Người thầy đặc biệt
Dù đã đưa “Ôn thi cùng Linhteacher99” vào hoạt động gần 2 năm nhưng không phải ai cũng biết người sáng lập, điều hành Fanpage bổ ích, có sức lôi kéo hàng trăm nghìn người chính là Trung úy Công an tỉnh Điện Biên Đỗ Văn Linh.
Đỗ Văn Linh sinh năm 1999, được biết đến với bảng thành tích dày đặc trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Anh còn là thủ khoa chuyên ngành Trinh sát bảo vệ An ninh xã hội (Học viện An ninh nhân dân).
Sau khi tốt nghiệp trở về địa phương, ý tưởng biến các môn học xã hội trở nên trực quan, sinh động đã nhen nhóm trong Linh việc xây dựng Fanpage luyện thi để cung cấp thêm kiến thức cho học sinh, đặc biệt các em dân tộc thiểu số vùng sâu, xa không có điều kiện đến các trung tâm ôn thi.
Chỉ sau gần 2 năm triển khai, Fanpage “Ôn thi cùng Linhteacher99” đã thu hút trên 250 nghìn người theo dõi, hơn 22 nghìn lượt thích, các bài đăng có lượt tương tác cao từ vài trăm đến vài chục nghìn lượt. Nội dung khá sinh động, dễ hiểu với những video bài viết ngắn xoay quanh các thông tin liên quan lĩnh vực văn học, lịch sử.
Thời gian đầu để duy trì và phát triển Fanpage, Trung úy Linh gặp không ít khó khăn. Theo Linh, chi phí mở lớp học không tốn, nhưng anh phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian để xây dựng giáo án, tổng hợp các đề văn mới nhất cho học sinh, cân bằng công việc chính với đam mê giảng dạy.
“Biết học sinh còn rụt rè, sợ bị chê cười, không dám hỏi thầy cô khi không hiểu bài nên lúc dạy học, tôi và các bạn giảng kỹ càng nhất có thể. Chúng tôi không thể tặng vật chất cho các em thì trao cho kiến thức”.
Nói về dự định tương lai của Fanpage “Ôn thi cùng Linhteacher99”, Trung úy Linh tâm sự, mục đích chính khi mở lớp học là giúp đỡ các học sinh hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận thêm kiến thức mới. Do đó, số lượng học sinh tham gia nhiều hay ít không quan trọng, chỉ cần có sức khỏe, thời gian, anh sẽ tiếp tục duy trì lớp học đều đặn.
Thời gian tới Trung úy Linh cũng dự kiến tìm thêm người có chung đam mê giảng dạy để cùng nhau nâng cao chất lượng bài giảng, nối dài hơn hành trình mang tri thức mới đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; duy trì lớp học ngay cả khi có công việc đột xuất.

Lớp học bổ ích
Tại lớp học online của Trung úy Linh, những bài văn hay, đề văn từ các kỳ thi trong cả nước luôn được cập nhật kịp thời và truyền tải bằng phương pháp dạy - học mới lạ, sáng tạo để thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là học sinh trên cả nước. Ngoài ra, các thành viên giảng dạy cho lớp còn thường xuyên trao đổi về vấn đề thời sự xã hội, đổi mới giáo dục… để học sinh, phụ huynh hiểu và đồng hành cùng ngành Giáo dục.
Lường Văn Minh - lớp 12, Trường THPT DTNT huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) thường trú tại xã Tìa Dình, khu vực vùng cao, khó khăn nhất huyện Điện Biên Đông. Không có điều kiện học, do đó khi được thầy cô giới thiệu “lớp học 0 đồng” của Trung úy Linh, Minh đã đăng ký ngay. Tham gia lớp học, em được tiếp cận với nhiều kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiểu biết, hỗ trợ cho việc học và ôn năm cuối cấp.
