Bất ổn an ninh toàn cầu từ mất cân bằng giới tính

GD&TĐ - Không chỉ tại những quốc gia như Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ... sự bất bình đẳng nam nữ mới thể hiện rõ ràng mà ngay tại Armenia, quốc gia nhỏ bé nhiều đồi núi nằm kín trong lục địa ở phía nam Kavkaz, cũng bất an với con số khủng hoảng 120 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ.

Sinh con gái là nỗi lo lắng với nhiều phụ nữ
Sinh con gái là nỗi lo lắng với nhiều phụ nữ

117 triệu thai nhi bị phá

Lựa chọn giới tính cho đứa con sẽ được sinh ra đang là chuyện đơn giản nhờ vào y học hiện đại. Ngày nay, sự lựa chọn này đang khiến khoảng 117 triệu bào thai là bé gái “mất tích” mỗi năm tại Châu Á và Châu Âu.

Kể từ những năm 1990, một số khu vực trên thế giới đã gây sốt bởi tỷ lệ bé trai cao hơn bé gái những 25%. Bạo lực tình dục, buôn bán phụ nữ trở thành hiểm họa xã hội không thể tránh.

Hầu hết chúng ta đều biết vấn đề nhức nhối này. Nó đặc biệt phổ biến tại hai quốc gia đông dân số bậc nhất, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng chỉ diễn ra trong một hay hai đất nước.

Armenia là quốc gia có tỷ lệ mất thăng bằng nam nữ do lựa chọn giới tính cao thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Azerbaijan. Trung bình, cứ 120 bé trai được sinh ra thì mới có 100 bé gái chào đời.

Phụ nữ Armenia, cũng như nhiều phụ nữ khác của quan niệm trọng nam khinh nữ, phải sinh bằng được con trai cho nhà chồng. Không ít chị em phải phá thai đến 9, 10 lần.

Nhiều thiếu phụ Armenia phải trải qua 9-10 lần phá thai

Nhiều thiếu phụ Armenia phải trải qua 9-10 lần phá thai

“Nếu tôi mang thai lần nữa và đó lại là một bé gái...”, một thiếu phụ Armenia 30 tuổi, có 2 con gái, từng phá thai nhiều lần run rẩy, dẫu việc lựa chọn giới tính đã bị pháp luật Armenia xem là bất hợp pháp từ năm 2016 (nếu phá thai trước 12 tuần tuổi thì không bị cấm).

Tại Armenia, không thể sinh con trai vẫn bị xem là lỗi của phụ nữ. Nếu tới quốc gia này, bạn sẽ thấy những quan niệm cổ hủ về mẹ chồng, nàng dâu hết sức quen thuộc. Nó không khác những gì chúng ta thường nghe tại Việt Nam hay Trung Quốc.

Con gái lớn lên sẽ lấy chồng, theo chồng, là... con người ta. Chỉ có con trai mới là đảm bảo cho việc nối dòng dõi gia đình và chăm nom cha mẹ lúc về già. Ngay giữa Thủ đô Yerevan, định kiến này vẫn không đổi khác.

Không thể đổ lỗi

Bắt đầu từ năm 2010, số liệu thu thập được ở Armenia mới cho thấy sự mất cân bằng giới tính. Con số thường thấy là 115-120 bé trai/100 bé gái. Trong các trường tiểu học, các bé trai đang chiếm phần lớn.

Nhiều lớp, số học sinh nam gấp đôi số học sinh nữ. Sau hoạt động tích cực của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn con trai hay gái trước khi sinh vào năm 2011, tới năm 2014, tỷ lệ này cũng chỉ giảm chút ít, còn 114 bé trai/100 bé gái. Năm 2016, con số giảm tiếp, xuống còn 110 bé trai/ 100 bé gái. Tình trạng báo động này khá giống với Việt Nam.

Con số thống kê năm ngoái tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mất cân bằng giới tính trong trẻ sơ sinh đang dao động từ 115-120 bé trai/ 100 bé gái, tùy tỉnh thành, đặc biệt cao tại 10 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Ngoài các nguyên nhân văn hóa, xung đột cũng đang là lý do dẫn đến mất cân bằng giới tính. Ảnh hưởng của chiến tranh vẫn đeo đẳng trong tâm lý các cư dân. “Những người lính đang hy sinh mỗi ngày. Chúng ta cần đẻ con trai để tiếp nối bảo vệ biên giới”, một phụ nữ Armenia tại Gavar cho biết.

