“Ngôi sao đang lên” trên bầu trời chính trị Tây Ban Nha chính là đảng cánh tả Podemos (“Chúng tôi có thể”).
Bước ngoặt của nền chính trị Tây Ban Nha
Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội ở Tây Ban Nha được đánh giá như một cơ địa chấn chính trị của nước này. Đảng Nhân dân cầm quyền (PP) của Thủ tướng Mariano Rajoy vẫn giành được chiến thắng với 123 ghế trong tổng số 350 ghế của Quốc hội Tây Ban Nha 28,72%, nhưng họ đã để mất 60 ghế so với nhiệm kỳ trước.
Đảng Xã hội cánh tả về nhì với 90 ghế (22,01%), mất 20 ghế so với nhiệm kỳ trước.
Vị trí thứ 3 thuộc về đảng “Podemos” (Chúng tôi có thể) với 69 ghế trong Quốc hội mới (20%) và là điểm nhấn của cuộc bầu cử lần này. Điều làm dư luận hết sức chú ý là “Podemos” giành chiến thắng vang dội ngay trên xứ sở ly khai Catalonia của Xứ Basque.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là đảng Trung hữu “Công dân” với 40 ghế (13,9%); đảng “Những người Cánh tả Cộng hòa Catalonia” - 9 ghế; đảng “Dân chủ và Tự do” ly khai của Artur Mas giành 8 ghế; đảng Quốc dân Basque - 6 ghế…
Đi tìm “nhân tố mới”
Chiến thắng của Thủ tướng Mariano Rajoy và đảng Nhân dân cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này được các nhà phân tích đánh giá là “trên giấy”. Để giành quyền thành lập chính phủ mới, Mariano Rajoy phải thành lập một liên minh có đủ 176 ghế trong Quốc hội Tây Ban Nha và đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Theo lời lãnh đạo đảng Xã hội đối lập Pedro Sanchez, để có được một liên minh lớn (như “liên minh rộng rãi” ở Đức - ND), Mariano Rajoy chỉ có thể liên minh với đảng Xã hội và đó là con đường “hết sức chông gai”. Nếu liên minh với các đồng nghiệp “Công dân”, Mariano Rajoy không đủ 176 ghế để giành quyền thành lập chính phủ. Còn liên minh với các cử tri độc lập - những người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở các vùng ư? Rất khó. Xung đột giữa Mariano Rajoy với thủ lĩnh của người Catalonia Raho Artur Mas không cho phép ông làm điều đó. Theo Pedro Sanchez, một liên minh với đảng Xã hội - đối thủ truyền kiếp của PP là không thể, bởi trong trường hợp này Tây Ban Nha sẽ bước vào một “giai đoạn chính trị mới”.
Vậy đảng Nhân dân của Mariano Rajoy phải liên minh với ai?
Mariano Rajoy đang nhìn vào “Podemos” như một chiếc phao cứu sinh cho sinh mạng chính trị của PP và của chính ông. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản.
Trong đêm ăn mừng chiến thắng, lãnh tụ của “Podemos” Pablo Iglesias khẳng định: “Tây Ban Nha sẽ mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển chính trị của mình. Tất cả sẽ không còn như cũ”. Giờ đây, tất cả sẽ phụ thuộc vào quyết định của Pablo Iglesias. Trước đó, chính trị gia 37 tuổi này tuyên bố, không loại trừ khả năng liên minh với đảng Xã hội với điều kiện: Chức Thủ tướng phải thuộc về ông!
“Nếu chúng tôi vào liên minh với tư cách của một đảng nhỏ có nghĩa là chúng tôi sẽ nhận được cái chết. Chúng tôi chỉ có thể tham gia vào chính phủ do chính chúng tôi điều hành” - Pablo Iglesias trả lời phỏng vấn tờ Die Zelt của Đức. Ngoài ra, Pablo Iglesias tuyên bố sẽ bắt đầu đàm phán với “tất cả các lực lượng chính trị” ở Tây Ban Nha. Theo các nhà phân tích, một trong những kịch bản có thể là Tây Ban Nha sẽ thành lập một chính phủ của thiểu số. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Telecinco, thủ lĩnh đảng “Công dân” Albert Rivera khẳng định, các cộng sự của ông không ủng hộ Mariano Rajoy làm Thủ tướng. “Quả bóng đang ở trong chân của Pablo Sanchez (lãnh đạo đảng Xã hội - ND) - Albert Rivera nhận định.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng kinh tế với nạn thất nghiệp cao ở Tây Ban Nha trong những năm gần đây khiến người dân mất lòng tin với bất cứ chính đảng nào. Người Tây Ban Nha đang đi tìm “nhân tố mới”, tuy nhiên, “nhân tố mới” mang tên “Chúng tôi có thể” (Podemos) liệu có thể làm tất cả?