Bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần ở trẻ em: Xóa đi nỗi sợ thầm kín

GD&TĐ - "Bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe tâm thần ở trẻ em" là chủ đề của lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới (20/11) do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức.

Lễ kỷ niệm ngày trẻ em thế giới tổ chức ngày 17/11.
Lễ kỷ niệm ngày trẻ em thế giới tổ chức ngày 17/11.

Chủ đề lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tới sự phát triển của các bạn trẻ, thanh thiếu niên, những thế hệ tương lai của đất nước.

Những nỗi sợ thầm kín

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Hà, cho biết: Ngày trẻ em thế giới 2021 diễn ra trong bối cảnh thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong đó, trẻ em và thanh thiếu nhi phải gánh chịu những tiêu cực từ đại dịch nhất là về vấn đề học tập, sức khỏe tâm thần.

Các em bị gián đoạn việc học tập; khó khăn hơn trong cách tiếp cận nguồn dinh dưỡng, điều kiện để chăm sóc sức khỏe nói chung. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè cũng bị hạn chế; vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt tình trạng trẻ em mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị xa bố mẹ, người thân; trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong vì đại dịch COVID-19 đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Nhân Ngày trẻ em thế giới, trẻ em và thanh thiếu niên đã chia sẻ những câu chuyện của mình. Các em cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội phù hợp cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.

Từng có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm, em Trần Quỳnh Giang, 17 tuổi, được giáo viên cũ khuyên không yếu đuối, phải lạc quan, tích cực sống. Bố mẹ và cô giáo nghi ngờ những khó khăn nữ sinh gặp phải. Điều này khiến Giang sợ hãi, không muốn chia sẻ những cảm xúc thầm kín với mọi người.

Nhiều trẻ em, thanh thiếu niên đã gặp phải tổn thương về SKTT nhưng vấn đề này trở nên rõ ràng hơn trong dịch Covid-19. Em Nguyễn Quang Minh, 16 tuổi, sống tại Hà Nội, chia sẻ: Dịch Covid-19 khiến em cảm thấy căng thẳng nhiều hơn trước kia. Khi mới học từ xa, em khó tập trung, mất hứng thú học tập rồi dần trở nên lười vận động, lười giao tiếp. Do đó, trước các kì thi, em cảm thấy vô cùng áp lực, sợ hãi.

Thanh thiếu niên chia sẻ câu chuyện cá nhân trong lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới.
Thanh thiếu niên chia sẻ câu chuyện cá nhân trong lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới.

Là trẻ khiếm thính, đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của em Tạ Việt Vương, 12 tuổi, hoàn toàn đảo lộn. Nam sinh chia sẻ: Em và nhiều bạn bè không thể học trực tuyến vì không nhìn rõ màn hình. Một số bạn của em không có thiết bị để học trực tuyến nên đã mất lượng lớn kiến thức. Điều này khiến chúng em rất sợ kết quả học tập bị tụt lùi.

“Hơn nữa, việc giao tiếp giữa em và gia đình còn nhiều hạn chế. Em mong dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để em được đến trường gặp bạn bè, thầy cô. Em cũng mong bố mẹ có thể học thêm ngôn ngữ kí hiệu để chia sẻ, trò chuyện cùng con cái và để chúng em không bị cô lập trong chính gia đình của mình”, Vương bày tỏ.

Tháo gỡ khó khăn

Bày tỏ tự hào khi chứng kiến các em nhỏ dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình, PGS. TS Trần Thành Nam khẳng định rằng SKTT tồn tại theo một chuỗi liên tục, có thể bao gồm các giai đoạn hạnh phúc và giai đoạn đau khổ mà hầu hết các giai đoạn này sẽ không phát triển thành những rối loạn có thể chẩn đoán được.

