Bệnh hưng - trầm cảm

GD&TĐ - Một người bình thường có các trạng thái cảm xúc như hỷ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), ái (yêu), ố (ghét), lạc (vui), dục (ham muốn).

Minh họa/ITN
Minh họa/ITN

Một người bình thường có các trạng thái cảm xúc như hỷ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), ái (yêu), ố (ghét), lạc (vui), dục (ham muốn). Những trạng thái cảm xúc này được phân định theo hoàn cảnh và thời điểm.

Nhưng ở những người “có vấn đề” thì trạng thái cảm xúc của họ lại rơi vào sự lẫn lộn giữa hai dòng cảm xúc hưng cảm và trầm cảm.

Loại trạng thái tâm thần kinh này không phụ thuộc vào thời điểm và hoàn cảnh mà thay đổi một cách bất thường đến không ngờ... Trong y học, các nhà chuyên môn gọi đó là rối loạn lưỡng cực, còn gọi là bệnh hưng - trầm cảm.

“Thời tiết” tâm thần

Rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) hay bệnh hưng - trầm cảm (manic depression) là tình trạng “thời tiết” tâm thần thay đổi một cách đột ngột, quá mức phổ biến của những người bình thường.

Người bệnh đột nhiên gia tăng trạng thái vui mừng, hưng phấn, tăng động và kích động (hưng cảm) hoặc buồn rầu, chán nản, sầu đau và tuyệt vọng (trầm cảm).

Nếu trạng thái hưng cảm mang đến cho họ sự lạc quan, tràn đầy năng lượng bao nhiêu thì trạng thái trầm cảm làm cho họ bi quan và tiêu tan hết năng lượng bấy nhiêu.

Tình trạng đột ngột thay đổi tâm lý này của người bệnh có thể gặp một vài lần trong năm ở trường hợp bệnh nhẹ và nhiều lần trong tháng và thậm chí trong tuần, trong ngày ở các trường hợp bệnh nặng và rất nặng.

Mặc dù sự rối loạn hưng - trầm cảm đã được phát hiện từ lâu, nhưng cho đến hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn còn nằm sau bức màn bí mật.

Các nhà nghiên cứu chỉ mới đưa ra nhận định: Các tình trạng tâm thần bất ổn, sự hưng cảm hay trầm cảm có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố xã hội như áp lực học hành, công việc, sự trục trặc các mối quan hệ trong và ngoài gia đình.

Ngoài ra, còn có thể do tình trạng nghiện ngập bia rượu hoặc do dùng một số thuốc điều trị, dùng thuốc quá liều, sai mục đích và sai chỉ định. Các chuyên gia cũng đưa ra một số yếu tố nguy cơ như: Người trên 30 tuổi; tinh thần luôn bị căng thẳng và kéo dài; nghiện ma túy và bia rượu; tiền sử gia đình có người bị rối loạn lưỡng cực hay mắc các bệnh tâm thần khác.

Người đang trong trạng thái hưng cảm thường thấy các biểu hiện sau:

- Vui vẻ hơn, nói nhiều hơn và hạnh phúc hơn.

- Cảm giác tràn đầy năng lượng, tăng ham muốn tình dục.

- Ăn uống nhiều hơn và ngủ ít hơn.

- Suy nghĩ tích cực hơn và hoạt động nhiều hơn.

- Các biểu hiện hân hoan, phấn khích không phù hợp hoàn cảnh.

- Giảm khả năng phán xét và lúng túng khi đưa ra quyết định.

- Một số trường hợp còn nghe giọng nói lạ hoặc bị ảo giác.

Còn biểu hiện thường thấy của người đang trong trạng thái trầm cảm gồm:

- Cảm giác uể oải, buồn chán và tẻ nhạt.

- Biểu hiện bi quan và mặc cảm tự ti về bản thân.

- Ăn uống ít hơn, rối loạn giấc ngủ.

- Sầu đau, than khóc không rõ lí do.

- Suy nghĩ tiêu cực, lười hoạt động, lười vận động.

- Không thích các hoạt động xã hội và giao tiếp với cộng đồng.

- Ám ảnh về cái chết và sự tự sát.

Nhìn chung, sự rối loạn lưỡng cực hay sự rối loạn hưng cảm, trầm cảm xảy ra mang tính chu kỳ. Sự mất kiểm soát của người bệnh, người nhà và những người xung quanh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng khó lường.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Hướng điều trị

Việc xác định chẩn đoán thuộc về các bác sĩ chuyên khoa bệnh tâm thần kinh. Người bệnh được thăm khám và đánh giá toàn diện. Một số xét nghiệm hoặc các phương pháp cận lâm sàng khác được chỉ định để loại trừ hoặc gia tăng bằng chứng để xác định chẩn đoán.

Điều đáng tiếc là người bị rối loạn lưỡng cực không thể chữa khỏi hoàn toàn như các bệnh khác. Thuốc men và các biện pháp tâm lý khác chỉ có tác dụng giúp cho người bệnh giảm nhẹ các biểu hiện bệnh, kiểm soát được hành vi, tái lập sự cân bằng giữa các trạng thái cảm xúc.

Người mắc bệnh hưng - trầm cảm thường phải dùng thuốc dài hạn và cũng được theo dõi dài hạn. Nói chung, họ cần được “kiểm soát” suốt đời. Sự phối hợp giữa các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh và bác sĩ tâm lý là rất cần thiết cho nhiều trường hợp để đạt được kết quả điều trị tốt nhất cho người bị rối loạn lưỡng cực. Bản thân người bệnh và gia đình cần lưu ý chế độ sinh hoạt phù hợp như:

- Tuân thủ sự chỉ định về thuốc và các lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.

- Không tự ti mặc cảm giấu mình khỏi các mối quan hệ xã hội và gia đình.

- Ngủ đủ thời gian trong ngày và ngủ đúng giờ theo lịch cố định.

- Tránh sử dụng các loại nước và các loại thuốc kích thích như bia, rượu và thuốc có chất gây nghiện (heroin, ma túy tổng hợp, thuốc lắc...).

- Đặc biệt, thông báo ngay cho bác sĩ, người thân hoặc bạn bè sự ám ảnh tự sát.

Lời khuyên: Một người cần đi khám chuyên khoa tâm thần kinh ngay nếu bản thân cảm thấy hoặc người khác nhận xét là quá hưng phấn, quá tăng động, rối loạn giấc ngủ, buồn vui bất thường và tác dụng phụ của thuốc làm cho trạng thái cảm xúc thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