Gắn bó với lớp học gần 1 năm, Lường Hoài Anh - học sinh lớp 12, Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) cảm nhận mỗi buổi học đều bổ ích, nhất là khi được nghe thầy Linh phân tích, giải thích các câu hỏi liên quan đến nghị luận văn học bằng cách liên hệ với thực tế cuộc sống. Đặc biệt, em còn được trang bị kỹ năng mềm từ những buổi học ngoại khóa, giao lưu với bạn bè, thầy cô.
Trao đổi về “lớp học 0 đồng”, cô Phạm Thị Thanh Nhàn - giáo viên Ngữ văn, Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: “Tại lớp tôi chủ nhiệm hiện có 5 học sinh tham gia.
Qua quá trình học tập với “lớp học 0 đồng”, tôi thấy được sự tiến bộ của các em khi học trên lớp. Lớp học không chỉ bổ sung kiến thức mà còn tạo môi trường học tập lành mạnh, cảm xúc tích cực; trang bị kỹ năng mềm giúp học sinh có được hành trang tốt đẹp bước vào đời. Tôi cũng học hỏi thêm được một số cách dạy hay, soạn giáo án mới lạ từ Trung úy Linh”.

Sức hút không nằm ở miễn phí
Ghé thăm Fanpage “Ôn thi cùng Linhteacher99” có thể thấy việc ôn thi các môn xã hội không ảm đạm, tẻ nhạt. Không đơn thuần là những môn học thuộc, ở đó có giá trị tinh thần, tạo cho người học nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Theo Trung úy Linh, văn học là nhân học. Học và ôn thi là quá trình hoàn thiện bản thân, học làm người, học để cống hiến và xây dựng Tổ quốc. Nhờ vậy, các môn Khoa học xã hội qua lời giảng của anh như được tô thêm nhiều màu sắc và thú vị hơn với người học.
Trung úy Đỗ Văn Linh khẳng định, thứ tạo nên sức hút đặc biệt cho “lớp học 0 đồng” không nằm ở sự miễn phí. “Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”, trong mỗi tiết dạy, tôi luôn dành hết tâm huyết, nhiệt tình, chuẩn bị giáo án, phương pháp giáo dục đặc biệt; không chỉ hàn lâm kiến thức lý thuyết, mà còn trang bị những buổi ngoại khóa, kỹ năng mềm, có buổi dạy mời người có tầm ảnh hưởng cùng chia sẻ với học sinh”.
Từ thực tiễn công tác, Trung úy Đỗ Văn Linh thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của học sinh vùng cao, quá trình học và ôn thi của các em thiếu đi những cuốn sách bổ ích để hỗ trợ ôn luyện. Với mục tiêu khắc phục khó khăn này, trong quá trình dạy học môn xã hội, anh cố gắng đem lại nguồn cảm hứng yêu văn học cho học sinh, sáng tạo những hình ảnh, video từ văn học thành công thức, phương pháp học dễ nhớ với nhiều đoạn văn ngắn mang tính chất tư duy, độc đáo…
Sau giờ làm việc chuyên môn căng thẳng, những sản phẩm được đăng tải trên Fanpage như món ăn tinh thần, giúp cho Trung úy Linh có thêm cảm hứng sáng tạo trong công việc chuyên môn.
“Tôi cho rằng điều tạo nên bản thân tôi hôm nay là sự kiên trì, nỗ lực. Do đó các bạn trẻ, học sinh hãy theo đuổi, dám đối diện, bước từng nấc thang cuộc đời bằng tất cả sự cố gắng. Tương lai luôn rộng mở với tất cả chúng ta”, Trung úy Linh bày tỏ.
Với đam mê biến các môn học xã hội trở nên trực quan, sinh động Trung úy Đỗ Văn Linh đã hình thành ý tưởng xây dựng Fanpage “Ôn thi cùng Linhteacher99” để cung cấp thêm những kiến thức bổ ích cho học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa không có điều kiện học tập thêm ở trung tâm ôn thi.