Bạn lính

GD&TĐ - Nghĩa kể chuyện học, tôi nói chuyện nhà. Hai thằng rì rầm chuyện trò bất cứ khi nào có dịp.

Bạn lính

Với tay lấy chiếc điếu cày dựng trong một chiếc xô nhựa màu đỏ, ông Nghĩa cẩn thận nghiêng điếu xì xì mấy lần cho khói tồn trong điếu ra hết rồi mới vê vê mồi thuốc lào. Ông lại cẩn thận nhồi mồi thuốc vào nõ điếu, dùng ngón tay cái ấn ấn vén vén mấy lần cho nó nằm gọn gàng trong đó.

Lại với tay lựa thanh đóm tre để trong ống tre được ngoắc vào thành chiếc xô nhựa. Lại cẩn thận quệt bật lửa gas, chờ cho thanh đóm bén lửa cháy thành ngọn to, ông mới dí vào nõ điếu cày. Ông Nghĩa bập bập mấy nhịp, mồi thuốc trong nõ cháy đỏ lừ.

Vẫn tay cầm ống điếu cày nhưng đầu nõ ghé vào thành miệng chiếc xô nhựa, ông Nghĩa xì mạnh một cái rồi lại cẩn thận nâng điếu cày lên ngang tầm mặt. Một hơi rít vừa dài vừa kêu giòn tan. Ông Nghĩa ngửa đầu phả làn khói xanh đậm về phía trước.

Lại cũng cẩn thận chờ cho khói từ trong miệng ra hết, ông mới đặt ống điếu vào chiếc xô nhựa màu đỏ. Quay sang phía tôi đang ngồi chờ đợi, ông Nghĩa chậm rãi nói, giọng kiểu như vừa chiêm nghiệm vừa pha chút hài hài:

- Không ngờ cái tên “Nghĩa lợn”, có từ cái hồi anh em mình ở sư bộ, nó lại vận vào tao thật mày ạ. Giờ thấy tao ở đâu là người ta cứ “Nghĩa lợn” mà réo.

- Nuôi lợn gì mà suốt ngày quần là phẳng ly, áo sơ mi trắng, giầy đen không bám tí bụi nào - Tôi nhận xét thật thà - Nhìn ông thoạt đầu tôi tưởng hôm nay ông đi ăn cỗ cưới chứ đâu nghĩ ngày nào ông cũng chỉn chu như thế. Nuôi lợn mà diện sang hơn dân công sở như bọn tôi.

- Hì hì - Ông Nghĩa nghiêng người rót mời tôi chén nước chè - Thời buổi bây giờ nó thế mày ạ. Mình lôi thôi hôi hám có chó nó chơi với mình. Vả lại hằng tháng hằng quý nếu không trao đổi với nhà chuyên môn thì cũng giao lưu học hỏi với các “bạn chuồng”.

Chưa kể chuyện “gặp gỡ” cán bộ xã, cán bộ huyện, mèng thì cũng là tay trưởng thôn. Ai thì mình cũng đều đối xử như nhau - Ông Nghĩa nói thầm thì - Mình làm kinh tế tư nhân kiểu chăn nuôi pha kinh doanh nên lắm người đến “hỏi thăm” lắm. Không đối đãi tốt, chỉ lơ là một cái là có chuyện ngay.

Nói thật với thằng bạn, nếu tao mà không quan hệ rộng, không chu đáo, không tận tình thì đâu được an nhiên ngồi nhà như thế này - Dứt lời, ông Nghĩa lại làm một hơi thuốc lào - Mày biết không? Ở quê đám hiếu đám hỷ hầu như tuần nào cũng có, không thấy bóng mình là ăn tiếng trách luôn - Rồi ông Nghĩa hóm hỉnh - Ấy còn khách khứa tới nhà nữa.

Ngày nào tao cũng phải tiếp khách. Có ngày khách khứa tới nhiều chỉ riêng khoản uống nước chè đã nhão hết cả ruột. Hì hì - Ông Nghĩa cười. Nụ cười không có vẻ gì là than vãn cả.

- Khách gì mà lắm thế?

