Ngoài ra, thời Lê, nếu binh lính tử trận, gia đình cũng sẽ được cấp ruộng.
Theo cuốn “Binh chế chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, vào đời vua Lê Thần Tông, năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), triều đình vua Lê, chúa Trịnh định lệnh truy tặng và ân tuất cho tướng sĩ trận vong như sau: Phàm chánh đội trưởng hoặc đội trưởng các doanh các cơ, đi đánh giặc bị chết trận, thì cai đội được gia tặng hàm tả hiệu điểm và cấp cho 20 mẫu ruộng công; chánh đội trưởng và đội trưởng được gia tặng hàm hữu hiệu điểm và cấp cho 15 mẫu ruộng công; binh đinh được cấp 5 mẫu và miễn dao dịch cho con họ; nếu người nào chưa có con thì cho một người cháu thân nhất được miễn dao dịch.
Đến năm 1707, đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương cho định lại lệnh truy tặng và ân tuất cho tướng sĩ bị chết trận. Theo bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì: “Từ lúc trung hưng đến nay, chưa định thể lệ truy tặng và ân tuất cho tướng sĩ bị chết trận. Đến nay bàn định: Cai đội và đội trưởng chết trận, được truy tặng cho hàm hiệu điểm và được cấp ruộng; binh đinh bị chết trận, chỉ được cấp ruộng và tha dao dịch cho con của họ”. Tuy nhiên, số ruộng cấp cho mỗi cấp binh sĩ bao nhiêu thì bộ sử này không ghi rõ.
Sang thời Nguyễn, các ghi chép về việc cấp chế độ tử tuất cho binh sĩ chỉ thấy cấp tiền, chứ không còn cấp ruộng nữa. Như năm Gia Long thứ nhất (1802), bộ sử “Đại Nam thực lục” viết về việc “Ban tiền tuất cho các tướng sĩ chết bệnh và chết trận. Phàm những người đem hài cốt về táng (ở làng) thì quan địa phương phải theo lệ mà cấp tiền tuất cho gia đình.
Hoặc năm Gia Long thứ 2 (1803), bộ sử này ghi “Ưu tuất những biền binh bị nạn bão. Mùa Thu năm ngoái những biền binh các vệ Thần sách làm việc vận tải đường biển từ Bắc Thành đến Thanh Hoa, gặp bão, chết đuối hơn 500 người. Đốc trấn Tôn Thất Chương tâu lên. Vua thương xót, hạ lệnh cấp tuất như đối với binh chết trận (vệ úy tiền tuất 100 quan, phó vệ úy 50 quan, cai đội 30 quan, còn thì theo thứ bực mà giảm dần). Lại sai đặt đàn ở chùa Thiên Mụ để tế.
Thời vua Minh Mạng, các ghi chép về đánh dẹp thổ phỉ ở vùng rừng núi Tây Bắc cho thấy, binh sĩ tử trận được cấp tiền tuất là 10 lạng bạc.
Ngoài ra, thời xưa, các danh tướng, tử sĩ chết trận đều được vua lập đền thờ. Như vua Gia Long, khi còn ở Gia Định, năm 1792 đã cho lập đền Hiển Trung và dụ bề tôi rằng: “Hỡi các thần liêu văn võ và tướng sĩ các dinh, trong khoảng trước sau 14 năm kia, ai có thể nhớ được ai đánh trận nào, ai chết về việc gì, không kể thân quyến bộ khúc, bè bạn cố cựu, cho được cứ thực ghi hết đưa lên bộ để bàn bao tặng, liệt thờ ở đền Hiển Trung, ngõ hầu nêu được thịnh điểm nhớ công”.
Trước khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã lại lập đàn ở chùa Thiên Mụ để “tế khắp cả các tướng sĩ chết trận”, điều này từng được thực hiện rất nhiều lần dưới thời các chúa Nguyễn, đặc biệt trong lễ Vu Lan. Mùa Hạ năm sau, nhà vua lại cho lập đàn ở chùa Hà Khê để tế tướng sĩ trận vong. Sử chép rằng “Vua đến xem lễ, sai lễ thần đọc sắc tặng ở đàn, người nghe không ai là không cảm kích”.
Những trận chiến lớn, binh sĩ tử trận nhiều, các triều đình phong kiến đều xây đền thờ để tưởng nhớ. Như vua Gia Long sau khi lên ngôi, nhớ về chiến dịch Diên Khánh (Khánh Hòa ngày nay) năm Ất Mão (1795), tướng sĩ có nhiều người chết trận và ốm chết, nên đã sai lập đền ở núi Hà La để thờ cúng, gọi là đền Tinh Trung, hằng năm mùa Xuân, mùa Thu cúng tế, đặt 20 người từ phu và một người tự thừa.
Trong đền thờ các tướng trận vong như Tiền quân Vũ Văn An, Nguyễn Lân, Tống Phước Đắc… tất cả 10 người. Hai bên tả hữu liệt thờ (dự thờ) những người lính trận vong 141 người, cùng 250 người lính chết vì bệnh tật.
Thời vua Minh Mạng, vào năm thứ 2 (1821) khi nhà vua Bắc tuần để làm lễ bang giao với nhà Thanh, khi ra đến Quảng Bình, đã lập đàn tế tướng sĩ trận vong cả hai miền Nam Bắc (đàn phía Nam sông Gianh tế tướng sĩ của các chúa Nguyễn; đàn Bắc tế tướng sĩ quân miền Bắc – tức quân của các vua Lê, chúa Trịnh).
Theo “Đại Nam thực lục”, nhà vua dụ rằng: “Khi các thánh mới bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là chiến địa, là chỗ vùi ngọc của các tướng sĩ vì nước bỏ mình. Người Bắc chống nhau với ta, không khỏi không bị đâm chém, nhưng đều vì chúa mà bỏ mình thôi. Nhìn lại dấu cũ, bỗng lòng cảm thương. Vậy sai dinh thần đặt hai đàn tế Nam Bắc, mà đàn Nam lễ thì phẩm hậu hơn để tỏ hơn kém”. Sau đó vua sai Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khâm mạng đến tế.
Việc lập bia đá tưởng niệm các chiến sĩ trận vong cũng được tiến hành từ thời Nguyễn. Như đầu thời vua Minh Mạng, vùng ven biển (Hải Phòng ngày nay) có thổ phỉ quấy rối, quan quân đi đánh bị tử mạng nhiều người. Sau khi dẹp yên giặc, vua nghĩ đến trận Cổ Trai (nay là huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), dụ bộ Lễ rằng: “Ngày nọ thổ phỉ quấy rối, bọn Ngô Văn Thành, Nguyễn Văn Lô quân đơn không có viện mà đã giữa nguy liều chết, đến nỗi cả xác lẫn hồn tan theo sóng gió, khiến ta bội phần thương xót.
Vậy hạ lệnh cho quan địa phương biện lễ tam sinh và tiền giấy, do thành phái một viên Thị lang đến bên sông cho tế một đàn. Lại xây mộ giả ở đấy, chính giữa là mộ Ngô Văn Thành, đằng trước về bên tả là mộ Nguyễn Văn Lô, đều xây bằng vôi gạch, còn 80 biền binh thì chia đắp mộ đất ở hai bên. Lại dựng một cái kệ đá khắc mấy chữ “Trận vong tướng sĩ chi mộ”. Ngày làm xong lại làm lễ chiêu hồn cho yên vong linh”.