Thưởng công bằng vẽ tranh thời xưa

GD&TĐ - Thời xưa, khi bề tôi có công, nhà vua thường ban thưởng bằng cách phong tước, thăng chức, thưởng đất, tặng tiền, vàng bạc hay các đồ vật quý.

Thái miếu nơi phối thờ các công thần nhà Nguyễn. Ảnh: ITN.
Thái miếu nơi phối thờ các công thần nhà Nguyễn. Ảnh: ITN.

Ngoài ra, còn có một hình thức khen thưởng nữa là vẽ tranh chân dung.

Điều này đã được thực hiện ở Trung Quốc, như vào thời nhà Đường, năm 643, vua Đường Thái Tông đã sai họa sĩ vẽ tranh chân dung 24 vị công thần khai quốc (nhị thập tứ công thần đồ) treo ở Lăng Yên các.

Ở nước ta, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, triều đình nhà Trần cũng tiến hành ghi công các công thần theo cách này.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), vua Trần Nhân Tông định các công thần (đánh Nguyên) lần trước và lần sau. Người nào xông lên trước phá trận giặc, lập kỳ công thì chép vào tập Trung hưng thực lục lại sai vẽ hình”.

Tuy nhiên sau này, đất nước lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhất là 20 năm chịu ách đô hộ của quân Minh, nên sử sách, văn tịch bị mất mát gần hết, những bức tranh cũng không còn lại cái nào.

Ngoài chiến công chống giặc, những vị quan trong triều có thành tích cũng được nhận hình thức ban thưởng này. Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì vị Đại hành khiển, thượng thư tả bộc xạ Trần Bang Cẩn “là người tin thực, giữ gìn, giản dị, điềm tĩnh, không xa hoa”, nên vào năm Khai Thái thứ nhất (1324) được vua Trần Minh Tông ban cho bức tranh vẽ và bài thơ khen rằng:

Hình dung cốt cách nại đông hàn,

Tướng mạo đình đình diệc khả khan.

Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,

Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan.

Dịch nghĩa:

Cốt cách dáng hình chịu rét đông,

Hiên ngang tướng mạo thực nên trông.

Phong lưu mọi vẻ đều nên cả,

Vẽ sao canh cánh tấm lòng trung.

Theo lời thơ của nhà vua ngự ban thì bức tranh chính là vẽ chân dung của Trần Bang Cẩn, tả rõ từ tướng mạo đến “hình dung cốt cách” của vị Đại hành khiển.

Hoặc cũng thời Trần Minh Tông, có viên Trung thư thị lang tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc là người bề tôi giỏi. Trước khi mất, Thượng hoàng Trần Anh Tông dặn lại vua Minh Tông rằng: “Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính, thận trọng, giữ gìn, học thức khả quan, nên đãi ngộ cho khéo, chớ để bị người ta ngăn trở”.

Vua Trần Minh Tông nghe lời cha dặn, đã sai vẽ chân dung Bùi Mộc Đạc cất ở nhà sách, có ý định dùng ông vào chức to, nhưng chưa kịp thăng chức thì ông qua đời vào tháng 3 năm Khai Thái thứ 3 (1326). Nhưng việc thăng chức của nhà vua như vậy là quá chậm, vì lúc mất, Bùi Mộc Đạc đã 62 tuổi rồi.

Bùi Mộc Đạc nguyên là họ Phí, tên là Mộc Lạc, là người có tài năng, nên từ thời trước, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã đổi cho ông sang họ Bùi, vì lẽ “họ Phí xưa không có nghe”, đồng thời cho rằng tên Mộc Lạc (cây đổ) có ý không tốt, nên đổi tên ông thành Mộc Đạc, và bổ cho ông chức Chi hậu bạ thư chánh chưởng, phụng thị cung Thánh Từ (như là Chánh văn phòng của Thượng hoàng). “Toàn thư” cho biết, sau đó, nhiều người họ Phí vì hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc, đã đổi sang thành họ Bùi.

