(GD&TĐ) - Tổng cục Thống kê phối hợp với cơ quan liên hợp quốc UNICEF và UNFPA vừa công bố điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) 2010-2011.
Điều tra đánh giá này được thực hiện trong năm 2010 và 2011 bởi Tổng Cục Thống kê với sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và cơ quan Liên Hợp quốc UNICEF và UNFPA. Điều tra đánh giá này cung cấp một bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam.
Toàn cảnh Lễ công bố Điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) 2010-2011 |
Báo cáo cho thầy, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng trong cuộc sống của trẻ em Việt Nam theo vùng miền, giới, nơi cư trú, điều kiện kinh tế và dân tộc.
Trong lĩnh vực tiêm chủng, báo cáo cho thấy, ở Việt Nam hiện cứ 5 trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 23 tháng chỉ có hai em được tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời cũng có khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, hai trẻ em thành thị có một em ở được tiêm chủng đầy đủ trong khi ở nông thôn tỉ lệ này là một trên ba. Trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, các phát hiện của Điều tra MICS 2010-2011 cho thấy, hơn 7 trong số 10 người Việt Nam được tiếp cận nước uống và công trình vệ sinh được cải thiện.
Theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, “Với hơn 20 chỉ tiêu thuộc Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) thu thập được và hơn 100 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em và phụ nữ được tính toán, điều tra đánh giá, các mục tiêu phụ nữ trẻ em 2010-2011 ở Việt Nam, cung cấp các thông tin định lượng quan trọng khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, Mục tiêu Thiên niên kỷ, Tuyên ngôn và Kế hoạch hành động Một thế giới phù hợp với trẻ em; đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch hành động, cũng như Chương trình hành động Quốc gia vì Trẻ em giai đoạn 2011-2020.
Bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: “Báo cáo cung cấp bằng chứng cho thấy, ở hầu hết các lĩnh vực điều tra, người dân thuộc nhóm các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Các số liệu mà MICS4 đưa ra sẽ tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách xác định và định hướng nguồn lực tới những nhóm dân cư đang cần được quan tâm nhất này và đây cần là trọng tâm của các nỗ lực phát triển chung. Điều này cũng cho phép những lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đến được với phụ nữ và trẻ em thuộc mọi nhóm dân tộc, kinh tế và xã hội”.
Đánh giá cao báo cáo điều tra, ông Bruce Campell, Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam cho rằng: “Việc phân tích các số liệu MICS4 sẽ góp phần đem lại những bằng chứng khoa học phục vụ công tác xây dựng chính sách và chương trình trong nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau. Điều này cũng hỗ trợ song hành với việc thu thấp số liệu và phân tích từ các nguồn thông tin chính, như: tổng điều tra dân số, điều tra biến động dân số hàng năm và điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam. Việc sử dụng các số liệu từ các nguồn thông tin này là cần thiết để hình thành các số liệu trước can thiệp chính xác mà qua đó có thể đo lường được những tiến bộ trong phát triển”.
Tin, ảnh: Vũ Thành