Không chỉ trên lĩnh vực y tế, văn học nghệ thuật Armenia cũng đang tích cực phổ biến các thông điệp bảo vệ bà mẹ, trẻ em gái, đặc biệt là thông qua tôn giáo. Dù Armenia khẳng định là quốc gia không tôn giáo, Kito giáo đóng vai trò quan trọng trong cả lịch sử lẫn bản sắc quốc gia. Rất nhiều các linh mục của Armenia đang là thanh niên có trình độ học vấn cao.

Nếu không có sự đảo ngược trong quan niệm trọng nam khinh nữ, đến năm 2060, Armenia sẽ mất khoảng 93.000 phụ nữ.

Nguy cơ bất ổn an ninh toàn cầu

Trên khắp thế giới, việc chọn sinh con trai, bỏ con gái ám ảnh tâm lý các cặp vợ chồng. Ở Ấn Độ, 47% phụ nữ kết hôn trước tuổi 18. Ít được học hành, phần lớn các “cô dâu nhí” trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, không có quyền tự quyết đối với lựa chọn sinh con.

Trung bình, cứ 110 bé trai ra đời mới có 100 bé gái. Trong một số vùng, sự mất cân bằng còn cao hơn, ví dụ ở Punjab, 115 trai/100 gái. Tại các khu vực có tỷ lệ nam nữ bất cân xứng cao, ngày càng nhiều nam giới không thể kết hôn vì thiếu phụ nữ.

Để thay đổi tình hình, Ấn Độ đặt ra nhiều ưu tiên cho các bé gái. Họ khuyến khích các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và nền giáo dục cho con gái, xóa bỏ quan niệm xem con gái là thành viên không có giá trị trong gia đình.

Ít nhất 1 triệu bé gái Ấn Độ đang nhận sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ để được đến trường. Đổi lại, các gia đình phải đăng ký khai sinh, tiêm chủng, cho con gái đi học, đảm bảo không để cô bé lấy chồng trước năm 18 tuổi.

Ấn Độ chọn chi trả chi phi ăn học cho các bé gái nhằm nâng cao giá trị phụ nữ trong quan niệm văn hóa quốc gia

Ấn Độ chọn chi trả chi phi ăn học cho các bé gái nhằm nâng cao giá trị phụ nữ trong quan niệm văn hóa quốc gia

Châu Âu thường tự hào là nơi không phân biệt con trai hay con gái song, số liệu thống kê ngày nay lại chỉ ra, tỷ lệ bất bình đẳng giới tính đang gia tăng. Tại Thụy Điển, 108 nam/100 nữ. Tại Na Uy, 107 nam/ 100 nữ.

Tỷ lệ trung bình của châu lục, 105 nam/100 nữ. Nhiều người đổ lỗi cho sự mất cân bằng này là do khủng hoảng tị nạn, chủ yếu do người di cư từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan, Iraq, Syria. Tuy nhiên, theo thống kê của Ý và Hy Lạp, 2 tâm chấn của cuộc khủng hoảng di cư, 66% người di cư là nam giới.

Hầu hết các gia đình hiện đại đều lựa chọn có 1 đến 2 con. Ít nhất, họ vẫn muốn một trong 2 đứa là con trai. Để giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính, nhiều quốc gia chọn đóng cửa, thu hồi giấy phép hoạt động, bắt phạt các trung tâm y tế tạo điều kiện cho việc phá thai bất hợp pháp.

Dẫu vậy, sự mất thăng bằng giới tính ở trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục tăng. Hậu quả của nó, tất nhiên không chỉ dừng lại ở việc ngày càng nhiều đàn ông không thể lập gia đình trong tương lai. Có bằng chứng xác thực chỉ ra tình trạng thừa nam thiếu nữ sẽ dẫn đến sự gia tăng của hành vi chống đối xã hội, cuối cùng dẫn đến hiểm họa cho sự bình ổn, an ninh quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