- Thì khách là bạn hàng. Khách là cánh nhà báo như mày chẳng hạn - Ông Nghĩa nhoài người kiểu như muốn ghé sát sang tôi nói thầm thì - Mấy bố nhà báo chúa là rách việc nhất - Ông Nghĩa cười hóm hỉnh - Chuyện gì cũng hỏi. Họ hỏi nhiều nhất là thu nhập. Ừ mà sao thu nhập lại được quan tâm nhỉ?

Tôi gặp lại ông Nghĩa sau đúng bốn mươi năm tròn. Một chuyện tình cờ kèm bất ngờ không hề nhỏ. Số là bữa đó tôi đến Tân Dân để viết bài về gương một cựu chiến binh làm kinh tế trang trại giỏi. Ai dè “gương điển hình” ấy lại là Nghĩa, ông bạn thời lính năm nào. Chúng tôi ngỡ ngàng rồi lao đến ôm chặt lấy nhau. Tôi thì bình tĩnh tí chút còn ông Nghĩa giọng nghèn nghẹn.

Ông Nghĩa cứ đặt tay vào lưng tôi mà dẫn đồng đội vào nhà. Giọng đã bớt nghèn nghẹn, ông Nghĩa nói:

- Tao vô tâm quá. Xa nhau ngần ấy năm chẳng đi tìm đồng đội cũ.

- Thì tôi cũng bận mà trót quên - Tôi thú thực - Ông sao lại ở đây?

- Chuyện dài lắm. Còn gặp lại nhau là tốt rồi. Mày ở chơi với tao mấy ngày nhé. Bao giờ chán thì về. Nhiều chuyện hay lắm.

- Chắc hôm nay thôi. Giờ nghỉ hưu hóa ra đi đâu lại khó.

- Tao tưởng?

- Bà vợ tôi ấy mà. Bà ấy canh dữ lắm. Chỉ sợ mình có em út nào ở đâu thôi.

- Hì hì. Già còn được vợ “yêu” sướng thế còn gì.

Tôi với Nghĩa tuy không cùng tỉnh nhưng thế quái nào lại cùng tiểu đội chiến sĩ mới. Hai thằng khác nhau về mọi phương diện bỗng trở nên thân thiết. Tôi nhớ, chúng tôi nằm ngủ cạnh nhau, đó có lẽ là “nguồn cơn” cho tình bạn lính.

Nghĩa kể chuyện học, tôi nói chuyện nhà. Hai thằng rì rầm chuyện trò bất cứ khi nào có dịp. Lính trẻ nhớ nhà là có chuyện gì đều san sẻ hết cho vơi nỗi nhớ.

Kết thúc bốn tháng huấn luyện chiến sĩ mới, đại đội huấn luyện được giải tán. Những thằng lính nhập ngũ tháng 2 năm 1975 “nhỡ” chuyến đi B vì miền Nam đã giải phóng được “phân bổ” về các nơi. Đa phần được điều về các đơn vị, chỉ có tôi với Nghĩa là được chuyển về sư bộ. Lý do ưu ái đó rất đơn giản.

Nghĩa đã học xong lớp 10, thời ấy những người như Nghĩa được xếp vào loại có văn hóa, hơn nữa Nghĩa cao dong dỏng, da trắng, dáng thư sinh, ăn nói lại đâu vào đấy, tính tình xởi lởi nên việc Nghĩa về sư bộ là đương nhiên. Còn tôi, học kém Nghĩa hai lớp nhưng bằng tuổi nhau.

Tính tôi ham chơi, ngại học nên chuyện lưu ban không trách ai được. Bù lại mọi người nói tôi có “hoa tay”, chút ít năng khiếu vẽ vời đã cho tôi được về sư bộ. Tôi làm lính Ban Tuyên huấn, nhiệm vụ là vẽ tranh cổ động, viết và cắt dán khẩu hiệu.

Còn Nghĩa làm chiến sĩ ở phòng Hậu cần. Ác nỗi cái người “có học” như Nghĩa lại được phân công về đội tăng gia của phòng, nhiệm vụ là chăn đàn lợn gần chục con. Cái biệt danh “Nghĩa lợn” ra đời từ đó.

