Bảo vệ hình ảnh nghề giáo

GD&TĐ - Trong kế hoạch từng năm của Bộ GD&ĐT, truyền thông về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn là một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trong đó ưu tiên đẩy mạnh các bài viết về tấm gương người tốt, việc tốt, những thầy cô nỗ lực đổi mới sáng tạo trong dạy học...

Nhiều thế hệ thầy cô giáo đã và đang âm thầm hy sinh vì thế hệ tương lai ở mọi miền đất nước
Nhiều thế hệ thầy cô giáo đã và đang âm thầm hy sinh vì thế hệ tương lai ở mọi miền đất nước

Các hoạt động, sản phẩm truyền thông này góp phần không nhỏ cho xã hội thấy được hình ảnh đẹp của nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước; từ đó hiểu, trân trọng, đồng cảm, chia sẻ với nghề giáo hơn; động viên, khích lệ các thầy cô tiếp tục lao động, cống hiến tâm huyết cho ngành Giáo dục; có thêm động lực vượt qua áp lực kinh tế và sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với công việc của mình.

Đã có những thông tin, hình ảnh tích cực về người thầy “gây bão” trong dư luận. Đó là hình ảnh 4 cô giáo mầm non ở Phú Yên sẵn sàng hy sinh bản thân để cứu trò trong lũ dữ với thông điệp có sức lay động mạnh: “Thà cô chết chứ không để trò chết”. Đó là câu chuyện cổ tích về tình thầy trò của thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Trị) Đặng Văn Cương với cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể. Rồi cái tên thầy giáo Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai) cũng tạo nên “cơn sốt” trong dư luận và cộng đồng báo chí với hành trình 10 năm rong ruổi lên rẫy đưa học trò về lớp...

Thế nhưng, cũng có một thực tế rằng, bên cạnh những thông tin “gây bão” như trên, rất nhiều bài viết, hình ảnh, thông tin tích cực về người thầy vẫn bị lẩn khuất hay dễ dàng bị lướt qua trong muôn vàn thông tin giật gân, dễ thu hút khác. Và sự thật khá buồn, dường như những câu chuyện “ngược chiều” về hình ảnh người thầy có sức hút lớn hơn với báo chí và dư luận. Dù đó chỉ là những câu chuyện cá biệt, nhưng những hình ảnh không đẹp ấy đang dần bị một bộ phận công chúng mặc định mang tính “đại diện” cho cả một đội ngũ hơn một triệu người trong ngành Giáo dục.

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò người thầy đã quan trọng lại càng được nhấn mạnh hơn khi chúng ta chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Áp lực, thách thức và khó khăn đặt lên vai đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là rất nặng, rất lớn. Trước thách thức đó, công tác truyền thông tôn vinh đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, qua những câu chuyện về đạo đức nhà giáo vừa qua, một lần nữa, vấn đề bảo vệ hình ảnh nhà giáo càng đặt ra cấp thiết. Cần nhấn mạnh, đây là bảo vệ hình ảnh về nghề giáo chứ không phải bao che, hay bảo vệ cá nhân thầy cô sai phạm.

Để tôn vinh đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực sự hấp dẫn, cần tăng cường hơn các tấm gương đạo đức, thông tin phong phú, đa dạng về người thầy ở nhiều góc tiếp cận khác nhau; không chỉ khai thác hình ảnh người thầy ở vùng khó mà chú ý những tấm gương nỗ lực đổi mới sáng tạo trong dạy học. Đa dạng hóa hình thức thể hiện nhằm tạo ấn tượng với công chúng, để tấm gương người thầy thực sự có ý nghĩa tạo động lực và có sức lan tỏa. Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục trong toàn ngành Giáo dục, mỗi cá nhân, tập thể cần có ý thức giữ gìn, bảo vệ hình ảnh của mình, đồng nghiệp, từ đó giữ gìn, bảo vệ hình ảnh toàn ngành...

Ngày nay, xã hội phát triển ngày một phức tạp hơn, đặc biệt là sự nở rộ của các kênh truyền thông, mạng xã hội, với các sản phẩm công nghệ cao. Cùng với những áp lực từ công việc giảng dạy, từ trách nhiệm với học sinh, cơ quan, đồng nghiệp, cuộc sống mưu sinh, áp lực phải giữ gìn hình ảnh của người thầy càng nặng nề, khó khăn hơn bao giờ hết. Hy vọng rằng, truyền thông sẽ công tâm, cùng đồng hành, ghi nhận xứng đáng những nỗ lực, cố gắng ấy, để các thầy cô được chia sẻ trong công việc cao quý nhưng cũng đầy áp lực, khó khăn - nghề giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.