Biên chế các đơn vị quân đội thời xưa

GD&TĐ - Thời nhà Đinh, sử viết đất nước có “mười đạo quân”. Thời kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi viết “Lúc Khôi Huyện quân không một lữ”.

Vậy một lữ thời đó có bao nhiêu quân?

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 2 năm Thái Bình thứ 5, đời vua Lê Đại Hành (975), nhà vua Đinh 10 đạo quân trong cả nước: “Mỗi đạo là 10 quân, mỗi quân là 10 lữ, mỗi lữ là 10 tốt, mỗi tốt là 10 ngũ, mỗi ngũ là 10 người”. Lê Hoàn được phong chức Thập đạo tướng quân, chỉ huy toàn bộ quân đội.

Bình luận về chuyện này, sử gia thời Lê trung hưng Ngô Thì Sĩ cho rằng: “Xét quy chế quân lữ này, thì mỗi lữ có 1.000 người, mỗi quân có tới 10.000 người”. Như vậy, câu văn trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cho biết lúc ở Khôi Huyện, quân của Bình Định vương Lê Lợi chưa đủ 1.000 người.

Mặc dù vậy, Ngô Thì Sĩ nghi ngờ tính xác thực của đoạn sử này, vì nếu thế, tổng số quân của 10 đạo thời Tiền Lê lên tới 100 vạn, tức 1 triệu quân. Ông phân tích: “Số cơm áo 100 vạn người ấy tất phải phiền đến mấy ức vạn (đơn vị đo lường cũ) người cung cấp, thì dân lực trong nước lấy gì mà cung đủ được? Có lẽ bấy giờ binh và nông chưa chia nhau, còn là khi có việc thì gọi ra, khi xong việc lại giải tán về đồng ruộng, hoặc giả như cách kén binh ở tứ trấn ngày nay (tức thời Lê), chỉ có số ngạch biên ở số mà thôi”.

Theo sách “Binh chế chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, thời Lý, đơn vị thấp nhất của quân đội là giáp, mỗi giáp là 15 người, đặt một người làm quản giáp. Trong kinh thành, đặt 10 vệ điện tiền cấm quân.

Ngô Thì Sĩ chú giải: “Binh chế buổi đầu nhà Lý, đại lược bắt chước phép phủ vệ của nhà Đường và phép “cấm - sương” của nhà Tống, lấy thân quân làm trọng, cũng gọi là cấm quân. Cấm vệ có 10 quân, mỗi quân có 200 người, đều có tả vệ và hữu vệ, phải túc trực thường xuyên bên cạnh vua. Lại có 9 quân, như sương quân (quân canh giữ các cửa thành, không như quân cấm vệ), để sai khiến mọi việc, mỗi tháng đến phiên một lần”.

Thời Trần, quân đội cũng được chia thành các vệ, đến đời Trần Thánh Tông, năm 1267, định lại quân ngũ, lấy mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người. Như vậy, một quân có 2.400 người. Sau, các vua Trần đặt ở các địa phương, mỗi lộ (như tỉnh ngày nay) 20 đô Phong đoàn để bắt trộm cướp.

Thời nhà Hồ, quân đội lại lấy theo cấp bội số của 18, gồm mỗi đội 18 người, 18 đội là một vệ, đại quân gồm 30 đội, trung quân gồm 20 đội, dinh gồm 15 đội, đoàn gồm 10 đội, cấm vệ đô gồm 5 đội.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Đầu thời Hậu Lê, đất nước chia thành 5 đạo Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây, quân đội chia làm quân Cấm vệ ở kinh thành và quân ở 5 đạo. Quân Cấm vệ được tổ chức thành các quân, có 11 quân, gồm 6 quân Ngự tiền bảo vệ vua và 5 quân Thiết đột bảo vệ kinh thành và cơ động chiến đấu. Ngoài ra còn một số vệ, đội thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh.

Quân ở các đạo cũng được tổ chức thành các vệ. Mỗi đạo được biên chế từ 5 - 6 vệ. Mỗi vệ gồm 5 sở, mỗi sở có 20 đội, mỗi đội có 20 người. Như vậy, mỗi đạo theo biên chế này có số quân khoảng 10 - 20 nghìn người. Quân của các đạo đặt dưới quyền chỉ huy của quan Tổng quản.