- Hồi đó tao cứ tỵ với mày suốt - Ông Nghĩa thong thả nói, vẫn cách ăn nói bỗ bã như hồi còn trong lính. Thực ra tôi biết, nếu không thân tình thì ông Nghĩa không có cách ăn nói như vậy - Đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ.

- Tôi cũng ăn may thôi - Tôi nói giọng an ủi, trong giọng điệu vẫn giữ thói quen của người hay phải tiếp xúc với những người có vị thế - Có thế mới có ông Nghĩa “Đại gia nuôi lợn” như hôm nay chứ.

Cả hai cùng cười. Điều tôi hơi ngạc nhiên là Nghĩa quê ở huyện Gia Lương bên tỉnh Hà Bắc (cũ) vậy mà bây giờ lại có trang trại lợn gần ba ngàn con ở huyện Khoái Châu của tỉnh Hưng Yên. Ông Nghĩa chưa trả lời ngay ý thắc mắc của tôi, ông khề khà chiêu mấy ngụm nước chè rồi mới buông câu hỏi tưởng không ăn nhập:

- Mày có nhớ em Lý người Hải Hưng không?

- Nhớ chứ. Trong cánh chiến sĩ nữ nhập ngũ 1977 về nhà bếp sư bộ, em Lý là xinh gái nhất thằng nào chẳng biết. Hồi ấy nhiều thằng nhẩy vào cưa em Lý lắm - Tôi cười xề xòa - Hình như cũng có tao.

- Mày vừa đen vừa lùn sánh với em Lý làm sao được mà cũng đòi cưa cẩm. Chỉ có tao đây này. Tao chưa kịp cưa em Lý đã đổ kềnh.

- Rồi sau đó?

- Làm vợ tao chứ còn sao nữa - Ông Nghĩa gọi rất to với vào trong - Em ơi. Ra chào anh Thi “bôi sĩ” đi. Nói Thi “bôi sĩ” là vợ tao nhớ ngay.

Tôi lại bất ngờ. Chẳng ai nghĩ Nghĩa với Lý lại thành vợ chồng cả. Hồi ấy, lính tráng đều tuổi đôi mươi, việc “cưa mấy thím nhà bếp” chỉ vui vui cốt là để mấy em phần thêm cho xoong nước rau luộc.

Bọn tôi thường đá bóng tới tối mịt mới xuống nhà ăn thèm nước rau như ruộng khô chờ nước vậy, chứ có ai nghĩ sẽ kết duyên đâu. Tôi đưa mắt ngóng vào trong nhà. Bà Lý chắc là nghe gọi thế nên nhanh nhẹn bước ra, miệng vẫn tươi, dáng hình còn óng ả.

- Ôi. Em chào anh Thi. Lâu quá rồi bọn lính sư bộ mình mới gặp nhau. Mà làm sao anh biết được vợ chồng em ở đây mà đến?

- Tôi đến để viết bài. Chẳng dè lại là ông bạn - Tôi đứng dậy giơ tay ra bắt - Lý vẫn đẹp như hồi xưa chẳng thay đổi gì mấy.

- Anh cứ nói thế - Bà Lý cười xua tay - Không có anh Nghĩa chắc có lẽ em còn đang ế đấy - Bà Lý ghé đầu vào vai ông Nghĩa - Anh Nghĩa nhỉ.

Bấy giờ vẻ mặt ông Nghĩa chợt giãn ra. Nó chứng tỏ ông đang tự hào, chứng tỏ điều tôi chưa kịp nói “Cặp này hợp hòa với nhau lắm”.

***

Có lần, tôi sang chỗ Nghĩa chơi. Thấy Nghĩa đang xoay trần tắm cho lợn và dọn phân lợn. Nhìn cái thằng người gày gò, chân không lội trong nước phân hôi rình, tôi phát ngán.

Nghĩa quệt tay gạt mồ hôi trên trán hỏi: “Mày còn thích chuyển nữa không?”. Tôi lắc lắc đầu đang định quay đi thì thấy mấy “thím nhà bếp” ríu rít lại gần. Lý cũng đi trong số đó. Hôm nay các “thím” sang khu tăng gia để nhận rau mang về bếp.

