"Tăng nhiệt" cho bài dạy
Cô Nguyễn Kim Anh chia sẻ: Người không hiểu thì nói nghề giáo viên nhàm chán, một bài nói đi nói lại cả trăm lượt. Nói vậy có vẻ coi thường nghề làm thầy. Bởi họ đâu có hiểu học trò ở mỗi lớp, trong mỗi buổi, tùy mỗi bài đều rất khác.
Các trò đâu phải ngồi như tượng nghe giảng. Những khúc mắc bất ngờ, những thông hiểu quá nhanh chóng. Vì hàm chứa nhiều tình huống biến đổi khác nhau, nên chúng ta thực hiểu: Dạy học là một nghệ thuật, và giáo viên là nghệ sĩ.
Theo tôi, người thầy như nghệ sĩ sân khấu, chứ không phải nghệ sĩ điện ảnh. Vì dạy học không giống phim, quay xong là thôi. Cũng có tiết xuất thần, không “tua” lại được ở lớp khác.
Bởi trong mỗi tiết dạy, người thầy có thể điều chỉnh khi bất ưng. Sân khấu bục giảng tiếp tục cho cơ hội sửa cái sai sau một phút, sau nửa tiết, sau một vài ngày. Dạy mấy tiết liền thấy không ổn lắm, thầy có thể tìm chiêu thức mới để “khuấy động”, tiếp lửa tạo sinh khí, tăng nhiệt cho bài dạy.
"Ở trường chúng tôi từng có cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học bằng tạo sinh khí dạy và học. Sinh khí không phải là nội dung, không hoàn toàn là phương pháp, cũng không hẳn là tâm thế song lại là điểm tựa cho cả nội dung, phương pháp, tâm thế và năng khiếu của người làm thầy để có sự sống động, hấp dẫn học sinh cho mỗi bài" - cô giáo Nguyễn Kim Anh trao đổi.
Theo cô Kim Anh, thầy cô luôn phải cố gắng trau dồi kiến thức không ngừng, không nhăn nhó, cáu gắt. Tuyệt đối không nói bóng gió hay thiếu tế nhị. Thầy cô sống tự nhiên mà không buông lơi.
Nếu chỉ mãi là cố gắng sẽ dễ mỏi mệt, nhưng nếu muốn cố gắng, thầy cô sẽ tự nâng bậc của chính mình. Đây phải là một công việc thường trực, bởi vì cố làm người tốt thì chỉ tốt khi đang cố.
Hết mình cùng học trò
Từ thực tiễn cô Kim Anh đã nghiệm ra rằng, yêu học trò là con đường ngắn nhất trong công việc của đời mình. Yêu bằng ánh mắt, bằng bàn tay, bằng vòng ôm với học trò khi cần và phù hợp. Bằng cả những cuộc điện thoại, tin nhắn kịp thời…
"Tôi biết, không nên trì hoãn, buông xuôi mà mỗi việc làm vì học trò đều cần đi đến cùng. Bên cạnh việc dạy có lửa, thì chúng tôi đã hát, đã nhảy, đã lắc vòng, đã diễn thời trang (cho dù từng lúng túng và mệt)… Tuổi của các con ưa cảm nhận sự “hết mình” của thầy cô trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nên ta phải hòa theo cách vui, cách sống trẻ của các con.
Tôi cũng luôn hiểu lòng tin tạo sự yên bền lâu nhất. Cần tế nhị trong mọi hoàn cảnh. Cần có quan điểm rõ ràng và có tầm của người làm thầy để nhìn trước những biến cố, nguy cơ mà trò hay lâm phải, khi con buông học, ngã chơi, sa yêu, lười…" - cô Kim Anh bộc bạch, đồng thời trao đổi:
Thực chất trong hoạt động dạy học, học sinh là người kiểm định sản phẩm, là “khách hàng” ăn và hưởng thụ kiến thức thầy “nấu”. Cũng gạo, cũng rau, cũng gia vị nhưng nấu thế nào để không ngán, và thỉnh thoảng lại có món ngon mới.
Những lúc trò không chịu “ăn”, lòng thầy cần như lòng cha mẹ, khi con suy dinh dưỡng thì thương đứt ruột, và nên "nếm thử" kiểm nghiệm chính món ăn mình nấu để điều chỉnh đỡ khổ trò, tội thân mình.
Thầy tìm, đổi cách dạy vì học sinh để trò có kiến thức thiết thực, kiến thức để dành. Công việc này tôi nghĩ rằng người thầy cần có tầm của người trên và biết truyền thụ kiến thức qua những biểu hiện thân thương.
Cô Kim Anh tâm niệm: Không một thầy cô nào lại có thể cứ lên lớp là nghĩ đến “lấy lòng” học sinh, chờ dịp bình chọn.
Hàng trăm tiết dạy, có những tiết được trò đón nhận nhưng cũng có tiết các trò chưa hào hứng. Bên cạnh nhiều ngày thầy, cô rạng rỡ, nhã nhặn cũng có những giai đoạn thầy cô phải ốp học, rèn kỷ luật khiến không khí lớp bị căng.
"Khi nào muốn trách phạt học sinh tôi thường nghĩ đến hình ảnh một đôi giầy trắng tinh khôi. Tựa như đi đôi giầy mới, ta sẽ rất giữ gìn, rón rén để tránh chỗ có bùn đất, nhưng khi đôi giầy đó có một vài vết bẩn rồi, ta sẽ không giữ nữa" - cô Kim Anh chia sẻ.