Trường đại học châu Á nào sẽ lọt top 10 của thế giới?

GD&TĐ - Nếu các trường châu Á lọt vào top 10 đại học tốt nhất thế giới, ứng cử viên sáng giá nhất sẽ là trường nào? Theo bảng xếp hạng QS 2018, rất có thể đó chính là trường Đại học công nghệ Singapore (NTU Singapore). NTU đã ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng QS mới công bố đầu tháng 6 vừa qua. Đây là xếp hạng cao nhất của một trường đại học ở châu Á.

Trường đại học châu Á nào sẽ lọt top 10 của thế giới?

Vượt trội về kỹ thuật công nghệ

Thành tựu mà NTU Singapore đạt được rất đáng ngưỡng mộ nếu xét về tuổi đời của nó. Được thành lập năm 1991, trong 3 năm liên tiếp ngôi trường này đã đứng đầu vào danh sách top 50 trường tốt nhất thế giới có tuổi đời chưa tới 50. Đây là một thành tích chưa có tiền lệ.

NTU Singapore tiến lên trong bảng QS rất nhanh, năm 2010 xếp thứ 63, năm 2015 xếp thứ 26, năm ngoái xếp thứ 13 trước khi ngấp nghé vị trí thứ 10 vào năm nay.

Do không dùng các chỉ số đo lường giống nhau nên vị trí của NTU Singapore cũng rất khác nhau ở các bảng xếp hạng. Theo Bảng xếp hạng Giáo dục bậc cao (THE) của Anh, NTU Singapore xếp thứ 54, đứng sau 6 trường ĐH ở châu Á khác. Trong bảng xếp hạng các trường đại học năm 2016 của Thượng Hải, Singapore không lọt được vào top 100.

Theo ông Richard Holmes, biên tập viên trang tin xếp hạng trường đại học, một yếu tố khiến NTU Singapore tiến nhanh là có sự thay đổi trong phương pháp xếp hạng của QS. “Nếu so sánh điểm số của NTU Singapore trong xếp hạng của QS trong năm 2014-2015 với điểm trong năm 2016-2017, các chỉ số đều rất giống nhau, trừ một ngoại lệ. Đó là điểm về tỷ lệ giảng viên có bài khoa học được trích dẫn tăng từ 42,6 lên 83,3%.

“Điều này không phải do NTU Singapore xuất bản thêm nhiều bài báo hay được trích dẫn nhiều hơn mà do QS đưa ra chủ đề chuẩn hóa năm 2015 và việc này ảnh hưởng tới các trường đại học mạnh về ngành y (NTU chỉ có một trường y kể từ năm 2013) và ưu ái hơn với những trường mạnh về kỹ thuật công nghệ như NTU. Bạn có thể nói rằng NTU là một trong top 3 hay top 5 trường châu Á, thậm chí là số 1 về kỹ thuật và công nghệ, nhưng mọi yếu tố khác thì nó không thể đứng đầu, thậm chí khi so với các trường trong nước” – ông Richard Holmes nói.

Thành công nhờ thay đổi tư duy

Hiệu trưởng của NTU, giáo sư Bertil Andersson, cho rằng vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng QS mà Singapore đạt được là vị trí cao nhất chưa có trường đại học trẻ nào đạt được bằng cách “thay đổi tư duy”. Theo ông, NTU đã “nghiên cứu sâu hơn, thiết kế các chương trình học thuật và nghiên cứu sáng tạo, xây dựng các cơ sở mới” trong một khoảng thời gian ngắn.

Ông Andersson nói rằng việc NTU tiến lên trong các bảng xếp hạng là do trường đã thành công trong việc thu hút “đội ngũ giảng viên hàng đầu, đầy hứa hẹn và những sinh viên sáng giá nhất”. “Ngày nay, những nhà khoa học trẻ chiếm 8% đội ngũ giảng viên nhưng những trích dẫn của họ chiếm 40% của NTU trong các tạp chí nghiên cứu hàng đầu. NTU có một tương lai rất sáng sủa” – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trong bảng xếp hạng QS mới nhất, đội ngũ giảng viên quốc tế của NTU tiếp tục xếp thứ 19 trên thế giới, trong đó danh tiếng về học thuật đã tăng lên 3 bậc lên thứ 50 và số trích dẫn của giảng viên tăng 7 bậc lên thứ 57. NTU đã có sự tiến bộ lớn nhất về uy tín đối với nhà tuyển dụng, tăng 10 bậc và xếp thứ 38 trên thế giới.

