Bi hài cảnh "đồ thiết kế tiền triệu" bị đổ đống ngoài chợ

Thời gian gần đây, làng thời trang Việt chứng kiến sự bùng nổ của đồ thiết kế. Song hành cùng danh tiếng của các nhà thiết kế là những câu chuyện “cười ra nước mắt” vì đạo nhái.

Bi hài cảnh "đồ thiết kế tiền triệu" bị đổ đống ngoài chợ

Trên trang Facebook cá nhân, nhà thiết kế (NTK) Chung Thanh Phong vừa đăng tải dòng tâm sự dài. Anh viết rằng “không biết nên vui hay buồn”. Câu chuyện bắt đầu khi anh vô tình bước ra chợ vải, và được nhiều người đon đả đón chào với lời mời.

“Em ơi, bên chị có đầy đủ ren Chung Thanh Phong nè em, Chung Thanh Phong sọc, Chung Thanh Phong kim sa và Chung Thanh Phong phối lưới... Chị có đủ hết”.

Chưa dừng lại ở đó, người bán này còn vô tư khẳng định cô chính là “đầu mối” cung cấp nguồn vải cho Chung Thanh Phong, đồng thời “khuyến khích”: “Em mua đi, nửa năm nay ren Chung Thanh Phong hot nhất thị trường đó em, lên mẫu nào cháy hàng mẫu đó”.

Bi hai canh

NTK Chung Thanh Phong chia sẻ câu chuyện bị đạo nhái mẫu mã trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình.

Chia sẻ với các bạn bè, NTK sinh năm 1988 cho biết trong cả năm qua, anh luôn là nạn nhân của nhiều chiêu trò đạo nhái trắng trợn. Từ việc bảng hiệu “Ren Chung Thanh Phong” xuất hiện khắp nơi đến các shop online bán đồ đạo nhái, những thiết kế của anh đã xuất hiện tràn ngập trên thị trường với chất lượng và giá thành không đảm bảo.

Trước thực trạng trên, NTK “ren đối xứng” chia sẻ cảm xúc lẫn lộn. Anh tâm sự mình cảm thấy vui vì các thiết kế của mình trở nên nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng, nhưng vẫn buồn vì công sức bao năm bị nhiều người “hạ giá” rẻ mạt.

Đồ thiết kế có giá "trăm rưỡi, trăm bảy"

Tuy nhiên, Chung Thanh Phong không phải là nạn nhân duy nhất của hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó” trong làng thời trang. Chia sẻ với Zing.vn, các NTK hàng đầu Việt Nam như Đỗ Mạnh Cường và Đỗ Long cho biết họ đã “quá quen” với việc sản phẩm tâm huyết của mình bị đem ra đạo nhái.

“Vài năm nay, sản phẩm của tôi đều bị làm nhái. Tôi cứ ra mẫu vải nào thì ở các chợ vải xuất hiện kiểu y hệt. Không chỉ có vậy, nhiều shop đồ online hay làm lại các thiết kế của tôi rồi bán, tất nhiên là với mức giá bằng 1/10”, Đỗ Mạnh Cường bức xúc.

Bi hai canh

Chiếc đầm thiết kế của Lamy được bán với giá 3.800.000 đồng. Ảnh: Facebook Lamy Design.

Bi hai canh

Ngay sau đó, hàng loạt sản phẩm nhái lại mẫu đầm trên đã được tung ra thị trường với giá 250.000 đồng. Ảnh: Instagram.

Tương tự như vậy, NTK Đỗ Long cũng cho biết tuy sản phẩm của anh rất đặc trưng với chi tiết đính kết cầu kỳ, cao cấp, song vẫn bị nhiều chủ shop làm lại và bày bán công khai trên đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thượng Hiền, ngay cạnh cửa hàng thời trang do anh sáng lập.

Trắng trợn hơn, họ còn dùng chính hình ảnh và tên tuổi nhà thiết kế trong chiến dịch quảng bá để bán được sản phẩm. Khi nhắc đến chuyện này, Đỗ Long cười buồn cho biết: “Tất nhiên là họ làm thế rồi, nếu không còn ai mua sản phẩm của họ nữa!”

Dẫu vậy, anh cũng khẳng định các sản phẩm nhái trên không thể so sánh được với sản phẩm gốc về độ tinh xảo, chính xác, vì "từng món đồ thiết kế đều là kết tinh của chất xám, công sức cùng thời gian và tiền bạc mà tôi cùng ê kíp đã bỏ ra thực hiện".

Bi hai canh

Một mẫu đầm của NTK Lâm Gia Khang...

Bi hai canh

...cũng được bày bán công khai trên Instagram. Chủ shop thậm chí còn để hashtag #lamgiakhang như gián tiếp khẳng định đây chính là mẫu đầm đắt đỏ của NTK nổi tiếng.

"Ngậm bồ hòn làm ngọt"

Thực trạng trên chủ yếu diễn ra ở phân khúc thị trường thời trang bình dân, vì như Đỗ Mạnh Cường đã nói, phần lớn người tiêu dùng bình thường không có đủ tiền mua đồ từ các nhà thiết kế.

Thị trường này chủ yếu tập trung ở các sạp hàng ngoài chợ, các shop online, hay những cửa hàng thời trang nhỏ lẻ không được đầu tư thích đáng. “Những người làm ra các sản phẩm nhái thường không phải nhà thiết kế, mà chỉ là các chủ các shop đồ bình thường thôi. Nhà thiết kế thật sự sẽ không bao giờ làm vậy”, Đỗ Long nhấn mạnh.

Hiện tượng “hàng giả, hàng nhái” này làm ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thiết kế Việt Nam, nhất là khi mỗi năm họ chỉ làm ra một vài bộ sưu tập với số lượng sản phẩm hạn chế.

Bi hai canh

Các cừa hàng này thậm chí còn lấy chính hình ảnh quảng bá sản phẩm của các nhà thiết kế để bán hàng nhái với mức giá rẻ mạt. Ảnh: Instagram.

Đề cập đến việc này, Đỗ Long cho biết ban đầu anh cũng cảm thấy khó chịu, song “lâu dần cũng quen”, vì có quá nhiều sản phẩm nhái như thế xuất hiện. Ngay cả khi chúng xuất hiện ngay gần cửa hiệu của bản thân, anh vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không thể giải quyết vấn đề.

Tương tự như vậy, Chung Thanh Phong cũng cho biết anh không khỏi cảm thấy khó chịu và bực bội vì sản phẩm công sức bỗng hóa ra rẻ mạt. Tuy nhiên, anh vẫn ngậm ngùi chấp nhận thực trạng trên, do “có nói ra cũng chẳng giải quyết được gì vì thị trường ngày nay là vậy”.

Song, trong “tâm thư” gửi đến những người cả gan đạo nhái, Chung Thanh Phong nhắn nhủ: “Có nhái mẫu, kinh doanh, kiếm tiền thì làm ơn đừng bất chấp mọi thủ đoạn, đừng lấy hình của mình vô tội vạ nữa. Kinh doanh hay làm điều gì cũng nên lành mạnh và có tâm một chút mới lâu dài, bền vững”.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...