Lưu ý dạy học, ôn tập Ngữ văn từ định dạng đề tốt nghiệp THPT 2025

GD&TĐ - Phân tích đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025, cô Đình Thị Thuỷ, Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) đưa lưu ý để giảng dạy, ôn tập tốt môn học này.

Thầy trò Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) trong giờ học.
Thầy trò Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) trong giờ học.

Thấy gì từ đề minh họa

Phân tích đề minh họa cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, cô Đình Thị Thủy cho biết, đề có điểm kế thừa là giữ cấu trúc 2 phần đọc hiểu và Làm văn; có kĩ năng nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Về phạm vi kiến thức, ngữ liệu phần đọc hiểu, nghị luận xã hội nằm ngoài chương trình sách giáo khoa; nghị luận văn học về các thể loại truyện/thơ/kịch…; kiến thức xã hội.

Ngoài những kế thừa trên, đề minh họa có những điểm mới như sau:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU


Trước 2025

Từ 2025

Số điểm

3 điểm

4 điểm

Số câu hỏi

4 câu

5 câu

Tính chất câu hỏi

Chú trọng các đặc điểm hình thức, nội dung: phương thức biểu đạt, lý giải nghĩa, ý nghĩa của từ/câu, thể hiện quan điểm về vấn đề…

Bên cạnh các câu hỏi về đặc điểm hình thức, nội dung: phương thức biểu đạt, lý giải nghĩa, ý nghĩa của từ/câu, thể hiện quan điểm về vấn đề …, đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 bổ sung những câu hỏi liên quan đến đặc trưng thể loại, các câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng, liên hệ với thực tiễn

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1

Viết đoạn nghị luận xã hội

Linh hoạt giữa câu 1 và câu 2. Ngữ liệu cả hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều nằm ngoài SGK.

Nếu ngữ liệu ở phần Đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội sẽ viết đoạn văn còn phần nghị luận Văn học sẽ yêu cầu viết bài văn.

Ngược lại, nếu phần đọc hiểu có ngữ liệu là văn bản Văn học hoặc văn bản nghị luận văn học thì đề nghị luận xã hội sẽ yêu cầu làm bài văn, nghị luận văn học sẽ yêu cầu viết đoạn văn.

Tổng độ dài các ngữ liệu trong đề thi không quá 1300 chữ.

Câu 2

Viết bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm/đoạn trích thơ/văn/kịch đã được học trong chương trình SGK THPT (chủ yếu chương trình lớp 12).

Phần đọc hiểu trong đề minh họa tăng 1 điểm, tạo cơ hội cho học sinh “kiếm điểm” ở những câu trả lời ngắn.

Số lượng câu hỏi đọc hiểu tăng 1 câu, vấn đề được hỏi xoay quanh đặc điểm hình thức, nội dung và liên hệ vấn đề với thực tế. Về cơ bản không có điểm khác biệt lớn các loại câu hỏi trong đề thi những năm trước đây. Tuy vậy, cô Đình Thị Thủy lưu ý, đề mới sẽ xuất hiện thêm các câu hỏi về đặc trưng thể loại.

Ví dụ, thể loại truyện ngắn sẽ có thể xuất hiện các câu hỏi: ngôi kể, nhân vật, nhân vật trung tâm, điểm nhìn, sự dịch chuyển điểm nhìn. Thơ ca có thể hỏi: nhân vật trữ tình, giọng điệu, hình ảnh, hình ảnh trung tâm, cấu tứ…

Ngoài ra, các câu hỏi về biện pháp tu từ cũng có thể yêu cầu học sinh xác định, nhận diện cụ thể hơn đặc điểm, kiểu loại của biện pháp tu từ (ví dụ biện pháp so sánh đơn, so sánh kép).

Nghĩa là, trong quá trình dạy và học, giáo viên và học sinh cần nhạy bén trong việc tiếp nhận, nhận diện, đánh giá cụ thể, sâu sắc các biểu hiện của đơn vị kiến thức từ chính bài học cụ thể.

