Ươm mầm nơi cổng trời Lũng Luông

GD&TĐ - Có dịp đến những bản vùng sâu, vùng xa, gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn núi cao, chúng tôi mới hiểu thế nào là giá trị của sự dấn thân cống hiến. 

Ươm mầm nơi cổng trời Lũng Luông

Ở đó có những người thầy, không quản ngại vất vả, sự thiếu thốn về vật chất, vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, miệt mài bên trang giáo án, từng ngày gieo chữ trên những bản vùng cao.

Nhọc nhằn đường đến Lũng Luông

Con đường dẫn vào bản Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) vô cùng gian khó. Mặc dù một năm trở lại đây, con đường được đổ bê tông không theo bất cứ một tiêu chuẩn giao thông nào. Mặt đường chỉ rộng 2 mét, nhiều đoạn dốc dựng đứng, lái xe chỉ sơ ý một chút là xe rơi xuống vực sâu. Mỗi khi tránh xe ô tô vào bản, người dân đều phải nép sát bên lề đường, những ngày mưa, người dân bên đường phải rải trấu xuống mặt đường cho xe bớt phần trơn trượt.

Bản Lũng Luông nằm trong khu vực hiểm trở và khó khăn nhất của xã Thượng Nung - xã được xếp vào tốp khó khăn nhất của huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo của xóm chiếm trên 80%, địa bàn rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì lẽ đó, việc học hành của học sinh (HS) nơi đây cũng khó khăn không kém.

Trường Tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung) nằm cheo leo trên đỉnh núi, ngôi trường tuềnh toàng với những tấm bạt che ngăn gió lùa mùa đông rách nát, lớp học nền đất với những tấm ván ghép. Mái lợp bằng tấm xi măng nứt nẻ, chái nhà quây bằng phên nứa chẳng che được mưa tạt, gió lùa. Cảm giác về sự hoang sơ và nghèo nàn thật khó diễn tả. Thế nhưng, xua tan những hình ảnh hoang sơ của ngôi trường giữa rừng xanh ở cheo leo trên đỉnh núi này là tình cảm ấm áp của những thầy cô giáo nơi đây. Bằng lòng nhiệt huyết của mình, những thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, hàng ngày miệt mài dạy con chữ cho học trò.

Người thắp sáng những ước mơ xanh

Thầy Ma Văn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông, người gắn bó lâu nhất với ngôi trường này chia sẻ: Ra trường năm 1997, anh về điểm trường Tiểu học Lũng Cà (một điểm trường của Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung bây giờ) dạy học. Lúc ấy điểm trường mới thành lập, chỉ có 2 thầy (thầy Khanh và thầy Lương Hồng Liêm, hiện là Hiệu phó Trường PTDT bán trú, Tiểu học Sảng Mộc). Nhà bếp khi ấy trở thành nơi ở của hai thầy. Đây là điểm trường chỉ có 1 lớp học, với khoảng 50 học sinh, học sinh có em chỉ kém thầy 2 - 3 tuổi.

Giọng thầy Khanh trầm xuống khi nghĩ về những ngày đầu gian khổ gieo chữ nơi miền sơn cước này: “Xã Thượng Nung khi ấy như một “hoang đảo” xa xôi vì chưa có điện, nước sinh hoạt khan hiếm, nhất là vào mùa đông. Khi đến đây, cơ sở vật chất chẳng có gì, xung quanh không có nhà dân, toàn rừng hoang, hẻo lánh. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp là chính, do đường sá khó khăn, biệt lập với trung tâm huyện. Thực lòng khi mới ra trường, không ai muốn dấn thân vào những vùng khó. Nhưng khi đến rồi, ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hết được những cảnh khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao này, thấy gắn bó yêu thương hơn”.

Sau bao nhiêu năm cắm bản gieo chữ, giờ thầy Khanh như đã trở thành một người dân bản địa thực thụ, thầy đã thuộc làu từng con đường, từng thôn bản, từng nóc nhà của những bản làng. Có quá nhiều kỷ niệm về sự gắn bó của thầy với học sinh và người dân nơi đây, đó mãi là động lực để thầy luôn phấn đấu vì những mầm xanh của bản làng.

Yêu thương tạo nên sức mạnh

Ngày ấy đã qua 18 năm rồi, thầy bảo có lẽ cả cuộc đời cũng không bao giờ quên được bởi cái khó cái khổ thầy đã cùng dân bản trải qua. 5 năm ở điểm trường Lũng Cà, thầy được phân công làm Tổng phụ trách đội công tác cả Lũng Luông và Lũng Cà hơn 10 năm, sau đó được bổ nhiệm làm quản lý đi Khuổi Mèo, được 6 tháng, thầy lại được phân công về phụ trách Tiểu học Lũng Luông - nơi đây là điểm trường khó khăn hơn, nhưng nguyện vọng của thầy là muốn gắn bó với nơi này.

Thầy tâm sự, nhiều năm gắn bó với các bản làng ở vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện vật chất rất thiếu thốn, nhưng mỗi ngày lên lớp, các em học sinh người Mông hồn nhiên, thích thú nghe bài giảng chính là động lực khiến tôi say mê, gắn bó với nghề giáo hơn.

“Hàng chục năm ròng, cứ tinh mơ sáng thứ 2 hàng tuần, tôi và các thầy cô giáo lại đều đặn vác ba lô chứa đầy thức ăn và đồ dùng cần thiết cho cả tuần hướng phía núi cao mà đi. Từng phiến đá, ngọn cỏ trên lối mòn đã hằn vết chân của những người cõng chữ lên non, nuôi ước mơ cho lũ trẻ ở bản nghèo về một ngày mai tươi sáng. Một năm trở lại đây, có đường bê tông, việc đi lại cũng đỡ hơn nhiều, thế nhưng việc dạy và học của trẻ em vùng cao vẫn còn lắm gian nan”.

Cũng giống thầy Khanh, rất nhiều các thầy cô khác nơi đây trong trường đang vượt lên những khó khăn hàng ngày để gieo con chữ cho các em HS. Khó khăn là vậy, nhưng tình yêu thương và “cái tâm” làm nghề của các thầy cô, con đường đến trường và ước mơ của các em học sinh vùng cao sẽ bay cao, bay xa.

Cô giáo Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 23 cán bộ giáo viên chia làm 2 điểm trường dạy 147 học sinh với 100% là người dân tộc thiểu số. Nhà nào cũng nghèo nên việc vận động học sinh đến tuổi đi học đã khó, giữ chúng bám lớp càng khó khăn hơn, bởi đường xa, đói nghèo và tục tảo hôn. Từ tháng 10 năm học 2013 - 2014, được Quỹ trò nghèo vùng cao hỗ trợ, các em học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông đã có bữa ăn bán trú (4 bữa/tuần) 6 em được quỹ trò nghèo vùng cao nuôi luôn cả tháng, được 420.000 đồng/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