Kỷ nguyên vươn mình:

Gỡ vướng để trường đại học phát triển khoa học, công nghệ

GD&TĐ - Phát triển sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua được quan tâm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Nguyễn Ngọc
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tuy nhiên còn những khó khăn, vướng mắc rất cần giải pháp căn cơ để gắn kết giáo dục đại học với KHCN và đổi mới sáng tạo - nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PGS.TS Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang: Tăng kinh phí, nguồn lực

“Nhà nước cần sửa đổi Luật Viên chức, cho phép giảng viên, nhà khoa học tham gia quản lý doanh nghiệp spin-off để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Tỉnh Kiên Giang cũng cần thành lập sàn giao dịch kết quả KHCN, tạo cơ chế kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu một cách hiệu quả…”. - GS.TS Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang

Tại Trường Đại học Kiên Giang, bên cạnh công tác đào tạo, nhà trường chú trọng hợp tác với địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng kết quả vào thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhà trường đã ký kết được một số hợp đồng tư vấn, kỹ thuật với doanh nghiệp, không chỉ tạo ra nguồn thu mà còn thúc đẩy sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất. Ngoài ra, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng ghi nhận nhiều thành tích nổi bật.

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động KHCN, đặc biệt là vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Theo quy định hiện hành, các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước được xem là tài sản công và chịu sự quản lý của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định trước khi thương mại hóa, tài sản KHCN phải được định giá. Tuy nhiên, do tính đặc thù của tài sản trí tuệ, phương pháp định giá thông thường không thể áp dụng hiệu quả, gây khó khăn trong việc khai thác và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, quy trình xin chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu từ cơ quan chủ quản còn phức tạp, kéo dài, làm chậm tiến độ ứng dụng vào thực tiễn.

go-vuong-de-truong-dai-hoc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe2.png
PGS.TS Nguyễn Trung Cang. Ảnh: NVCC

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN, các quy định về tài chính và đấu thầu cũng gây ra nhiều vướng mắc. Việc mua sắm vật tư, nguyên liệu phải tuân theo Luật Đấu thầu, trong khi một số nguyên vật liệu đặc thù trong nghiên cứu không thể mua sắm theo hình thức đấu thầu truyền thống.

Hơn nữa, các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu chuyên môn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác thanh quyết toán, dẫn đến khó khăn trong triển khai đề tài.

Ngoài ra, thủ tục phê duyệt và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN còn phức tạp, gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu. Nhiều đề tài sau khi được phê duyệt vẫn phải chờ 1 - 2 năm mới được ký hợp đồng và cấp kinh phí, khiến cho tiến độ giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện.

Bên cạnh đó, các rủi ro trong nghiên cứu khoa học chưa được chấp nhận trong hệ thống pháp lý hiện hành. Theo Luật KHCN, các nhiệm vụ nghiên cứu bắt buộc phải có sản phẩm đầu ra cụ thể, khiến các nhà khoa học e ngại khi đề xuất những nghiên cứu mang tính đột phá do lo ngại không đạt kết quả như kỳ vọng. Điều này cản trở sự sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu.

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Do nhà trường chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ địa phương. Điều này gây khó khăn trong việc ươm tạo và thương mại hóa các dự án khởi nghiệp tiềm năng.

Thêm vào đó, theo Luật Viên chức, cán bộ, giảng viên không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp, khiến mô hình start-up và spin-off (mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp từ các viện nghiên cứu, trường đại học - PV) trong trường đại học chưa phát triển mạnh mẽ.

Để thúc đẩy hoạt động KHCN và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu trong các trường đại học, chúng tôi đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về khai thác và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp các trường nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ. Bộ KH&CN cần ban hành cơ chế đặc thù về định giá tài sản trí tuệ, giúp đơn giản hóa quy trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, cần xem xét cơ chế tự động giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho cơ quan chủ trì để tiếp tục khai thác, ứng dụng. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh quy định liên quan đến rủi ro trong nghiên cứu khoa học, cho phép những nghiên cứu mang tính đổi mới nhưng chưa đạt kết quả như kỳ vọng vẫn có thể được đánh giá theo tiêu chí phù hợp, tạo động lực cho các nhà khoa học mạnh dạn thực hiện các đề tài mang tính đột phá.

Đối với các đề tài cấp bộ, tỉnh, ngành, cơ quan quản lý cần bố trí kinh phí để đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của đề tài, giúp giảm gánh nặng chi phí cho các nhà khoa học.