Phần Làm văn có tỉ lệ điểm thấp hơn so với đề thi những năm trước 1 điểm, phần này cũng có sự linh hoạt giữa yêu cầu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Nếu đề thi từ năm 2024 trở về trước cố định câu nghị luận xã hội là đoạn văn 200 chữ (với 2 điểm), nghị luận văn học là bài văn (với05 điểm, ngữ liệu trong SGK) thì đề thi từ 2025 sẽ linh hoạt, có thể yêu cầu học sinh viết đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học hoặc viết bài nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học. Phần đoạn văn khoảng 200 chữ với 2 điểm, phần bài văn khoảng 600 chữ với 4 điểm.

Vấn đề nghị luận trong đoạn/bài Nghị luận xã hội không nhất thiết phải liên quan đến ngữ liệu phần đọc hiểu.

Nghị luận văn học sẽ yêu cầu đa dạng kiểu bài: phân tích đánh giá văn bản, so sánh hai văn bản, phân tích làm rõ một đặc điểm của thể loại qua văn bản…

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Lưu ý trong dạy học, ôn tập

Từ phân tích trên, cô Đình Thị Thủy đưa ra những lưu ý trong dạy học, ôn tập môn Ngữ văn. Theo đó, điều cô lưu ý đầu tiên là việc dạy học, ôn tập cần bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018: phát triển năng lực, phẩm chất của người học, học sinh phát triển khả năng đọc, viết, nói nghe, thể hiện được quan điểm, chính kiến, vốn hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội, các đặc điểm của các thể loại văn học…

Cùng với đó, căn cứ vào hướng dẫn của chương trình và đề thi tham khảo, giáo viên, học sinh cần nắm rõ ngữ liệu ra trong đề thi ở các phần đều không nằm trong SGK.

Do đó, giáo viên xác định rõ yêu cầu cần đạt của chương trình, yêu cầu cần đạt của mỗi bài học đối với học sinh, đặc biệt không nặng nề và dành quá nhiều thời gian để giảng giải nội dung cụ thể của văn bản mà quên đi kiến thức về thể loại, về đặc điểm và cách thức phản ánh đời sống của thể loại văn bản đó.

Cũng như vậy, học sinh sau mỗi bài học cần nắm đầy đủ, bản chất thể loại và đặc điểm, cách thức triển khai, phản ánh đời sống của thể loại để khi gặp bất cứ ngữ liệu nào trong đề thi cũng không lúng túng trong việc giải mã yêu cầu của đề.

Cần tăng cường các hoạt động luyện tập, vận dụng để học sinh có cơ hội tư duy sâu sắc về vấn đề, biết liên hệ, vận dụng vào đời sống để giải quyết chính những vấn đề mà đời sống đặt ra (đây là mục tiêu quan trọng mà chương trình SGK mới hướng tới).

Giáo viên chú trọng dạy học sinh nhuần nhuyễn kĩ năng viết nghị luận. Theo đề thi minh họa thì từ 2025, các đề thi sẽ có sự linh hoạt trong yêu cầu viết dạng đoạn hoặc bài văn cho cả hai kiểu bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Vì vậy, giáo viên chú trọng rèn kĩ năng viết nghị luận xã hội, nghị luận văn học ở cả 2 dạng trên (đoạn văn và bài văn). Có như vậy các em mới chủ động, tự tin thực hiện được yêu cầu của đề thi.

Về phía học sinh, các em cần soạn bài, chuẩn bị bài học trước khi học trên lớp để quá trình học không bị lúng túng, cản trở bởi các đơn vị kiến thức mới.

Các em cũng cần chủ động đọc bổ sung các văn bản ngoài sách giáo khoa, quan tâm đến các vấn đề xã hội, rèn luyện tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy phản biện để viết bài nghị luận sắc sảo, thuyết phục, hấp dẫn.

Giáo viên và học sinh phát huy các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học. Trong đó, dạy học theo dự án, phương pháp làm việc nhóm… sẽ giúp học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, cộng tác trong tìm kiếm thông tin tri thức, giúp các em có cơ hội nhiều hơn thể hiện chính kiến, quan điểm, kích thích sự phát triển tư duy phản biện.

Đây là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển năng lực, phẩm chất của người học, đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.