Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Ngoại ngữ, trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 nhận được sự quan tâm lớn của những người trong ngành Giáo dục, học sinh, phụ huynh học sinh.
“Bộ GD&ĐT đã dự kiến một số điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025, tôi nhận thấy có nhiều điểm phù hợp và kịp thời”. Đưa nhận định này, cô Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, số buổi thi giảm từ 4 xuống còn 3 giúp giảm các chi phí liên quan, giảm áp lực và sự mệt mỏi cho thí sinh cũng như những người làm nhiệm vụ thi.
Về thay đổi liên quan đến môn thi, việc bổ sung môn Tin học và Công nghệ để học sinh lựa chọn là hoàn toàn hợp lý; mở rộng cơ hội lựa chọn của học sinh phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Đề thi bổ sung thêm các dạng thức câu hỏi đúng/sai, trả lời ngắn bên cạnh câu trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng, giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò của học sinh. Điều này góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực. Nội dung đề có tính phân hoá cao hơn, học sinh không thể học học tủ, học vẹt nếu muốn đỗ vào các trường đại học tốp đầu.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà cũng bày tỏ đồng thuận với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức thi vì thuận tiện hơn cho thí sinh và tăng cường tính bảo mật đối với đề thi. Cụ thể, tất cả thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến; xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm Kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số; truyền tải đề thi có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Liên quan đến việc xét công nhận tốt nghiệp, tăng tỷ lệ đánh giá quá trình học tập cả 3 năm 10, 11, 12 giúp đánh giá toàn diện cả quá trình học tập của học sinh. Các em sẽ phải nỗ lực phấn đấu trong suốt thời gian học THPT, không chỉ mỗi lớp 12.
Thầy Phan Trọng Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, Bến Tre nhận định: Thay đổi liên quan đến môn thi, đề thi như đã công bố trong Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tính đột phá. Trong đó môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) là những môn lần đầu tiên được tổ chức thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này làm rõ quan niệm học gì thi nấy và đáp ứng nhu cầu trong chọn môn thi của học sinh.
Việc bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm và tăng cường tính phân hoá của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của Kỳ thi như đã công bố trong Phương án thi giúp cho quá trình tổ chức dạy học và học tập của học sinh sẽ thay đổi.
“Học sinh bắt buộc phải nắm chắc kiến thức, kỹ năng và vận dụng các kiến thức đã học trong giải quyết các vấn đề thực tiễn. Phương pháp dạy học và đánh giá của giáo viên cũng phải thay đổi mới đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi”, thầy Phan Trọng Hải cho hay.