Thời kỳ này, nhà Lê thi hành một chính sách luân phiên binh lính ở các đạo làm nhiệm vụ “trực chiến”. Các đạo luân phiên thường trực, 5 đạo chia thành 5 phiên, 1 phiên trực còn 4 phiên tham gia sản xuất tại địa phương.

Đến thời Lê Thánh Tông có nhiều cải cách về tổ chức hành chính và quân đội. Năm 1466, nhà vua đặt ra chức Ngũ phủ quân để thống nhất chỉ huy quân đội ở 5 đạo trong cả nước. Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông tổ chức lại các đơn vị hành chính, chia toàn quốc ra làm 13 đạo thay vì 5 đạo trước đó.

Quân đội tổ chức thống nhất trong toàn quân thời kỳ này gồm các vệ. Quân Cấm vệ ở kinh đô, được biên chế dưới vệ có các ty, còn ở 13 đạo (thường mỗi đạo có 1 vệ) có các sở Thiên hộ và Bách hộ, với quân số khoảng 5 - 6 nghìn người. Một số đạo do vị trí địa lý và có tầm quan trọng hơn các địa phương khác được tổ chức lực lượng Giang hải tuần kiểm. Quân ở các đạo do ty Đô quản lý dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng binh sứ.

“Binh chế chí” viết rằng thời Lê Thánh Tông: “Đại ước 5.600 người làm một vệ, 2.120 người làm một sở thiên hộ, 120 người làm một sở bách hộ”.

Đầu thời Lê trung hưng, quân đội được chia làm năm dinh khuông mang tên Trung khuông, Tả hữu khuông, Tiền hậu khuông, dưới dinh là cơ, đội. Đến thời Lê Dụ Tông, năm 1722, đặt quân đội làm 6 dinh như các dinh Trung dực, Trung uy, mỗi dinh có 800 quân.

Thời Nguyễn, năm Gia Long năm thứ 5 (1806), triều đình định ngạch cho các quân thủy bộ trong ngoài. Theo đó, quân đội chia thành vệ, đội, thập.

Sử nhà Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục” cho biết: Các vệ Thị trung, mỗi vệ 600 người, có một vệ úy và một phó vệ úy; mỗi vệ 5 đội, mỗi đội 120 người, có một cai đội và một phó đội; đội chia 8 thập, mỗi thập 15 người, có một đội trưởng và một suất thập.

Các thuyền Trung hầu mỗi thuyền 60 người, có một cai đội. Các đội Uy chấn mỗi đội 60 người, có một cai đội, mỗi thuyền đội đều 4 thập, mỗi thập 15 người, có một đội trưởng và một suất thập.

Vệ Nội trực, vệ Phấn dực, Nội thủy, các vệ quân Thần sách, mỗi vệ 600 người, có một vệ úy và một phó vệ úy, mỗi vệ 10 đội, mỗi đội 60 người, có một cai đội, mỗi đội 4 thập, mỗi thập 15 người, có một đội trưởng và một suất thập.

Các vệ cơ ở các quân, mỗi vệ 500 người, có một vệ úy và một phó vệ úy, mỗi cơ 500 người, có một quản cơ và một phó quản cơ; vệ cơ đều 10 đội, đội 50 người, có một cai đội; mỗi đội 4 thập, mỗi thập 12 người, có một đội trưởng và một suất thập.

Còn với Thủy quân, lớn nhất là cơ, mỗi cơ 600 người, có một quản cơ và một phó quản cơ; mỗi cơ 10 đội, mỗi đội 60 người, có một cai đội; mỗi đội 4 thập, mỗi thập 15 người, có một đội trưởng và một suất thập.

Tượng binh triều Nguyễn cũng đặt theo đơn vị là vệ và cơ, phân bố đều ở kinh thành và các tỉnh, mỗi cơ từ 20 - 40 con voi chiến cùng lính tượng binh, quản tượng, phu phục dịch, thú y... tương ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.