Mới đây Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát cho phép đánh giá trình độ kiến thức của sinh viên các nước khác nhau. Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Bài viết sau đây cho biết tại sao sinh viên Nhật Bản và Phần Lan có thể thông minh hơn sinh viên Anh và Mỹ.
Hiện nay trong hệ thống các trường đại học, đẳng cấp đóng vai trò quan trọng. Một ví dụ rất rõ là các bảng xếp hạng quốc tế của các trường đại học. Khi đánh giá một trường đại học nào đó ở đây người ta chú ý tới nhiều yếu tố: từ uy tín và mối tương quan giữa số lượng sinh viên và giảng viên đến số lượng các công trình nghiên cứu khoa học. Nhưng dù sao cho đến nay, năng lực học tập của sinh viên chưa được so sánh trong bất kỳ một bảng xếp hạng nào.
Mới đây Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế trong báo cáo thường niên của mình Education At A Glance đã công bố kết quả khảo sát nhằm đánh giá năng lực của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học khác nhau.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: chiếm các vị trí hàng đầu trong danh sách thu được hoàn toàn không phải là các trường đại học mà chúng ta quen nhìn thấy trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế (ở đây, thông thường, đứng đầu bảng là các trường đại học Anh và Mỹ: Harvard, Stanford, Đại học công nghệ Massachusetts, v.v…).
Tuy nhiên, trên quan điểm trình độ kiến thức của sinh viên tốt nghiệp thì đứng đầu không phải là Anh và Mỹ, mà là Nhật Bản và Phần Lan. Theo bình chọn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế “10 nước xuất sắc nhất” gồm: Nhật Bản, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Na Uy, Bỉ, New Zealand, Anh, Mỹ.
Nhìn vào danh sách ta thấy, các nước top trên (Nhật Bản, Phần Lan, Hà Lan…) không giữ những vị trí hàng đầu trong các bảng xếp hạng giáo dục truyền thống. Ngay cả sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Úc, Na Uy hình như cũng thể hiện kết quả học tập tốt hơn sinh viên các trường thuộc Hiệp hội 8 trường đại học lâu đời nhất của Mỹ (Lvy League)1, trong đó có các trường đứng đầu các bảng xếp hạng QS, THE và các bảng xếp hạng lớn khác.
Đồng thời trong top 100 đại học xuất sắc nhất của thế giới có 32 đại học Mỹ và chỉ có 1 đại học của New Zealand hiện diện, mặc dù sinh viên tốt nghiệp từ New Zealand theo kết quả khảo sát trên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, có khả năng giành được thành tích học tập cao hơn so với các “đồng nghiệp” Mỹ.
Công trình khảo sát của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế cũng đề cập đến sự tương quan giữa chất lượng giáo dục và mức đầu tư kinh phí. Ví dụ, Đan Mạch với mức học phí vừa phải lại vượt Mỹ và Vương quốc Anh, nơi học phí cao hơn nhiều.
Các kết quả khảo sát còn cho biết tại sao kết quả học tập tốt ở trường phổ thông không phải bao giờ cũng gắn liền với thành tích ở đại học. Singapore và Hàn Quốc là những nước có nền giáo dục phổ thông phát triển lại rơi vào nửa sau của các bảng xếp hạng đại học quốc tế. Còn các trường đại học của Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp đứng cuối các bảng xếp hạng các trường đại học.
Ông Andreas Schleicher, vụ trưởng Vụ giáo dục của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế coi những kết quả thu được là minh chứng rằng những người có bằng cấp chuyên môn như nhau trong thực tế năng lực có thể khác nhau. Tất cả họ có thể có học vị, nhưng sự khác nhau ở chỗ chất lượng giáo dục đại học mà họ nhận được cao đến mức nào.
“Kết quả các cuộc khảo sát của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế có thể khác với các bảng xếp hạng đại học truyền thống, nhưng không nên so sánh hai khảo sát này với nhau, - ông Ben Sowter, tổng biên tập bảng xếp hạng đại học thế giới QS (Quacquarelli Symonds), nói. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế nghiên cứu các tiêu chuẩn của các hệ thống giáo dục quốc gia, trong khi đó các bảng xếp hạng đại học tập trung vào những đại diện thành công nhất của các trường đại học riêng lẻ.
Ồng Ben Sowter bổ sung thêm rằng nếu như có thể lưu ý đến từng trường đại học Mỹ khi lập bảng xếp hạng thì các nhà khảo sát có thể thấy rõ rằng mỗi trường trong đó có cả những mặt mạnh lẫn nặt yếu. Hệ thống giáo dục Mỹ hết sức không đồng nhất, nhưng do tập trung vào các trường tinh hoa nên các bảng xếp hạng đại học không thể nhận thấy điều đó.
Trong khi đó, bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới của QS 2016-2017 như sau:
Đại học công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học công nghệ California, Đại học Oxford, Đại học London (University College London), Đại học kỹ thuật Zurich của Thụy Sĩ, Đại học hoàng gia London, Đại học Chicago.
“Về chất lượng giáo dục cao của sinh viên tốt nghiệp của mình Phần Lan chịu ơn hệ thống giáo dục phổ thông cũng như các trường đại học”, ông Ben Sowter giải thích. Và hình như, vào học một trường đại học kém ở Phần Lan còn khó hơn làm điều đó ở Mỹ.
Theo ông Ben Sowter, công trình khảo sát của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế cho phép đề cập tới một vấn đề bức thiết- những ưu tiên phân phối ngân sách giáo dục: liệu có cần duy trì một trình độ giáo dục cao như nhau ở tất cả các trường đại học hay tốt nhất là tập trung vào một số trường chủ chốt của đất nước. Theo ý kiến của ông, kết quả khảo sát là cơ sở kinh tế đầy đủ để đạt được những tiêu chuẩn giáo dục cao ổn định, chứ không chỉ đơn giản là lập các biểu đồ cao, thấp của các trường đại học.
Hệ thống bảng xếp hạng các trường đại học có thể phát hiện ra những khác biệt giữa các trường đại học riêng lẻ, nhưng hình như nó không thể đánh giá trình độ giáo dục trong nước nói chung.
Tổ chức hơp tác và phát triển kinh tế cũng xây dựng Chương trình quốc tế về đánh giá thành tích học tập của học sinh (PISA test), trong khuôn khổ của nó mỗi năm ba lần các trường phổ thông từ 70 nước tham gia.
Mới đây các chuyên gia đã đề nghị tiến hành các cuộc điều tra như vậy đối với sinh viên nhằm mục đích so sánh các trường đại học. Thế nhưng, không phải tất cả các trường đại học, đặc biệt ở Mỹ, chấp nhận ý tưởng này một cách hào hứng, tuy nhiên ngay cả khi phương pháp tính toán các kết quả của các bảng xếp hạng như vậy gây ra sự hoài nghi thì cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của chúng.
Năm nay khi Đại học Oxford lần đầu chiếm vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng các trường đại học theo bình chọn của The Times, thông tin này đã trở thành một trong những thông tin chính trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng ở Anh. Nhưng, nếu tin vào các bảng xếp hạng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thì không phải sinh viên Anh, mà là sinh viên Phần Lan và Nhật cần ăn mừng chiến thắng.