Giám đốc nghiên cứu Ben Sowter của QS nói rằng sự tăng hạng của NTU là một minh chứng cho thấy “một mô hình tập trung, chọn lọc, sự lãnh đạo kiên quyết và nhất quán, gắn kết với một kế hoạch đầy tham vọng và một cách tiếp cận triệt để trong hợp tác quốc tế”. NTU có tới 400 hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trên thế giới.

Ông Anderson nói thêm rằng Singapore là một quốc gia có sự tin tưởng vững chắc vào tầm quan trọng của giáo dục và nghiên cứu nên đầu tư nhiều cho nó. Sự chuyển đổi của chính phủ sang tập trung vào các trường đại học năm 2006 đã tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt tự định hướng cho mình với vai trò là trường tự trị.

Ngày nay NTU Singapore đang dẫn đầu các trường đại học hàng đầu châu Á với các trích dẫn khoa học có ảnh hưởng trong nghiên cứu.

Danh tiếng về đổi mới

Tự hào là một trong các trường kỹ thuật lớn nhất thế giới, NTU đã xây dựng được danh tiếng về những đổi mới của mình trong lịch sử 26 năm và mối quan hệ chặt chẽ với các ngành công nghiệp. Trong 5 năm qua, NTU Singapore đã thiết lập được các phòng thí nghiệm chung trên khuôn viên rộng 200 hecta với các công ty hàng đầu thế giới như Rolls Royce, BMW, Johnson Matthey, Lockheed Martin…

NTU có một trong những chiếc chiếc xe tự lái đầu tiên trên thế giới đang vận hành trong trường. Trường cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thám hiểm vào vũ trụ qua 7 vệ tinh quay quanh Trái đất và vệ tinh được phóng lên gần đây nhất từ Trạm quốc tế là vào tháng 1 năm nay.

Một điểm cộng nữa cho NTU là các nhà khoa học ở đây vừa tuyên bố phát triển thành công các tế bào năng lượng mặt trời được làm từ “vật liệu kỳ diệu” Perovskite, có khả năng thay đổi ngành năng lượng tái tạo.

NTU còn tự hào có điểm mạnh ở nhiều ngành học như kỹ thuật, khoa học, kinh doanh, giáo dục, nhân văn, nghệ thuật và khoa học xã hội. Trường kinh doanh Nanyang của NTU thường xuyên nằm trong số các trường kinh doanh hàng đầu châu Á, chương trình MBA ở đây được tạp chí Economist đánh giá tốt nhất Singapore từ năm 2004.

Là cơ sở đào tạo giáo viên duy nhất ở Singapore, tất cả các giáo viên hàng đầu quốc gia này đều được đào tạo ở NTU.

Đặc biệt, một trong những thế mạnh của NTU còn nằm ở sự cam kết của trường đảm bảo cho 80% sinh viên có trải nghiệm ít nhất 1 năm học tập ở nước ngoài.

Nằm trong một khuôn viên trường lọt 15 đẹp nhất thế giới, NTU là nơi học của 33.000 sinh viên và 5.000 giảng viên cùng các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, NTU có thêm chi nhánh ở Novena – khu vực y tế của Singapore.

Kiến trúc mang tính biểu tượng ở khuôn viên chính của NTU phản ánh tham vọng vì môi trường và cam kết đổi mới của mình. Ví dụ như trường Nghệ thuật, thiết kế và truyền thông của NTU Singapore. Đó là một tòa nhà hình tròn nằm dưới mái cong phủ một lớp cỏ xanh mướt bên trên và bên trong có những hồ nước nhỏ và đài phun nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