Tư tưởng trọng nam khinh nữ: Áp lực đè nặng lên vai phụ nữ và trẻ em gái

GD&TĐ - Tư tưởng có từ ngàn đời nay về trọng nam khinh nữ dường như không có sự thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người. Việc phải có con trai, sinh được con trai mới hoàn thành “nhiệm vụ” luôn đè nặng lên vai người phụ nữ. Đôi khi gánh nặng tưởng như vô hình ấy đã gây tổn hại về tinh thần, thể chất với người mẹ. Và không ít đứa trẻ cũng bị hệ lụy từ quan điểm của chính người thân trong gia đình.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ: Áp lực đè nặng lên vai phụ nữ và trẻ em gái

Con trai vẫn là niềm khao khát của nhiều người

Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta ở mức 109,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Từ đó tới nay, dù đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp nhưng tỷ số trên tiếp tục tăng và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2013, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh đạt 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Năm 2014 là 111,2/100 và sang năm 2016 vẫn duy trì ở mức 112,2/100.

Còn theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao “bền vững” và luôn dẫn đầu cả nước về sự chênh lệch. Tỷ số này tăng liên tục trong 5 năm qua, từ 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009) tăng lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2014). 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất hiện nay Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Trong số này, có địa phương tỷ số giới tính khi sinh lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.

Hà Nội cũng nằm trong top những địa phương có tỷ lệ sinh con trai cao. Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước - với 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở một số quận, huyện, con số này đã lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tư tưởng nặng nề khó thay đổi

Cùng một thời điểm nhưng tỷ lệ chênh lệch giới tính ở đồng bằng sông Hồng dường như không có dấu hiệu chững lại thì ở khu vực Đông Nam bộ, tỷ số này lại có xu hướng giảm, từ 109,9 trẻ trai/100 trẻ gái xuống 108,9 trẻ trai/100 trẻ gái.

Điều này chứng tỏ, tâm lý thích con trai tồn tại nhiều ở khu vực phía Bắc, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến, Á Đông, luôn coi đàn ông mới là trụ cột trong gia đình.

Tâm lý thích con trai vẫn tồn tại nên bằng cách này hay cách khác, các gia đình, thế hệ trên gây áp lực cho con cháu mình trong việc sinh… quý tử. Theo quy định, hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi bị cấm nhưng có khoảng 85% thai phụ khi được hỏi vẫn biết giới tính con mình trước khi sinh. Biết giới tính thai nhi từ trong bụng mẹ sẽ là bình thường nếu như ông bà, cha mẹ coi con hay gái đều là “của trời cho”. Nhưng với gia đình khát con trai, việc biết trước giới tính sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Nếu thai nhi còn nhỏ, người phụ nữ sẽ chịu áp lực từ chồng, từ người thân trong việc bỏ thai nhi gái để trao cơ hội cho thai nhi là bé trai.

Việc bỏ thai nhi chỉ vì chúng là gái gây hậu quả nặng nề về sức khỏe, đặc biệt là tâm lý với người mẹ mà chỉ những người từng phải bỏ con, từng nằm trên bàn thực hiện thủ thuật mới hiểu, mới cảm nhận được.

Một nghiên cứu mới đây Bộ Y tế và Trung tâm sáng kiến sức khỏe - dân số cho thấy, áp lực phải sinh con trai là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm. Nhưng tình trạng trầm cảm càng trầm trọng hơn (gấp 2 lần) ở lần mang thai thứ 2 trong trường hợp gia đình đã có con gái trước đó.

Một số nghiên cứu về bạo hành gia đình cũng chứng minh, phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai.

Không chỉ gây hậu quả về tinh thần, trầm cảm, hay ảnh hưởng sức khỏe mà trong những trường hợp nghiêm trọng, bạo hành gia đình hay áp lực phải sinh bằng được con trai có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con… Thực trạng trên đã xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều gia đình nhưng cho đến nay vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh mọi người về hậu quả của tâm lý trọng nam khinh nữ.

Nhận định về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thừa nhận đây là thách thức hàng đầu với những người làm trong ngành. Thách thức bởi nó thuộc về tư tưởng, tâm lý nên rất khó để thay đổi. Hoặc nếu có thay đổi được thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức mà khi đó, hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính đã cận kề.

6 tháng đầu năm, tổng số trẻ được sinh ra là 484.946 trẻ, tăng 7.167 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số trẻ nam sinh ra là 257.727 trẻ, tăng 3.809 trẻ; số trẻ nữ sinh ra là 227.219 trẻ, tăng 3.358 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh tại thời điểm tháng 6/2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.