Bảo đảm chất lượng xây dựng chất lượng đề kiểm tra theo cấu trúc, định dạng mới

GD&TĐ - Xây dựng đề kiểm tra theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm chất lượng còn là khó khăn với các nhà trường.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh; Xuân Phú.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh; Xuân Phú.

Còn nhiều khó khăn

Cô Nguyễn Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng, trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho biết, hiện nay nhà trường đang tích cực xây dựng các đề kiểm tra theo cấu trúc và định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là một phần quan trọng trong đổi mới kiểm tra và đánh giá nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh.

Tuy nhiên, khi triển khai nội dung này, giáo viên còn có khó khăn do đòi hỏi sự điều chỉnh trong việc thiết kế đề kiểm tra, thiết kế mẫu chấm bằng máy quét, lập trình phần mềm chấm theo định dạng cấu trúc mới; trong khi tài liệu tham khảo còn thiếu.

Mỗi môn học có đặc thù riêng về kiến thức và kỹ năng, việc xây dựng đề thi theo định dạng chuẩn yêu cầu giáo viên hiểu rõ cấu trúc đề thi của từng môn, đồng thời phân loại được mức độ câu hỏi theo các tiêu chí khác nhau.

Với nhà trường, khó khăn là thiếu nguồn lực về thời gian và nhân sự. Việc thiết kế đề thi theo đúng cấu trúc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Nếu giáo viên kiêm nhiệm nhiều công việc khác như giảng dạy, quản lý lớp, có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư đủ thời gian cho xây dựng đề kiểm tra chuẩn. Một số giáo viên còn chưa quen với phương pháp, yêu cầu mới, cần thời gian để cập nhật và điều chỉnh phương pháp giảng dạy.

Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có các câu hỏi có sự phân hóa. Việc xây dựng đề kiểm tra cần đảm bảo tính vừa sức với học sinh trong quá trình học nhưng vẫn bám sát yêu cầu của đề thi từ 2025.

Ngoài ra, giáo viên có thể gặp khó khăn trong việc tự xây dựng hệ thống câu hỏi chuẩn hóa và đánh giá năng lực học sinh nếu không có công cụ hay hệ thống hỗ trợ.

Giải pháp khắc phục

Chia sẻ giải pháp khắc phục các khó khăn nói trên, cô Nguyễn Thị Diễm Trang cho rằng, trước hết cần tập huấn cho giáo viên để thầy cô nắm bắt kịp thời các thay đổi mới nhất về cấu trúc đề thi từ Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tạo cơ hội để giáo viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc thiết kế đề thi. Cũng cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về cách xây dựng, sử dụng đề kiểm tra theo định dạng mới, bảo đảm giáo viên nắm rõ yêu cầu và tiêu chí của đề thi.

Xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa: Mỗi môn học có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi bao gồm các câu hỏi theo từng mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng; chọn lọc câu hỏi phù hợp và đồng thời bảo đảm tính chuẩn xác, khoa học của đề thi.

Phối hợp với các trường khác: Tạo mối liên kết với các trường THPT chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực trong việc xây dựng đề thi, giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, tăng tính đồng bộ giữa các nhà trường.

Nhà trường có thể tổ chức các kì thi thử nhằm đánh giá mức độ phù hợp của đề thi với năng lực học sinh. Dựa trên kết quả thi thử, nhà trường sẽ điều chỉnh đề thi cho sát với yêu cầu và năng lực thực tế của học sinh.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ vào việc thiết kế, lưu trữ và quản lý ngân hàng đề thi giúp tối ưu hóa thời gian và công sức cho giáo viên, đồng thời giúp việc cập nhật các thay đổi về cấu trúc, định dạng đề thi trở nên dễ dàng hơn.

Phân công trách nhiệm rõ ràng: Nhà trường có thể thành lập các tổ chuyên môn, mỗi tổ phụ trách một môn học cụ thể để xây dựng đề thi theo chuẩn. Điều này giúp phân bổ công việc hiệu quả và nâng cao chất lượng đề thi của từng môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.