Hơn 10 nghìn giáo viên Nhật Bản mắc bệnh tâm thần

GD&TĐ - Bộ trưởng Giáo dục Keiko Nagaoka nhận định các biện pháp cải cách điều kiện việc làm cho giáo viên đã đạt được những tiến bộ nhất định.

Giáo viên Nhật Bản phải làm thêm ngoài giờ, dẫn đến bệnh về sức khoẻ tâm thần.
Giáo viên Nhật Bản phải làm thêm ngoài giờ, dẫn đến bệnh về sức khoẻ tâm thần.

Theo khảo sát ngày 26/12 của Bộ Giáo dục Nhật Bản, số lượng giáo viên trường công lập phải nghỉ phép ít nhất một tháng vì bệnh tâm thần trong năm 2021 lên tới 10.044 người. Con số này tăng 15,2%, tương đương 1.448 người, so với năm 2020.

Bộ Giáo dục nhận định đằng sau những con số trên là thời gian làm việc kéo dài cùng với khối lượng công việc ngày càng tăng đối với giáo viên trẻ. Đây là vấn đề dai dẳng trong ngành Giáo dục Nhật Bản và hiện nay chưa có cách giải quyết. Trong những bệnh tâm thần mà giáo viên Nhật Bản phải đối mặt, trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất.

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) vào năm 2018 cho thấy giáo viên THCS tại Nhật Bản làm việc 56 giờ một tuần, so với mức trung bình 38 giờ ở hầu hết các nước phát triển.

Chưa dừng lại ở đó, cuộc khảo sát của công đoàn giáo viên Nhật Bản mới đây chỉ ra giáo viên phải làm thêm trung bình 123 giờ mỗi tháng, vượt quá mức quy định của chính phủ là 80 giờ.

Chính phủ Nhật Bản đã cải thiện vấn đề trên bằng cách số hóa một số công việc hành chính và thuê nhân viên hỗ trợ giáo viên. Bộ trưởng Giáo dục Keiko Nagaoka nhận định các biện pháp cải cách điều kiện việc làm cho giáo viên đã đạt được những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, bà Keiko thừa nhận rằng nhiều giáo viên vẫn tiếp tục làm thêm nhiều giờ và “những nỗ lực cần được tăng tốc”.

Ông Masatoshi Senoo, cố vấn quản lý trường học của Bộ Giáo dục, cho biết ngoài hàng đống giấy tờ hành chính, giáo viên Nhật Bản phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như phân phát bữa trưa, giám sát cung đường đến trường của học sinh, hướng dẫn học sinh dọn dẹp hàng ngày...

Nhiều công việc trong đó là trách nhiệm của phụ huynh. Đơn cử, giáo viên phải thay phụ huynh xin lỗi cư dân địa phương nếu học sinh có hành vi không đúng mực tại công viên hoặc cửa hàng tiện lợi.

Một trong những nhiệm vụ tốn nhiều công sức nhất là quản lý hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, thể thao dành cho học sinh được tổ chức sau giờ học hoặc cuối tuần. Nhiều người phải bỏ các ngày nghỉ cuối tuần để làm việc.

Cô giáo Masako Shimonomura, giáo viên thể dục tại một trường THCS ở Edogawa, Tokyo, cho biết cô không thể dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Có những lúc, cô cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến học sinh tỏa sáng và giành chiến thắng trong cuộc thi.

“Tuy nhiên, nhìn chung điều kiện việc làm của chúng tôi không được cải thiện. Tôi e rằng điều đó sẽ khiến người khác nhìn vào nghề giáo một cách tiêu cực và ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ”, cô Masako bày tỏ.

Tương tự cô giáo Masako, nhiều giáo viên bày tỏ mệt mỏi, suy nhược cả về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần và cảm thấy “đạt đỉnh điểm” áp lực. Không ít người đã đứng lên đấu tranh, thậm chí đâm đơn kiện vì điều kiện làm việc.

Đơn cử, tháng 6 vừa qua, thầy giáo Nishimoto, 34 tuổi, đã thắng một vụ kiện hy hữu khi đòi bồi thường do căng thẳng làm việc quá sức. Thầy giáo đệ đơn kiện vào năm 2017, sau khi bản thân bị suy nhược thần kinh. Thời điểm đó, thầy Nishimoto phải giám sát câu lạc bộ bóng bầu dục và làm thêm ngoài giờ 144 tiếng trong một tháng.

Đáng chú ý, tình trạng làm việc căng thẳng khiến nhiều giáo viên nghỉ việc, người trẻ không mặn mà với nghề sư phạm, từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Bộ Giáo dục Nhật Bản cảnh báo tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi số lượng lớn giáo viên được tuyển dụng từ những năm 1980 sắp nghỉ hưu còn giáo viên độ tuổi 30 - 40, giáo viên trẻ thấp.

Theo JT, Mainichi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