Trò chuyện với các em học sinh, PGS. TS Trần Thành nam, cho biết: Nếu phát hiện bạn bè gặp tổn thương SKTT, các em hãy nói với bạn rằng: “Tớ chưa hiểu rõ cảm xúc của cậu, chưa biết rõ những gì đã xảy ra với cậu nhưng tớ muốn cậu biết tớ rất quan tâm đến cậu. Tớ muốn lắng nghe câu chuyện và cảm xúc của cậu”.

Dù bạn bè chia sẻ suy nghĩ tiêu cực, các em hãy hỏi thăm lý do, câu chuyện để các bạn nhận ra có người quan tâm, lắng nghe và chia sẻ cảm xúc của mình.

PGS. TS Trần Thành Nam (ngoài cùng bên trái) giao lưu cùng các em nhỏ.
PGS. TS Trần Thành Nam (ngoài cùng bên trái) giao lưu cùng các em nhỏ.

PGS. TS Nam nhấn mạnh: Quản lý SKTT là một trong những kỹ năng quan trọng của công dân thế kỷ 21. Để đảm bảo bản thân có SKTT tốt nhất, mỗi bạn nhỏ hãy ghi nhớ chăm sóc, cân bằng 4 trụ cột gồm thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức.

“Tất cả chúng ta đều có những ngày tốt đẹp hơn những ngày khác. Chia sẻ về những ngày tồi tệ của mình cũng quan trọng như chia sẻ về những ngày tốt đẹp. Có thể các em thấy rất khó mở lòng để chia sẻ, ngay cả với những người mình tin tưởng, nhưng đó là bước đầu tiên để các em có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết”, PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ.

Nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh, PGS. TS Trần Thành Nam nói: Người lớn có thể giúp đỡ các em bằng cách lắng nghe. Phụ huynh hãy “lắng” lại, gạt bỏ âu lo về cuộc sống, bực tức trong công việc để “nghe” cảm xúc, câu chuyện của con cái. Giống như vết thương trên cơ thể, vấn đề SKTT có thể được chữa lành nhờ sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc từ mọi người xung quanh.

Theo chuyên gia, nhận thức về SKTT cần được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Các nhà trường có thể tổ chức chương trình cung cấp kiến thức nâng cao nhận thức về SKTT. Bố mẹ phối hợp cùng thầy cô là “chốt chặn” đầu tiên để phát hiện những khó khăn, tổn thương ở trẻ, từ đó, tìm ra biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Khách mời chia sẻ phương pháp làm bạn với con.
Khách mời chia sẻ phương pháp làm bạn với con.

Đang nuôi dạy 3 người con, nhà văn Trang Hạ khẳng định cha mẹ là điểm tựa, bức bình phong nhưng cũng là nền tảng cho SKTT của con cái. Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ vấp ngã, thất bại, hoài nghi về bản thân nhưng bố mẹ hãy cùng con nhìn nhận những trải nghiệm này ở góc độ tích cực. Từ đó, các bé sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, lạc quan, hình thành “kháng thể” trước các bệnh liên quan đến SKTT.

Nữ nhà văn gợi ý khi nhận thấy con đang gặp khó khăn, phụ huynh có thể đặt ra 2 câu hỏi: “Con đang cảm thấy như thế nào?”, “Bố mẹ có thể giúp gì cho con?”. Nếu chủ động quan tâm, hỏi han, bố mẹ sẽ là điểm tựa vững chắc cho con cái.

Còn MC Thảo Vân cho rằng, làm bạn với con là việc làm hết sức quan trọng giúp bố mẹ có thể đồng hành, hỗ trợ con tốt nhất trên hành trình trường thành. Không thể hành động một sớm một chiều, bố mẹ cần tạo dựng thói quen chia sẻ giữa người thân trong gia đình, từ đó khích lệ con kể câu chuyện của mình.

“Trong mối quan hệ với con, tôi chỉ áp dụng quyền làm mẹ khi thực sự cần thiết. Đa số thời gian, tôi dành cho con sự tôn trọng như 2 người lớn. Trước một vấn đề, chúng tôi cùng nhau trao đổi rõ ràng, cố gắng đi đến cuối để tìm ra tiếng nói chung và hiểu nhau hơn”, MC Thảo Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