Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục mũi nhọn

GD&TĐ - Các yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục mũi nhọn được các trường xác định, từ đó triển khai công tác này một cách bài bản, hiệu quả.

Đội tuyển Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) dự chung kết Kỳ thi Olympic Tin học miền Trung và Tây Nguyên lần thứ VI, năm 2025.
Đội tuyển Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) dự chung kết Kỳ thi Olympic Tin học miền Trung và Tây Nguyên lần thứ VI, năm 2025.

Yếu tố quyết định là người dạy, người học

Cũng chia sẻ khó khăn trong công tác này, thầy Lê Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cho rằng, nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi là rất nặng nề và có tính chuyên biệt; trong khi chế độ chính sách dành cho giáo viên bồi dưỡng còn hạn chế.

Việc quy đổi tiết dạy theo quy định của Nhà nước về cơ bản chưa đáp ứng thực tế công việc của giáo viên. Nguồn lực tài chính dành cho bồi dưỡng học sinh giỏi cũng hạn chế, chủ yếu từ ngân sách được giao hàng năm.

Để thực hiện một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi trên lớp, giáo viên phải nghiên cứu, chuẩn bị rất công phu về thời gian kể cả tâm sức, Nhưng chế độ chi trả thường thấp hơn nhiều so với một buổi dạy thêm.

Bên cạnh những môn học có nhiều học sinh cạnh tranh để được tham gia bồi dưỡng, vẫn còn một số môn học rất khó thành lập đội tuyển do không trùng với nguyện vọng của học sinh. Cơ chế khuyến khích đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp chưa thật sự hấp dẫn…

Nhận định có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục mũi nhọn như: chất lượng học sinh, năng lực đội ngũ giáo viên, công tác quản lý của nhà trường, chế độ đãi ngộ, chế độ khen thưởng, chế độ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, sự động viên từ phía phụ huynh,…, nhưng thầy Lê Văn Hòa cho rằng, yếu tố quyết định vẫn là ở học sinh.

Chỉ khi học sinh yêu thích, đam mê học tập, khát khao phát triển, khẳng định bản thân và gắn liền việc học tập nghiên cứu với định hướng nghề nghiệp tương lai, chất lượng giáo dục mũi nhọn mới có tính bền vững, thực chất.

Từ đó, giải pháp đầu tiên nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được thầy Lê Văn Hòa đưa ra cũng nhằm tác động lên người học. Trong đó, truyền thông giáo dục, động viên, khuyến khích, truyền cảm hứng học tập cho học sinh có năng khiếu các môn học. Chú trọng tư vấn, giúp học sinh chọn môn học phù hợp với năng lực cá nhân gắn với định hướng nghề nghiệp tương lai.

Cần phải có cách làm đảm bảo tính công bằng, khách quan trong khâu sàng lọc, lựa chọn các đội tuyển học sinh giỏi. Xây dựng, công khai và thực hiện kịp thời chế độ khen thưởng, cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học hợp lý.

Ngoài ra là giải pháp tác động lên đội ngũ giáo viên. Cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường phải đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của giáo viên để giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi; có chế độ, chính sách rõ ràng, công tâm để tôn vinh và phát triển đội ngũ này (như ưu tiên xét thăng hạng, bố trí chức danh chuyên môn, huy động và bố trí nguồn lực tài chính,…).

Xây dựng đội ngũ làm công tác giáo dục mũi nhọn trong nhà trường phải có tính thường xuyên, linh hoạt, kế thừa và phát triển. Tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi phải có tính kế hoạch và hệ thống. Cần có cơ chế cho phép nhà trường làm công tác xã hội hoá để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi.

luu-van-mot.jpg
Giờ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tại Trường THCS Lưu Văn Mót (Vũng Liêm, Vĩnh Long).

6 yếu tố cần quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

Theo thầy Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), bồi dưỡng học sinh là công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò.

Để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả cao, ngoài các biện pháp mang tính chất xúc tác như: tiền công, tiền thưởng, đánh giá thi đua, động viên, khích lệ, khơi dậy lòng tự hào, bản sắc truyền thống của nhà trường, chúng ta cần đảm bảo đầy đủ 6 yếu tố: thầy, trò, nội dung, phương pháp, thời gian, tài liệu và chuyên gia.

Trường THPT chuyên Hải Dương đã giao một Phó Hiệu trưởng nắm bắt, thực hiện tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, học sinh trong đội tuyển; phân công giáo viên ra đề, coi thi, chấm bài khảo sát một cách khoa học, giảm áp lực cho giáo viên bồi dưỡng đội tuyển; phân công phòng học cố định cho đội tuyển học sinh giỏi; kiểm tra giáo án dạy đội tuyển hàng tháng.

Nhà trường cũng tiến hành xây dựng ngân hàng đề thi tham khảo theo cấu trúc mới của Bộ GD&ĐT. Mỗi giáo viên trong tổ chuyên môn có môn dự thi ra 1 đề tham khảo; mua đề thi, tài liệu bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi theo yêu cầu của giáo viên.

Ban Giám hiệu, tổ văn phòng sưu tập tài liệu, đề thi tham khảo, đề thi của các tỉnh, đề thi khu vực, đề thi quốc gia, đề thi quốc tế để cung cấp cho giáo viên dạy; đồng thời, kiểm tra thường xuyên, động viên, khích lệ tinh thần của giáo viên, học sinh trong đội tuyển; quản lý tốt việc soạn bài và tổ chức dạy của giáo viên bồi dưỡng.

Các chế độ đối với giáo viên dạy chuyên, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, có chính sách khen thưởng xứng đáng cho những giáo viên, học sinh đạt thành tích cao cũng được nhà trường quan tâm thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