Một giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này chính là cấy ghép nội tạng từ động vật, đặc biệt là từ lợn.
Tầm nhìn khoa học mới
Theo thống kê, hiện có hơn 100 nghìn người tại Mỹ đang chờ đợi một trái tim, quả thận mới hoặc các cơ quan khác để duy trì sự sống. Trong số đó, rất nhiều người sẽ không bao giờ nhận được cơ hội cấy ghép. Vì vậy, phương pháp cấy ghép nội tạng từ động vật, được gọi là cấy ghép dị chủng, đang phát triển mạnh mẽ với những tiến bộ đầy hứa hẹn nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Từ những thí nghiệm ban đầu, như cấy ghép thận lợn cho bệnh nhân mắc bệnh suy thận, đến các cuộc thử nghiệm lâm sàng chính thức đầu tiên của công ty công nghệ sinh học Mỹ United Therapeutics, khoa học đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong việc sử dụng lợn như một nguồn cung cấp nội tạng cho người. Tuy nhiên, dù có nhiều triển vọng, việc áp dụng phương pháp này vào thực tế vẫn gặp phải không ít thử thách về mặt sinh học, công nghệ và đạo đức.
Một trong những thách thức lớn nhất của việc cấy ghép nội tạng lợn là cơ thể con người sẽ nhanh chóng phát hiện và tấn công các cơ quan của lợn như là một tác nhân ngoại lai. Cơ chế này được gọi là “đào thải siêu cấp tính”, xảy ra khi cơ thể người nhận ghép phát hiện các phân tử lạ trên bề mặt tế bào.
Quá trình này dẫn đến việc đông máu và chặn dòng máu, khiến cơ quan của lợn chết nhanh chóng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tìm ra các phương pháp ngăn chặn hoặc làm giảm hiện tượng đào thải.
Một giải pháp nổi bật là công nghệ chỉnh sửa gen đã được sử dụng để thay đổi ADN của lợn, nhằm loại bỏ các gen gây ra phản ứng đào thải. Cụ thể, eGenesis là công ty chuyên nghiên cứu cấy ghép nội tạng từ lợn, đã sử dụng công nghệ này để loại bỏ 3 gen chính gây ra vấn đề đào thải.
Đồng thời, một số gen người cũng đã được thêm vào trong cơ thể lợn để giúp ngụy trang các tế bào của lợn giống như tế bào người, giảm thiểu khả năng bị hệ thống miễn dịch của người phát hiện.
Những tiến bộ này đã tạo nên một số thí nghiệm thành công. Vào năm 2023, eGenesis đã báo cáo rằng 5 trong số 15 con khỉ được cấy thận từ lợn biến đổi gen đã sống sót hơn một năm. Những kết quả này chứng tỏ rằng cấy ghép nội tạng lợn có thể tồn tại trong cơ thể người trong một thời gian dài hơn so với trước đây.

Thách thức để phát triển
Cùng với những tiến bộ về công nghệ, việc cấy ghép nội tạng lợn cho người vẫn gặp phải không ít tranh cãi về mặt đạo đức. Một trong những vấn đề đạo đức lớn nhất là việc chọn lựa bệnh nhân để tham gia vào các thí nghiệm cấy ghép dị chủng.
Đến nay, hầu hết các ca ghép tạng lợn cho người đều là thử nghiệm với những bệnh nhân đã quá yếu hoặc không thể nhận được nội tạng người. Những bệnh nhân này thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc thử phương pháp cấy ghép chưa được phê duyệt, điều này đặt ra những câu hỏi về quyền lợi và sự đồng thuận của bệnh nhân.
Ông L. Syd Johnson, nhà đạo đức sinh học, cho biết: “Tôi e ngại những bệnh nhân tham gia thí nghiệm cấy ghép dị chủng có thể không hoàn toàn hiểu rõ các rủi ro và kết quả của cuộc phẫu thuật. Họ có thể kỳ vọng sống sót lâu dài hơn, trong khi thực tế, cơ thể họ có thể không thể chấp nhận cơ quan lợn và có thể chỉ sống sót trong một thời gian ngắn”.
Các nhà khoa học cho rằng dù hiểu rõ về những rủi ro này, nhưng việc lựa chọn những bệnh nhân yếu và có ít cơ hội sống sót vẫn khiến nhiều người băn khoăn về tính công bằng và đạo đức của các thử nghiệm.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phải đối mặt với vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng động vật, cụ thể là lợn, cho mục đích y tế. Một số nhà nghiên cứu lo ngại về sự đau khổ của lợn trong các môi trường vô trùng, nơi chúng bị cách ly và không thể sống theo bản năng.
Điều này mở ra một cuộc tranh luận rộng lớn hơn về việc liệu việc sử dụng động vật trong y học có phải là một hành động hợp đạo đức hay không, đặc biệt là khi có thể sẽ có hàng triệu con lợn bị nuôi để phục vụ cho mục đích này.
Một vấn đề quan trọng khác trong việc cấy ghép nội tạng lợn là nguy cơ lây nhiễm virus từ lợn sang người. Các virus nội sinh có thể tồn tại trong ADN của lợn và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người nhận ghép tạng, thậm chí là các cá nhân mà bệnh nhân đó tiếp xúc sau khi phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, các virus này đã được phát hiện trong cơ thể bệnh nhân sau khi ghép tạng, như trong trường hợp của anh David Bennett, người nhận tim lợn từ United Therapeutics. Các xét nghiệm sau khi ghép tim đã tìm thấy một số ADN từ một loại virus lợn trong máu của anh.
Vì vậy, việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân suốt đời sau cấy ghép là điều cần thiết để kiểm soát các nguy cơ này, tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh các vấn đề đạo đức về quyền riêng tư và sự tự do của bệnh nhân.
Trong tương lai, cấy ghép nội tạng lợn cho người hứa hẹn sẽ là giải pháp quan trọng cho vấn đề thiếu hụt nội tạng hiện nay và trở thành phương pháp điều trị phổ biến.
Những tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa gen và việc kiểm soát quá trình đào thải đã giúp mở ra những cơ hội mới trong điều trị suy tạng. Tuy nhiên, các vấn đề về đạo đức, như lựa chọn bệnh nhân, sử dụng động vật và nguy cơ lây nhiễm virus, vẫn là những thử thách lớn cần phải được giải quyết.
Với các nhà khoa học, điều quan trọng là không ngừng tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo rằng công nghệ này sẽ mang lại lợi ích cho con người mà không gây hại cho cả người nhận và động vật.