Bầu trước, cử sau

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bầu cử sơ bộ là một trong số những đặc thù độc đáo của luật bầu cử ở Mỹ và luật bầu cử ở Mỹ cũng riêng biệt chứ chẳng giống ai.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 15/1 vừa qua, phe Đảng Cộng hoà ở nước Mỹ tiến hành cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên để chọn ra người rồi đây được phe này đề cử làm ứng cử viên chính thức cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 5/11 tới.

Bang Iowa là nơi đầu tiên diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ này. Không ngoài mọi dự đoán chung từ trước đấy, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành về phần thắng.

Bầu cử sơ bộ là một trong số những đặc thù độc đáo của luật bầu cử ở Mỹ và luật bầu cử ở Mỹ cũng riêng biệt chứ chẳng giống ai. Tổng thống được bầu bằng phiếu bầu của đại cử tri chứ không phải bằng lá phiếu bầu phổ thông.

Cho nên trong lịch sử nước Mỹ đến nay đã có không ít lần người đắc cử giành về được đa số đại cử tri trong khi không có được đa số phiếu bầu phổ thông. Ông Trump năm 2016 chẳng hạn.

Mỗi bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định và ứng cử viên giành về tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống ở bang nào sẽ ẵm trọn tất cả số đại cử tri ở bang đó. The winner takes all chính là đây.

Tất cả các đại cử tri của bang chịu sự chế tài của hiến pháp hiện hành là bầu cho ứng cử viên chiến thắng này trong hội nghị bầu tổng thống diễn ra sau cuộc bầu cử. Ở đây có chuyện “bầu trước, cử sau”.

Điều này thể hiện còn rõ hơn ở các cuộc bầu cử sơ bộ. Từ năm 1972, ở Mỹ có quy định bắt buộc các đảng phái chính trị phải tiến hành bầu cử sơ bộ để chọn lựa nhân sự đề cử làm ứng cử viên chính thức cho tất cả các cuộc bầu cử. Bầu cử sơ bộ có hai dạng.

Dạng Causus giống như một kiểu hội nghị dân cư. Đảng viên cũng như không phải là đảng viên tụ tập lại trong nhà thi đấu thể thao, trường học, trung tâm văn hoá... để thương thảo với nhau về ủng hộ ai và giới thiệu ai. Tất cả đều phải điền tên và cung cấp nhân thân vào cùng danh sách để sự biểu quyết có giá trị pháp lý và để chống thao túng kết quả.

Cuộc bầu vừa qua ở bang Iowa thuộc dạng này. Các cuộc tụ tập như vậy diễn ra ở hơn 1.700 địa điểm khác nhau. Kết quả được chuyển tới trụ sở đảng và trụ sở này công bố kết quả cuối cùng. Dạng bầu cử sơ bộ này cồng kềnh về tổ chức, đa dạng về thành phần tham dự và vì thế luôn tiềm ẩn kết quả gây bất ngờ.

Dạng Primary giống như một hội nghị thực thụ của đảng nhưng cả người không phải là đảng viên cũng được tham dự. Người tham dự chỉ chọn một người hoặc tự lập danh sách ưu tiên giữa các ứng cử viên.

Quy định này được áp dụng để ngăn ngừa giới chức sắc trong lãnh đạo đảng đi đêm trong phòng kín với nhau dàn xếp chuyện nhân sự, bắt các đảng phải tham khảo ý kiến của đảng viên và dân chúng.

Ứng cử viên nào thắng sẽ giành về được số đại biểu của bang đó tham dự đại hội của đảng chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống. Ở đây cũng có chuyện “bầu trước, cử sau”.

Chẳng hạn như bang Iowa được cử 40 đại biểu, phân chia theo tỷ lệ phiếu bầu mà ứng cử viên đạt được. Ứng cử viên nào giành về được ít nhất 2.467 đại biểu sẽ được đảng chính thức đề cử.

Ở bang Iowa, ông Trump chiến thắng vang dội và có được sự khởi đầu không thể suôn sẻ hơn được nữa. Tuy nhiên, chỉ có như vậy thôi thì chắc chắn chưa thể đủ. Các đối thủ của ông Trump sẽ điều chỉnh chiến lược vận động tranh cử. Thời gian còn rất nhiều. Ông Trump lại có nguy cơ bị toà án phán tội... Bến bờ mong ước vẫn còn ở ngoài tầm mắt và tầm với của người này.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.