Các “thím” này lạ thật đấy. Dịp nào sang nhận rau cũng “mò” đến chuồng lợn, nói là thăm lợn xem tháng này tăng mấy cân nhưng kỳ tình các “thím” đến để nghe anh Nghĩa kể chuyện. Tôi khó chịu ra mặt “Thằng chăn lợn hôi mù mà các em vẫn thích, kể cũng lạ”.

Bữa nay, các “thím” bảo nhau chuyển nước giúp anh Nghĩa rửa chuồng lợn. Các em cười nói râm ran. Nghĩa đứng giữa chuồng lợn chẳng ngại ngùng cái thân hình càng nhàng của mình, chẳng ngại gì mùi phân nồng nặc.

Cậu chàng cười nói hỉ hả. Thực tình, Nghĩa có khả năng kể chuyện tiếu lâm. Những chuyện Nghĩa kể làm các “thím” phải đặt vội xô nước xuống để cười ngặt nghẽo.

Lạ thế, “thằng chăn lợn” vẫn oang oang, nó kể đến đoạn Trạng Quỳnh yêu cầu lũ lính nếu có ỉa ở vườn rau của nhà Trạng theo lệnh Vua thì cứ ỉa nhưng ỉa không được đái, rồi Nghĩa mặt tỉnh queo hỏi như không: “Các em thấy cấm như thế có ai làm được không?”. Mấy “thím” lần này quay mặt đỏ nhừ sang hướng khác, cười chảy nước mắt.

- Ông cưa em Lý kiểu như vậy à? - Tôi thật thà hỏi.

- Đâu có - Lần này thì ông Nghĩa nghiêm túc - Năm còn nhớ chứ, cuối năm 1978 tao được ra quân. Phải nói là ông cụ nhà tao không đột ngột mất thì chắc gì được ra quân, lúc ấy tình hình biên giới căng lắm, rồi cấp trên đâu có cho ai xuất ngũ.

Mày đấy, mày thôi làm “bôi sĩ” chuyển xuống đơn vị làm Trung đội trưởng - Ông Nghĩa thầm thì - Nhà tao có mỗi tao là con trai, các chị lấy chồng xa, bà mẹ thì ốm liên miên, xã thương hoàn cảnh làm cái giấy gửi về sư bộ xin cho tao về làng.

- Ông ra quân chứ nếu ở lại chí ít cũng là Đại tá. Lương hưu rủng rỉnh, cần gì nuôi lợn.

- Về làng chăm mẹ được hơn năm thì bà cụ theo ông cụ mà đi. Tao thấy buồn quá lại túng nữa nên theo mấy thằng trong làng đi “đánh than”. Làng tao ở bên sông Đuống mà. Đêm tối những chuyến sà lan ì ạch chở than ngang qua thì bọn tao chèo thuyền đuổi theo, lặng lẽ áp mạn.

Bọn tao vừa cho thuyền đi theo sà lan vừa thò xẻng vào đống than. Than được xúc nhanh xuống thuyền. Xúc kha khá thì bọn tao rời sà lan, chèo thuyền vào bờ bán cho cánh thu mua đã chờ sẵn. Bữa ít bữa nhiều. Có bữa bị công an huyện bắt về nhốt mấy đêm.

Than ăn trộm mà - Ông Nghĩa ngừng kể. Lại trình tự những thao tác với chiếc điếu cày. Thả một hơi khói dài rồi mới chậm rãi kể tiếp - Sau cái lần bị công an huyện bắt nhốt một đêm cho muỗi cắn sưng người, tao chừa tiệt chuyện “đánh than” nhưng vẫn bí lối làm ăn.

- Rồi sao nữa? - Tôi sốt ruột.

- Một lần tao lang thang ở thị xã Hải Dương, làng tao tuy thuộc tỉnh Bắc Ninh nhưng giáp với huyện Cẩm Giàng. Người làng tao thường sang thị xã Hải Dương vì gần và tiện hơn về thị xã Bắc Ninh, thì tình cờ gặp em Lý.