Cuối thời Trần, vào năm Quang Thái thứ 7 (1394), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông muốn nhắc Hồ Quý Ly phò giúp con mình là Trần Thuận Tông, đã sai thợ vẽ tranh Chu Công giúp Thành Vương, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hậu chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông, gọi là tranh “Tứ phụ” (bốn người giúp vua còn nhỏ), ban cho Quý Ly, mong rằng ông sẽ giúp quan gia (Trần Thuận Tông) cũng được như các vị đó.

Hồ Quý Ly nhận tranh, thậm chí sau đó lúc Thượng hoàng dặn rằng: “Sau khi ta chết rồi, quan gia đáng giúp thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối thì ngươi tự lấy lấy nước”, ông còn bỏ mũ rạp đầu khóc để tạ ơn, chỉ trời vạch đất thề rằng: “Thần không dốc lòng trung hết sức giúp quan gia để truyền đến con cháu thì về sau trời hại thần”. Nhưng chỉ vài năm sau, Hồ Quý Ly phế vua Trần, tự lập làm vua.

Thời Lê sơ, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, với 93 công thần hàng đầu, sử viết vua Lê Thái Tổ chỉ “ban biển ngạch công thần”, phong tước và cấp đất cho họ, chứ không nói vẽ tranh để treo.

Đặc biệt, theo hình luật thời Lê thì triều đình nghiêm cấm nhân dân vẽ và giữ chân dung hoàng đế. Theo Điều 118 bộ “Quốc triều Hình luật” (còn gọi là luật Hồng Đức), Chương “Vi cấm”, quy định rằng: “Người nào vẽ và cất giấu những chân dung các vua và hoàng hậu bản triều, thì xử phạt 50 roi, biếm một tư (tức hạ một bậc trong ngạch quan lại, được tích lũy 3 - 4 “tư” sẽ được thăng một cấp, còn bị biếm cũng ngược lại)”.

Thời Nguyễn, cũng không ghi việc vẽ hình các công thần, mà chỉ thấy sử sách ghi danh giá nhất, là được cho phối thờ trong Thái miếu, như các danh tướng Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh (Kính), Võ Tánh, Ngô Tòng Chu.

Sang đến năm Gia Long thứ 17 (1818), triều Nguyễn định thứ vị những công thần khai quốc, công thần trung tiết và công thần trung hưng.

Lúc đó, công thần khai quốc của triều Nguyễn được xác định gồm 4 người gồm Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Cảnh. Công thần trung tiết 114 người, gồm Nguyễn Hữu Thụy, Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn, Tống Phước Hợp trở xuống. Công thần trung hưng là 258 người, gồm Tôn Thất Mân, Võ Tánh, Tôn Thất Huy, Ngô Tòng Chu, Chu Văn Tiếp trở xuống.

Hệ thống các miếu thờ công thần triều Nguyễn gồm miếu Khai quốc công thần ở bên trái miếu Trung hưng công thần, miếu Trung tiết công thần ở bên trái phía sau miếu Khai quốc công thần.

Sử nhà Nguyễn viết, khi vua Minh Mạng mới lên ngôi, để thể hiện tôn trọng các công thần đã lệnh “đặt miếu phu các miếu này” (lấy 20 người dân hai xã Thiên Lộc, Vĩ Dã làm miếu phu), chế tạo đồ thờ, hàng năm mùa Xuân mùa Thu sau ngày tế Mậu (tế Thái công ở Võ miếu) đến ngày Giáp thì tế.

Ngoài ra, còn có Tả Tùng Tự bên cạnh Thế Miếu, là nơi thờ tự các công thần quan trọng nhất của triều Nguyễn, hay Hiển Lâm Các - đài kỷ niệm ghi nhớ công trạng của các vị vua và các quan đại thần có công lớn của triều đại nhà Nguyễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

100 Mẫu Tranh Dán Tường đẹp 2025