Nếu không có tình yêu, lòng trân trọng nghề, nếu không có tình người, mà cụ thể hơn đó là lòng yêu trẻ thì tôi quả quyết họ không bao giờ có được một nghị lực phi thường để đến, ở lại và gắn bó với những miền quê đầy heo hút. Họ tự nhận về mình những thua thiệt để làm chiếc bản lề mở ra phía ánh sáng, khép lại phía bóng tối, giúp cho con đường đến trường của HS mình bớt đi những gập ghềnh và thêm tin vào những điều tốt đẹp ở đời.
Kiên trì bám bản, bám trường
Một tuần lên lớp của các thầy cô giáo ở khắp 18 bản làng Ma Coong miền biên giới Thượng Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình) không phải là 5 ngày mà kéo dài từ 11 đến 14 ngày, gọi là một kỳ dạy. Giữa hai kỳ dạy, giáo viên được nghỉ 4 ngày để về thăm gia đình. Thế nhưng, như nhiều GV cảm thán, tiếng là được nghỉ 4 ngày nhưng đã mất hết 2 ngày đi đường. Nằm giáp biên giới Việt Lào, Thượng Trạch có địa hình vô cùng hiểm trở, dân cư phân bố rải rác nên ngoài điểm trường chính, Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch còn có đến 9 điểm trường lẻ nằm ở các bản làng hẻo lánh. Bản xa nhất phải đi bộ mất hơn 3 giờ đồng hồ.
Hầu hết các điểm trường đều không có nhà công vụ, nơi nào thầy cô không mượn được nhà dân thì lấy luôn lớp học hoặc thư viện làm chỗ ngủ… Bếp ăn là những căn nhà tre nứa dựng tạm. Nghe tôi dè dặt hỏi ba bên bốn bề là núi thế này, nhỡ đau ốm cấp cứu thì phải làm sao? Câu hỏi đưa ra khiến những GV có mặt đều lặng người. Cũng may là chưa có trường hợp thầy cô giáo nào đau ốm đến mức phải đưa đi cấp cứu, các loại thuốc chữa những bệnh thông thường thì lúc nào cũng phải tích trữ, “còn trữ cả thuốc để dành cho HS nữa” như lời tâm sự của nhiều GV nơi vùng biên viễn này.
Cái khó nhất, đòi hỏi ở GV sự khéo léo, kiên trì, nhẫn nại không phải ở việc dạy chữ mà là thuyết phục, vận động HS ra lớp. Thầy Trương Văn Lãm, Hiệu phó Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết, việc vận động trẻ em đồng bào Ma Coong ra lớp ở tất cả các điểm trường diễn ra quanh năm chứ không chỉ vào đầu mỗi năm học mới hoặc sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán hay kỳ thu hoạch lúa.
Bất kể ngày nắng, ngày mưa, bước chân của những người GV cắm bản cứ đều đặn đến các bản làng gọi trò trở lại lớp. Có trò tự nghỉ học, thấy bóng dáng thầy cô giáo, nhảy cái ùm xuống suối. Thầy cô đành đứng nhìn, chờ trời tối tìm đến tận nhà để vận động. Vận động trò đã khó, vận động phụ huynh còn khó hơn: “Thầy nói học chữ thì sáng cái mắt nhưng miềng phải lo miếng cơm để no cái bụng trước đã”.
Để HS có thể nghe giảng và hiểu bài tốt hơn, các GV ở Thượng Trạch, ngoài giờ dạy, còn tranh thủ học tiếng của đồng bào ở mọi lúc mọi nơi. “Ở trường chúng tôi, các GV thường truyền cho nhau các tập tài liệu mà những GV đi trước đã chịu khó phiên âm tiếng của đồng bào Ma Coong rồi cứ thế mà học.
Tiếp xúc với phụ huynh thường xuyên cũng là một cơ hội cho GV học hỏi, vừa là gắn kết tình nghĩa, cũng dễ vận động, thuyết phục HS ra lớp. Trẻ em ở vùng này nói tiếng Kinh còn chậm lắm. Muốn dạy các em thông con chữ phải biết nói tiếng đồng bào để giảng thêm cho các em”, thầy Lãm cho biết.
