Nga đã đề nghị hỗ trợ Ấn Độ nhằm phát triển tiêm kích AMCA đầy phức tạp bằng cách đưa ra ý tưởng cùng nhau phát triển một phiên bản cải tiến của động cơ “sản phẩm 177S - Izdeliye 177S” với vòi phun phẳng.
"Đề xuất này sẽ cho phép AMCA tăng cường năng lực của mình bằng các công nghệ tiên tiến" tờ báo địa phương IDRW cho biết.
Như đã lưu ý, “Sản phẩm 177S” là động cơ thế hệ thứ 5 chứa các thành phần từ loại AL-51 cải tiến (Sản phẩm 30), đang được phát triển cho máy bay chiến đấu thế hệ năm Su-57 của Nga.
"Động cơ này sẽ biến AMCA thành đối thủ đáng gờm trong không chiến hiện đại nếu Ấn Độ muốn", tác giả bài phân tích tin tưởng.
Một thành phần quan trọng của chương trình AMCA là động cơ, phải cân bằng được lực đẩy, khả năng tàng hình và hiệu quả. Hiện tại, các nguyên mẫu đầu tiên (AMCA Mark 1) dự kiến sẽ được trang bị động cơ General Electric F414 (lực đẩy 98 kN).
Mặc dù vậy, Không quân Ấn Độ từ lâu đã tìm kiếm một động cơ mạnh hơn do chính họ phát triển, hoặc hợp tác với nước ngoài, có lực đẩy 110 - 130 kN cho phiên bản Mark 2, giúp máy bay đạt tốc độ hành trình siêu âm và hiệu suất được cải thiện.
"Với lực đẩy 142 kN và có chế độ đốt tăng lực nhằm tối ưu hóa khả năng tàng hình, động cơ Izdeliye 177S của Nga là một lựa chọn hấp dẫn", tác giả bài viết tin tưởng.

Nếu sản phẩm 177S được trang bị vòi phun phẳng như F-22 Raptor, điều này sẽ làm giảm diện tích phản xạ radar (RCS) của máy bay và tín hiệu hồng ngoại bằng cách thay đổi các đặc tính của tia khí thải.
Nguyên nhân là bởi vì thiết kế hai chiều tản nhiệt hiệu quả hơn và căn chỉnh luồng khí với thân máy bay, giảm thiểu khả năng bị cảm biến của đối phương phát hiện.
"Tuy nhiên, đề xuất của Moskva cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi Sản phẩm 177S vẫn chưa được thử nghiệm đầy đủ", tờ báo Ấn Độ nêu rõ.
Tác giả cho biết sự chậm trễ tiềm tàng trong quá trình phát triển động cơ có thể làm gián đoạn chương trình AMCA, vốn đang đặt mục tiêu thực hiện vào năm 2032 - 2035, và làm tăng sự phụ thuộc của Ấn Độ vào công nghệ Nga tại thời điểm mà đa dạng hóa là ưu tiên hàng đầu của New Delhi. "Đối với Ấn Độ, rủi ro là rất lớn", tờ IDRW nhấn mạnh.
Một mặt, vòi phun phẳng có thể cải thiện khả năng tàng hình của AMCA, đây là một lợi thế quan trọng so với các đối thủ như J-20 và J-36 của Trung Quốc.
Mặt khác, công ty Safran của Pháp đã đề xuất phát triển chung động cơ với lực đẩy 110 kN, trong khi Hoa Kỳ có thể cung cấp công nghệ F-35 nếu Ấn Độ lựa chọn, nói chung New Delhi đang ở trong tư thế có thể "mặc cả" với đối tác.