Đối với hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhà trường là nơi tập trung đông đảo tri thức trẻ, có nhiệt huyết, sáng tạo, có tinh thần khởi nghiệp cao, tạo ra cái mới giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, đề nghị tỉnh mở rộng chính sách hỗ trợ cho đối tượng nhà khoa học, sinh viên tại trường để thúc đẩy hoạt động, mang lại hiệu quả cao hơn nữa…

TS Đặng Thị Ngọc Lan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long: Cần thêm nhiều cơ chế tạo động lực phát triển

go-vuong-de-truong-dai-hoc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-1.jpg
TS Đặng Thị Ngọc Lan. Ảnh: NVCC

Hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các trường đại học. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển sản phẩm KHCN và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế.

Về cơ chế, ưu đãi do chưa có cơ chế khuyến khích thành lập doanh nghiệp KHCN trong trường đại học. Hơn nữa, quy định về hoạt động của doanh nghiệp KHCN chưa rõ ràng, đặc biệt là về thương mại hóa sản phẩm, spin-off và hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài.

Về nguồn tài chính, các trường đại học còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Cơ chế quản lý tài chính chưa phù hợp với đặc thù hoạt động KHCN, đặc biệt trong việc sử dụng kinh phí.

Về nhân lực, hiện các trường còn thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong thương mại hóa sản phẩm KHCN và chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài. Về môi trường hoạt động, môi trường pháp lý chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo và chưa có sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN.

Để tháo gỡ vướng mắc, trước hết, cần có nhiều cơ chế tạo động lực phát triển mạnh mẽ KHCN trong trường đại học, cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Đơn cử như hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập và phát triển doanh nghiệp KHCN trong trường đại học. Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động KHCN, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Bổ sung các quy định về thương mại hóa sản phẩm KHCN, spin-off và hợp tác với doanh nghiệp.

Cần tăng cường đầu tư nguồn vốn đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác; xây dựng cơ chế tài chính linh hoạt, phù hợp với đặc thù hoạt động KHCN. Phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong thương mại hóa sản phẩm KHCN và xây dựng chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai): Đề xuất xây dựng một Nghị định riêng

go-vuong-de-truong-dai-hoc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe4.jpg
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh. Ảnh: NVCC

Hiện việc phát triển sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản về cơ chế, chính sách. Hoạt động của doanh nghiệp KHCN còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Sự thiếu hụt các chính sách thu hút nhân tài không chỉ gây “chảy máu” chất xám mà còn khiến nhiều du học sinh lựa chọn ở lại nước ngoài để phát triển sự nghiệp. Trong khi đó, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn mang tính ngắn hạn, chủ yếu phục vụ nhu cầu trước mắt, do thiếu cơ chế rõ ràng về sở hữu tài sản và tài chính, cản trở quá trình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo bền vững.

Theo tôi, cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học; cần sửa đổi, bổ sung các luật và nghị định liên quan. Việc xây dựng một Nghị định riêng về KHCN và đổi mới sáng tạo trong trường đại học sẽ giúp xác định rõ địa vị pháp lý của các tổ chức KHCN và nhà khoa học, đồng thời thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo động lực mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học.

Việc đầu tư vào giáo dục đại học, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), là chìa khóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Cần thiết lập cơ chế linh hoạt để thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư giữa trường đại học và doanh nghiệp, cho phép giảng viên, nhà khoa học tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng tại doanh nghiệp, từ đó gia tăng giá trị thực tiễn và hiệu quả hợp tác.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo cũng cần được đẩy mạnh, bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về nguồn lực và sản phẩm KHCN; minh bạch hóa quy trình quản lý nhiệm vụ khoa học, đồng thời hình thành thị trường số về KHCN và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

“Việc gỡ vướng mắc để phát triển KHCN trong trường đại học là một nhiệm vụ quan trọng và cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành. Hy vọng với những giải pháp nêu trên, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. - TS Đặng Thị Ngọc Lan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dạy trẻ biết tự đưa ra quyết định cho bản thân để trẻ lớn lên có chính kiến. Ảnh minh họa: INT.

Trao quyền cho con

GD&TĐ - Nếu quyết định của con không có kết quả tốt, trẻ nên biết rằng tự bản thân sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả của mỗi lựa chọn.

Minh họa/INT

Vũ khí thuế quan

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi lên nhậm chức đã sử dụng thuế quan như 'một thứ vũ khí' trong chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế.