Từng bước làm quen với đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025

GD&TĐ - Các nhà trường có nhiều giải pháp để thầy trò làm quen với cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) cho học sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) cho học sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT quy định tại Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT.

Theo đó, về cấu trúc, đề Ngữ văn theo hình thức tự luận, thi trong thời gian 120 phút, gồm hai phần Đọc hiểu và Viết.

Các môn còn lại, hình thức thi là trắc nghiệm với ba phần. Phần I gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm với 4 phương án; yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng.

Phần II gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai.

Phần III gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án.

Thầy Trần Văn Hân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, nhà trường đã triển khai để giáo viên từng bước làm quen dần với cấu trúc mới trong đề kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ, đảm bảo yêu cầu cần đạt của từng môn học. Tiến đến tuân thủ theo đúng cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, thầy Trần Văn Hân cũng chia sẻ khó khăn bởi hiện nay đang thực hiện đồng thời 2 chương trình nên việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn lúng túng, nhất là yêu cầu cần đạt và định dạng, cấu trúc câu hỏi; giáo viên phải có thời gian tiếp cận, nghiên cứu và thay đổi.

Nguồn tài liệu để tham khảo chưa nhiều; giáo viên chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về cấu trúc, định hướng nội dung đề thi mới cũng là một khó khăn.

Thời gian làm bài và số lượng câu hỏi của từng môn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Thời gian làm bài và số lượng câu hỏi của từng môn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường. Khắc phục điều này, kinh nghiệm của Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế), theo thầy Đỗ Cao Long, Tổ trưởng tổ Toán, cần tổ chức phân tích, thảo luận cấu trúc đề thi, mức độ câu hỏi, dạng thức câu hỏi để toàn thể giáo viên trong tổ nắm rõ và thống nhất áp dụng trong nhà trường.

Để có được đề kiểm tra, đề thi tốt, tổ chuyên môn cần phân công giáo viên soạn ma trận, đặc tả và đề đề xuất trước tuần kiểm tra một tháng trở lên. Trong quá trình tổ hợp đề thi, nếu gặp câu hỏi chưa đạt sẽ báo tổ trưởng chuyên môn để yêu cầu giáo viên soạn lại.

Hiện nay, học sinh chọn môn học theo sở trường, năng lực, nên mỗi giáo viên phải tự soạn đề đề xuất dựa trên trình độ học sinh lớp mình dạy. Giáo viên có trách nhiệm tổ hợp các đề thi cần chọn được nét chung, câu hỏi tốt, mức độ phù hợp, đảm bảo theo các chỉ báo của yêu cầu cần để đưa vào đề tổ hợp.

“Đầu năm học 2024-2025, Trường THPT Đặng Trần Côn yêu cầu mỗi giáo viên phải soạn được ít nhất một đề theo cấu trúc mới và trình bày trong sinh hoạt chuyên môn của tổ để thảo luận, góp ý. Qua đây, tổ chuyên môn cũng sẽ nắm được giáo viên nào chưa nắm rõ các yêu cầu khi soạn đề”, thầy Đỗ Cao Long chia sẻ.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm soạn câu hỏi, đề kiểm tra theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, thầy Vũ Ngọc Hòa, giáo viên môn Toán Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) nhấn mạnh trước tiên đến việc chọn giáo viên có chuyên môn giỏi và luôn cập nhật các quy định mới để làm đề. Sau khi đề thi được sử dụng thì phân tích dữ liệu để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng đề tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.