Lý nhác trông thấy tao liền gọi: “Anh Nghĩa phải không? Đúng là anh Nghĩa rồi”. Tao giật mình nhìn lại và nhận ra Lý nhưng thấy xấu hổ vì sự nhếch nhác của mình nên bèn như không phải, vội vàng đi nhanh. Lý đuổi theo, em kéo vạt áo giữ tao lại.

Lý bảo: “Anh có văn hóa lớp mười rồi. Đi thi đại học đi”. Mày thấy có ngượng không chứ - Ông Nghĩa quay sang bà Lý - Hôm đó không tình cờ gặp lại bà lên tỉnh hỏi cách thức đăng ký thi đại học thì đâu có hôm nay. Bà Lý nhỉ”. Bà Lý lại đưa tay véo vào mạng sườn ông Nghĩa.

- Sao hai bạn không đi làm ở cơ quan nào?

- Hì hì - Ông Nghĩa quay đầu sát vào đầu bà Lý. Bà Lý ý tứ ngồi thẳng người - Em Lý lại mau mắn mới chết chứ. Cưới nhau đầu năm thì cuối năm bà ấy cho ra lò một lúc hai cô thị mẹt. Sinh đôi mà. Chắc là có trải qua quân ngũ nên nó mới khí thế như thế.

Ông Nghĩa cười hồn nhiên. Bà Lý hình như ngường ngượng lại đưa tay véo mạng sườn chồng.

Thì ra, lần hồi mưu sinh ở quê nhà Lương Tài chục năm trời mà vẫn khó khăn, bà Lý mới thủ thỉ: “Vợ chồng mình đều là kỹ sư chăn nuôi, mà anh hồi ở bộ đội cũng có kinh nghiệm hơn ba năm chăn lợn. Hay là mình làm chăn nuôi trang trại đi anh”.

Ban đầu ông Nghĩa chưa chịu. Lý do đơn giản là ở làng ông khó có địa điểm để xây dựng chuồng trại. Bà Lý lại tỉ tê: “Vợ chồng mình sang Khoái Châu quê em. Bên ấy đất thuận lợi hơn. Con cái có lên Hà Nội học cũng gần”.

- Thú thực với thằng bạn chứ Lý nói vậy tao thấy băn khoăn. Đường đường là thằng đàn ông mà phải nhờ “đất” quê vợ nghe sao sao ấy.

- Nhưng rồi.

- Tao băn khoăn mấy đêm suy tính. Cho đến một đêm mệt quá vào giường nằm cạnh bà Lý, Lý vòng tay ôm ngang lưng mình thủ thỉ: “Ở đâu tiện cho cuộc sống thì ở anh ạ”. Nghe câu ấy tao thấy thương vợ, thương con mà mình chưa làm gì ra tấm ra miếng cả nên mới quyết định “bỏ làng mình theo về làng vợ”.

Thế rồi ông Nghĩa bán mảnh đất cùng ngôi nhà ven đê sông Đuống do bố mẹ để lại lấy tiền làm vốn. Hai vợ chồng bồng bế con cái sang Khoái Châu. Ban đầu tá túc nhờ nhà vợ, đâu như chừng ba tháng thì ông quyết định thuê mấy sào ruộng ngoài đồng Bưng, dựng căn nhà nhỏ và nuôi lợn.

Được cái hợp đất mát tay nên chỉ hai năm sau vợ chồng ông Nghĩa đã có của ăn của để. Ông Nghĩa tính làm ăn lớn, vay thêm vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản. Đúng là có học lại có chí nữa nên phát đạt trông thấy.

- Nhờ trời - Ông Nghĩa chân thật - Nhờ trời nên được lộc mày ạ.

- Ông đúng là “nuôi lợn” có “truyền thống” - Tôi cười - Truyền thống kết hợp với kiến thức sẽ thành đại gia.

Nắng trưa hanh vàng. Bà Lý đã dọn xong mâm cơm. Mùi gạo mới thơm dậy quyện với mùi nhãn chín thơm lừng. Có lẽ tôi còn phải “tỵ” với Nghĩa lâu lâu đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