Lệch giới tính khi sinh kéo theo những hệ lụy nặng nề

GD&TĐ - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trước tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động.

Lệch giới tính khi sinh kéo theo những hệ lụy nặng nề

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn ở mức cao hơn trung bình của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội là 114 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi bình quân cả nước là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tâm lý “khát” con trai đeo đẳng

Với kỹ thuật công nghệ hiện đại như bây giờ thì khả năng các ông bố bà mẹ có thể lựa chọn được giới tính của con ngay từ… trong trứng. Giới tính trai hay gái đã được hình thành ngay từ khi thụ thai nên chị Đỗ Thị Huyền (khu tập thể Trương Định, Hà Nội) luôn “khao khát” con trai đã đến một bệnh viện để… “canh trứng”,tạo môi trường âm đạo thích hợp và chọn thời điểm rụng trứng để giao hợp… sinh con trai.

Nhiều thai phụ giống như chị Huyền dễ dàng nhận được sự hỗ trợ lựa chọn giới tính trước sinh từ cán bộ y tế. Thậm chí, một số cơ sở y tế còn thực hiện thụ tinh lựa chọn giới tính cho thai nhi trước khi cấy vào thai phụ.

Tuy nhiên, chi phí cho việc thực hiện lựa chọn giới tính này đắt đỏ và đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn như sảy thai, đa thai…

Với bất kỳ người nào quan tâm đến vấn đề này, chỉ cần vào google gõ từ khóa “sinh con trai” sẽ có hơn 640.000 kết quả liên quan hiện thị. Trong đó, có nhiều website, các bà mẹ chia sẻ số điện thoại, tên bác sĩ, địa điểm phòng khám có thể hỗ trợ sinh con theo ý muốn...

Mặc dù luật pháp nghiêm cấm việc bác sĩ “thông báo” giới tính thai nhi, nhưng ở bất kỳ phòng khám thai nào, bố mẹ dễ dàng biết được giới tính con khi mới được hơn chục tuần tuổi. Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Cơ quan chức năng rất khó để phát hiện được các phòng khám vi phạm quy định công bố giới tính thai nhi.

Đa số các phòng khám đều "lách luật" bằng cách thông báo gián tiếp giới tính con như: “giống bố”, “giống mẹ”. “quần nhé” “váy nhé”…Theo kết quả Điều tra Biến động DS - KHHGĐ của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 83% phụ nữ 15 - 49 tuổi biết giới tính thai nhi.

Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhiều người tìm mọi cách sinh cho bằng được con trai để “nối dõi tông đường”.

Chính vì vậy, tổng số sinh trên toàn thành phố tính đến hết quý II-2017 là 46.965 trẻ (tăng 510 trẻ so với năm 2016), trong đó tỷ lệ sinh con thứ ba cũng tăng và đa số là trẻ trai. Những huyện có tỷ lệ sinh con thứ ba tăng cũng chính là địa bàn có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao nhất.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh “nóng” trở lại. Một số huyện ngoại thành có tỷ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động đỏ như: Ứng Hòa (132,6 trẻ trai/100 trẻ gái); Mê Linh (127/100); Ba Vì (123,6/100); Sóc Sơn (123,5/100); Sơn Tây (123,2/ 100); Mỹ Đức (121,9/100)...

Những hệ lụy nặng nề

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), khi các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao ngày càng phát triển thì việc lựa chọn, áp đặt giới tính thai nhi cũng tăng theo, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính.

Dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính nhưng sau một năm triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, Bộ Y tế phối hợp các địa phương đã tổ chức 3.667 đợt kiểm tra, giám sát đối với 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai nhưng số cơ sở bị xử lý sai phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay cũng mới xử phạt được 2 nhà sách cung cấp sách sinh con theo ý muốn với mức phạt 2 triệu đồng.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội nhấn mạnh, hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là nhiệm vụ khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Tới đây, Hà Nội sẽ triển khai nhiều đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, kiên quyết xử lý đối với cơ sở công bố giới tính thai nhi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng,mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh để lại những hệ lụy sâu sắc. Mở đầu là việc lựa chọn giới tính trước sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc, thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng,...

Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ, và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời.

Sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Ðiều này sẽ tác động ngược lại truyền thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) trong tương lai. Một tỷ lệ lớn nam giới độc thân sẽ không thể duy trì gia đình phụ hệ như trước đây.

Nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì sau 20 năm nữa Việt Nam sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Dù làm tốt can thiệp để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì con số đó cũng còn tới 2,3 triệu nam giới.

Thứ trưởng Tiến đưa ra giải pháp để làm giảm tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh như phải tiến hành đồng bộ các giải pháp từ truyền thông chuyển đổi hành vi trong đó có việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thấy hết được nguy cơ của việc mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn trước sinh mới thật sự mang lại hiệu quả bền vững, đồng thời triển khai các giải pháp về kinh tế như chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, bảo đảm an sinh xã hội,... đến việc xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