Gần mười năm gắn bó với những xã vùng đặc biệt khó khăn của mảnh đất Tây Giang (Quảng Nam), thầy Trần Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã A Tiêng đã bền bỉ làm nhiều công việc không tên: Xin quần áo, sách vở cho HS, làm cả tài xế đưa đón HS vượt đường xa về xuôi chữa bệnh, thậm chí còn “mạo hiểm” tổ chức cho HS về Tam Kỳ, Đà Nẵng đi du lịch cho biết “dưới xuôi” như thế nào…
Thầy Tuấn thì cho rằng những việc làm của mình có to tát gì đâu mà kể, chỉ là để cho HS bớt thua thiệt so với các bạn cùng trang lứa, để mỗi ngày đến trường của các em thực sự là một ngày vui. Kể về kỷ niệm “nhớ đời” của lần đưa 26 HS khá, giỏi xuống phố du lịch vào năm 2014, thầy Tuấn cho biết thầy phải làm đơn đề đạt nguyện vọng gửi BGH Trường THCS Lý Tự Trọng và Phòng GD&ĐT Tây Giang, cũng phải năm ba lần họp bàn vì chưa từng có trong tiền lệ.
“Nhưng khó hơn cả là thuyết phục phụ huynh đồng ý. Nhiều gia đình mới nghe thầy giáo ngỏ ý đã lắc đầu nguầy nguậy chỉ vì “sợ con bị bắt cóc”. Kiên trì thuyết phục mất khoảng hai tuần, những HS khá, giỏi của thầy Tuấn lần đầu tiên được tham quan tượng đài mẹ Thứ, thăm phố cổ Hội An, tắm biển ở Mỹ Khê…
Nhẹ như một bè lau
Với những người làm nghề giáo, mỗi năm lại miệt mài với con đò của riêng mình. Cô giáo Hồ Thị Tâm – GV Trường Quốc học (TP Huế), ví von “đó là những chuyến đò chở người qua một phần thời gian trong cuộc đời. Tôi gọi mỗi chuyến đò mình đã đưa ấy là mỗi bè lau, như cách ví von của Thiền sư Nhất Hạnh. Bởi mỗi chuyến sang sông, dẫu chở đến mấy trăm người khách, hay chỉ đơn độc một mình, đều mang lại cho tôi một cảm giác thênh thang của những người nhàn du trên cuộc đời mình”.
Như giải thích của cô giáo Hồ Thị Tâm, là bởi vì, cô “đã may mắn chở được những người khách có những tâm hồn quá đẹp. Những người khách mang trong hành trang của họ những vẻ đẹp tươi mới của lứa tuổi hoa niên.
Đó là môi thắm má hồng, là đôi mắt long lanh rạng rỡ, là mái tóc huyền xanh với đôi vai hướng về phía trước mạnh mẽ hân hoan, là đôi tay luôn vươn lên những ngày tháng tương lai sắp đến, là nụ cười hồn nhiên, là tiếng cười trong trẻo không chút phân vân ngần ngại trước cánh cửa của đời. Nên mỗi chuyến qua sông, chúng tôi đã đi bằng cả tâm hồn của mình, cưỡi lên sóng cả gió to, cưỡi lên những bất trắc chập chờn của sông hồ gian khó, để cập một bến mới dìu dịu thanh bình đầy màu sắc của tuổi trẻ nhân gian.
Và được làm người chèo thuyền đưa những tâm hồn đang lưu giữ những tình cảm tốt đẹp qua sông, với tôi là một ân huệ. Tôi nhìn những chuyến đò mình đã đưa qua sông, mỗi lứa HS, mỗi chuyến đưa khách qua sông xong, người đưa đò lại về bến cũ.
Nhưng những chuyến đò dài ngắn, vui buồn luôn khác nhau. Bến của hôm nay xa hơn hôm qua một chút. Bến của ngày mai chắc hẳn sẽ dài hơn bến cập hôm nay. Bởi, những người khách của mỗi thời luôn có sự tiến bộ khác nhau, họ tinh tế hơn, giỏi giang hơn, nhẽ tất nhiên cũng yêu cầu người chèo thuyền vững tay hơn nữa”.