến và lồng ghép vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội gồm dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và ở cấp độ gia đình. Tác động đến sự tự tin, tiến bộ của từng cá nhân dù mang giới tính nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.